Thứ 5, 21/11/2024, 20:30[GMT+7]

Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút

Thứ 2, 03/06/2024 | 17:14:45
8,692 lượt xem
Trong đội ngũ những người cầm bút ở Thái Bình nửa thế kỷ qua không thể không nhắc đến Thiếu Văn Sơn, một nhà báo, nhà văn với những đóng góp tiêu biểu trên các trang báo, qua những bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết mà ông đã lần lượt trình làng.

Nhà báo Thiếu Văn Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình (hàng đầu bên trái) và các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, cộng tác viên Báo Thái Bình bên lề hội nghị Cộng tác viên Báo Thái Bình năm 1995. Ảnh Tư liệu

Là người lính, từng tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam trong những năm đánh Mỹ, Thiếu Văn Sơn từng làm phóng viên Báo Sông Hồng, Quân khu Tả ngạn. Từng là kỹ sư kinh tế. Từng gắn bó gần như suốt cuộc đời cho sự nghiệp báo chí, văn học ở một vùng đồng bằng, quê lúa.

Với 6 tập sách, gồm 3 tập truyện ngắn, 3 cuốn tiểu thuyết và khá nhiều bút ký, phóng sự xuất hiện trên văn đàn đất nước…, những trang văn của Thiếu Văn Sơn luôn biểu hiện sự bộn bề của tình huống, cảnh sự, của hiện thực sôi động, hấp dẫn cùng sự khơi sâu mạch nguồn thuộc về tài năng của chủ thể tư duy, trước khả năng chiếm lĩnh, phát hiện và phản ánh hiện thực.

Sinh ra tại quê hương Đức Phong, Đại Đồng, Kiến Thụy, Hải Phòng, năm 1964, Thiếu Văn Sơn nhập ngũ, làm người lính hải quân, rồi về làm báo, sau đó lại xung phong ra chiến trường cầm súng đánh giặc. Ông là thương binh, trên người còn mang bảy vết thương từ nhiều miền chiến địa.

Nhà báo Thiếu Văn Sơn. Ảnh Tư liệu

Nhà báo Thiếu Văn Sơn (bên phải) và nhà báo Kim Toàn, nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng.

Nhà báo Thiếu Văn Sơn (bên phải) dự khóa học nghiệp vụ báo chí của OIJ tại Hungary.

Xung phong đi B

Đi B, là vào chiến đấu tại mặt trận phía Nam.

Một buổi tối, khi vừa tan đêm diễn vở chèo “Tiếng gọi tiền phương” mà tôi viết kịch bản, Thiếu Văn Sơn là họa sĩ trình bày sân khấu, cả đơn vị bỗng có lệnh tập trung, tiếng chỉ huy đơn vị đọc dõng dạc từng tiếng “Mệnh lệnh khẩn cấp” của cấp trên: “Hiện nay, đơn vị ta cần mười đồng chí bổ sung cho chiến trường. Trong lúc đất nước lâm nguy, “chức năng” của bộ đội là đánh giặc, “nhiệm vụ” là ở chiến trường, “trách nhiệm” là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Chúng tôi yêu cầu các đồng chí tình nguyện xung phong…”.

Lặng đi giây lát, một tiếng nói với cánh tay giơ lên: “Tôi!”.

Kìa, tôi nhìn, một dáng người nhỏ gầy bước lên phía trước hàng quân. Tôi nhận ra Thiếu Văn Sơn. 

Đêm ấy, sau ít phút chuẩn bị lên đường, Thiếu Văn Sơn tìm gặp tôi, chia tay. Sơn nói: “Tao còn cha mẹ già ở nhà. Người yêu đang chờ đợi nữa. Là con người, ai chả khao khát yêu thương. Nhưng, mày biết đấy. Nơi chiến trường, nơi hòn tên mũi đạn, ai có thể biết trước được điều gì. Nhưng tao phải xung phong. Tao phải ra đi… Vì tao là một đảng viên”.

“Đảng viên” - tôi khẽ kêu lên. Giữa lúc này, hai tiếng ấy vang lên trong tôi, sao mà thiêng liêng, lớn lao, cao cả đến thế. Tôi thầm phục và ngưỡng mộ Thiếu Văn Sơn.

