Thứ 7, 23/11/2024, 16:58[GMT+7]

Nghĩa tình Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa

Thứ 2, 27/05/2024 | 09:08:13
12,967 lượt xem
Nghĩa tình Từ mạch nguồn sáng tạo văn chương của những cựu chiến binh tỉnh Thái Bình vốn đã có một thời tắm suối, ngủ rừng ở Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước hào hùng, chưa đầy mười năm qua Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa tập I, tập II, tập III đã tiếp nối nhau được xuất bản. Bộ sách này mang hương sắc riêng có của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình (Hội Trường Sơn Thái Bình), từng đã được những người trong cuộc nâng niu cùng khá đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh trân trọng đón nhận. Chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quê hương năm 2024 và 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), Đại hội Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình lần thứ III,Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa tập IV đã ra mắt bạn đọc.

So với 3 tập đã xuất bản thì tập IV dày dặn hơn với 216 bài thơ và 20 bài văn xuôi của 102 tác giả, trong đó có khá nhiều bài chau chuốt, tinh túy hơn cả về nội dung và hình thức thể hiện với các chủ đề phong phú, đa dạng hơn. Tuy hàm lượng văn chương, giá trị nghệ thuật ở mỗi tác phẩm có mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng nhìn chung đa phần đều đáng yêu, đáng nhớ và rất đáng được trân trọng.

Trước hết, điều rất đáng nâng niu trân trọng ở bộ sách này là dường như hầu hết các sáng tác đều được thể hiện một cách chân chất, mộc mạc. Đó là những sáng tác không quá cầu kỳ, không khuôn sáo, không câu nệ về câu chữ mà cứ hồn nhiên, hồn hậu, thấm đậm, đầy ắp nghĩa tình Trường Sơn. Đó là nghĩa tình đồng đội thuở ấy - hôm nay, là nghĩa tình của người đang còn ở lại với người đã mãi mãi đi xa và với những người thân của họ. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những ký ức một thời thanh xuân ở Trường Sơn thường vẫn không hề nguôi ngoai với người lính. Đó chính là chất liệu chủ đạo để những người lính già một thời chai sạn với đạn bom, gian khó ở Trường Sơn hóa thân trong sáng tác văn chương.

Nếu đặt riêng từng tác giả, tác phẩm sẽ có thể dễ nhận thấy những nét riêng của mỗi người, mỗi bài, nhưng khi gộp thành ấn phẩm chung thì bộ sách 4 tập Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa mang đậm dáng dấp của một bộ sử thi về Trường Sơn huyền thoại. Một bộ sử thi còn ngổn ngang đạn bom, ngột ngạt mùi chất độc hóa học. Bộ sử thi đó cũng lại là một bản tình ca. Đó là một bản tình ca có tình yêu đôi lứa trắng trong, tình thương yêu đồng đội chất chồng, hòa quyện trong tình yêu Trường Sơn, tình yêu đất nước, quê hương... Bản tình ca đó vừa lắng đọng những ký ức của một thời ở Trường Sơn, vừa trỗi dậy khí thế hào hùng của một thời thanh xuân ra trận vừa quặn thắt những nỗi đau chiến tranh từ nửa thế kỷ trước, vừa tỏa rạng niềm vui say phấn chấn trên các cung đường xây dựng quê hương trong nửa thế kỷ qua, vừa vọng vang niềm tự hào về Đảng - Bác, vừa khẳng định và thấm thía cái giá trị của hòa bình, độc lập, tự do...

Nếu như những ký ức, nghĩa tình về Trường Sơn và những suy tư, nghĩa tình của người lính Trường Sơn năm xưa trong cuộc sống hôm nay là hai mảng chủ đề lớn, xuyên suốt bộ sách thì ở tập IV cả hai mảng chủ đề này đều đã xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm đáng yêu, đáng nhớ. Có thể khẳng định, cảm hứng bất tận về Trường Sơn với những ký ức, niềm tự hào, nghĩa tình với đồng đội là một dòng chảy vốn đã được khơi nguồn, dẫn mạch từ những tập trước thì đến tập IV đã cuồn cuộn tuôn trào thành nhiều nhánh, nhiều dòng, mênh mông, dào dạt, đầy ắp thêm.

Lê Trần Bách viết về những hiểm nguy của lính lái xe ở Trường Sơn thuở ấy: “Vững tay lái trên đường đèo sinh tử/Lại ca vui sau giây phút hiểm nguy/Bãi trống đang qua nhiều mìn vướng bom bi/Ngó trăng sao biết trời sắp sáng”. Nguyễn Hữu Bản đã viết về Trường Sơn như thể viết ca từ để phổ nhạc cho ca khúc về tuyến đường huyền thoại: “Mãi mãi ghi danh sử sách trang vàng/Đường Trường Sơn tuyến hậu cần huyền thoại/Thống nhất hai miền vẹn non sông gấm vóc/Tổ quốc muôn đời vang mãi mãi/Trường Sơn ơi”. Sự hy sinh lớn lao ở Trường Sơn được Trần Quang Chính liên tưởng đến khái niệm về thuật ngữ “nguyên sinh”: “Rừng nguyên sinh/Khi anh tới không còn nguyên sinh nữa” và: “ Năm mươi năm rồi/ Nơi ấy lại nguyên sinh/Chỉ người lính trở về/Không còn nguyên sinh nữa/Đỉnh Trường Sơn cỏ tươi như mùa cũ/Xin gửi một thoáng hồn xanh mãi/Với nguyên sinh”. Chu Công Dâu muốn nói về tuổi trẻ sẵn sàng hy sinh cả tình yêu của mình cho chiến trường, cho Tổ quốc: “Chỉ có Trường Sơn mới thương đến thật thà/Tuổi mười chín ủ tình yêu than lửa/Ai cũng biết mà trái tim đóng cửa/ Phía trước con đường, phía trước miền Nam”. Hoàng Điệp viết: “Tổ quốc mình cứ đẹp mãi như tranh/Những người lính áo xanh đã đi vào huyền thoại”. Lê Mạnh Hùng viết về những ngày gian khổ vượt Trường Sơn ra trận: “Đường đi vất vả gian nan/Mưa nguồn nắng núi suối ngàn vực sâu/ Đạn bom giặc trút trên đầu/ Gậy tre, dép lốp... Đêm thâu vượt đèo/Gió ngàn cùng mảnh trăng theo/Nghiêng nghiêng vành mũ tai bèo rung rinh”. Đỗ Hương viết về ý chí kiên cường, tinh thần vượt qua gian khổ mà lạc quan đến lạ thường: “Nhớ thời đầu võng trăng treo/ Trường Sơn suối róc rách reo bên đường/AK đặt dọc ngang sườn/Đói cơm thiếu muối đâu sờn lòng ta”. Phạm Thị Mỵ da diết với những tháng năm gắn tuổi thanh xuân cùng với tuyến đường: “Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường Trường Sơn Chúng em góp công một thời tuổi trẻ/ Dân tộc mình bao giờ chẳng thế/Khi Tổ quốc cần tuổi trẻ sẵn sàng đi”. Và, dường như những người lính Trường Sơn đều thường có chung một niềm tự hào như Nguyễn Khúc: “Tổ quốc một thời không thể nào quên/Kỳ tích Trường Sơn một thời máu lửa/Đất nước có một thời để nhớ/ Huyền thoại Trường Sơn, sông núi rạng ngời”...

Nhớ Trường Sơn là nỗi nhớ chung, nhưng mỗi người lại có cách thổ lộ riêng của mình. Đó là những nỗi nhớ trăng, nhớ mưa, nhớ suối, nhớ nhánh lan rừng, nhớ tán xăng lẻ, nhớ rau môn thục, nhớ cây búng báng... và có người lại nhớ một giấc mơ về tuổi mười tám như Trần Quang Chính: “Bỗng một ngày ta trở về mười tám/ Với Trường Sơn xanh áo lính một thời/Có buổi chiều lặng lẽ đếm bom rơi/Giặc rải thảm lối chân đèo trọng điểm”... Hơn nửa thế kỷ đã qua rồi, chưa biết còn có bao nhiêu cựu lính Trường Sơn vẫn giữ trọn mộng mơ như Phạm Kim Doanh: “Đẹp biết bao nhiêu những buổi chiều/Ngồi bên bờ suối nhớ người yêu/Dáng em âu yếm cười trong ảnh/Chim hót trên cành dưới suối reo”. Lại cũng thật đáng yêu khi đọc các bài thơ viết về Trường Sơn của Ánh Dương đều thấy có trăng: “Xe ta vượt núi băng rừng/Trăng khuya như cũng ý chừng muốn theo/Khi xe leo dốc trăng treo/Khi xe qua vực trăng nheo mắt nhìn”...

Những sáng tác theo cụm chủ đề thương nhớ đồng đội đã hy sinh thường dễ gieo vào lòng người đọc nghĩa tình sâu nặng của người lính Trường Sơn. Đào Mạnh Hạ với bài “Các anh mãi chưa về”, Đỗ Ngọc Thứ với bài “Khánh ơi” cùng nhiều tác giả khác đã viết về đồng đội đã hy sinh.

Nghĩa tình Trường Sơn cứ lắng đọng, cứ thẳm sâu trong tâm can của mỗi cựu binh, nhưng nghĩa tình thiêng liêng cao quý ấy lại thường thẳm sâu thêm, trỗi dậy, trào dâng hơn trong những chuyến thăm lại chiến trường xưa, thấm đẫm nước mắt nhớ thương đồng đội và đã được thơ hóa thành nhiều bài ở tập này.

Nỗi đau của chiến tranh không chỉ là nỗi đau về thịt nát xương tan, máu xương đổ xuống, di chứng của chất độc bám theo dai dẳng mà còn là nỗi đau bất tận của sự chia ly, chờ đợi. Vũ Hồng Thái đã viết: “Người đi chống giặc phương xa/ Quê nhà em đợi về ta xây đời/Đợi cong đòn gánh hỏi trời/Cong liềm cắt lúa đất ơi thấu tình”.

Khi viết về người phụ nữ mòn mỏi đợi chờ người chồng ra trận chưa về, các tác giả thường hay liên tưởng đến hình tượng vọng phu hóa đá, nhưng mỗi người lại có cách biểu hiện riêng. Nếu như Phạm Nhiên đã cảm khái: “Lúa đồng bao vụ chín, xanh/Người đi, người đợi hóa thành vọng phu” thì Nguyễn Thế Quỳnh đã viết về nỗi đau của một người con gái mỏi mòn chờ đợi người yêu ra trận trở về, nhưng rồi người yêu mãi mãi không về và cô gái ấy đã xuống tóc đi tu. Nỗi đau ấy còn nghiệt ngã hơn cả vọng phu hóa đá: “Vọng phu còn được bồng con/Em mơ làm mẹ chẳng tròn đam mê/Người đi sao chẳng thấy về/ Để người tựa gốc bồ đề đọc kinh”...

Mảng đề tài viết về nghĩa tình và những suy tư về cuộc sống hôm nay trong tập IV rất đa dạng, nhưng xuyên suốt mảng đề này là tình yêu, là niềm tự hào, là sự tri ân, là nghĩa tình sâu nặng với Đảng, với Bác, với Dân, với quê hương, đất nước, với đồng đội và người thân của họ.

Phần văn xuôi ở tập này có 20 tác phẩm với các thể loại truyện ký, ký sự, hồi ức và phần nhiều là những bài báo viết về những tấm gương của người lính Trường Sơn thuở ấy - hôm nay. Về nơi đất thiêng ghi chép lại một chuyến thăm lại chiến trường xưa và tri ân liệt sĩ là một bài ký được viết rất công phu, xúc động. Những câu chuyện về Vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn quê lúa về Bạn tôi, về một Lời xin lỗi muộn mằn... là những chuyện viết rất thật về đồng đội và mang tính nghệ thuật cao. Những bài viết về gương sáng hội viên đã góp phần thiết thực vào việc giúp người đọc hiểu thêm về quang cảnh “tỏa sáng Trường Sơn” ở Thái Bình.

Hẳn là, bộ sách Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa không chỉ đầy ắp nghĩa tình, làm sống lại những kỷ niệm nhớ đời cho riêng các cựu binh Trường Sơn quê lúa mà còn có sức lan tỏa để các thế hệ hôm nay và mai sau có thể hiểu một cách toàn diện hơn, sống động hơn về giá trị trường tồn của Trường Sơn thời chống Mỹ.

Thanh Nguyên
Kiến Xương