Người lính cầm bút

Với sự nghiệp báo chí, văn chương, thuở ban đầu mấy ai biết Thiếu Văn Sơn từng viết khá nhiều thơ, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam… Thơ ông nghiêng về tự sự. Giàu cảm xúc. Tinh tế và hóm ở thi ảnh, giọng điệu. Nhưng nhận ra phẩm chất văn xuôi ở mình thuận và mạnh hơn, từ đầu những năm 1970 ông thử sức, viết văn xuôi. Khi truyện ngắn, bút ký của ông xuất hiện, được nhiều báo đón nhận, Thiếu Văn Sơn gắn bó với mảng này.

Trong “gia tài” văn xuôi của mình, khá nhiều truyện ngắn của Thiếu Văn Sơn thường có mặt trên Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hàng loạt truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ như: Bố con ông tổ trưởng bèo dâu, Đối mặt, Bản hợp đồng dang dở… và những bút ký in trang nhất Báo Văn nghệ, gây được tiếng vang như: Người đi mở đất, Người câu tôm, Một vùng sóng đỏ, Đất mới cửa sông Trà, Trở lại Vũ Thắng, Thái Bình trong mưa… Đặc biệt, bút ký “Thứ trưởng về làng” đạt giải cuộc thi bút ký của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004, được đánh giá khá cao ở chiều sâu của chất suy tưởng, chất ngẫm suy qua những gì được phát hiện và kiến giải.

***

Nghỉ công tác, Thiếu Văn Sơn giành nhiều thời gian sáng tác văn học.

Sau tiểu thuyết “Nửa đời còn lại,” cuối năm 2014, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tiếp tục cho ra mắt bạn đọc “Phận đời”. Đây là tác phẩm khẳng định sự vững vàng, trải nghiệm với không ít thành công của nhà văn ở thi lĩnh vực tiểu thuyết.

Phải nói, cùng với những tác phẩm báo chí mà thời gian dài Thiếu Văn Sơn là phóng viên rồi lãnh đạo cơ quan báo chí, trên những trang văn xuôi của tiểu thuyết hay các thể loại báo chí, văn học khác, ông đã đi từ thế mạnh, lấy thế mạnh của “người trong cuộc” bơi trong hiện thực vô cùng phong phú, sinh động. Thiếu Văn Sơn có trong mình một “cái mỏ lộ thiên” của hiện thực cuộc sống mà tung hoành, khai sáng từ “cái đi, cái gặp, cái thấy, cái biết” để có được cái thế giới “hoài nghi,” là “thế giới hồn mình”, thế giới của những “thông điệp” được khơi nguồn từ bao nhiêu lượng thông tin chuyển vận…

Với trải nghiệm của hơn 50 năm cầm súng và cầm bút, với những tập sách, những trang viết lần lượt ra đời, Thiếu Văn Sơn đã đắp dầy vào ý thức của nghệ sĩ sáng tạo. Đó là sự hướng về cái “chân - thiện - mỹ”, cái muôn thuở của cõi nhân sinh, cái khát khao vươn tới trước sứ mệnh cao đẹp của người cầm bút…

Nhà báo Thiếu Văn Sơn tặng cuốn Địa chí Thái Bình cho đồng chí Hoàng Minh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình, Tổng biên tập Báo Thái Bình.

Đồng chí Hoàng Minh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình, Tổng biên tập Báo Thái Bình chúc tết nhà báo Thiếu Văn Sơn tại gia đình.

Ở tuổi 82, nhà báo, nhà văn Thiếu Văn Sơn đã theo bước tổ tiên. Nhưng với báo chí, với văn học nghệ thuật, ở một mảng đóng góp với riêng một dáng vẻ, giọng điệu, riêng một “cái có” ở “hiện thực ngoại giới”, ở cách nhìn nhận, khai thác, ở “không gian trang văn”, ở tư duy, cảm xúc, ở tính tư tưởng, ở thông điệp, ở chất nhân văn mà người cầm bút muốn gửi về mai sau với công chúng bạn đọc của mình… thì Thiếu Văn Sơn là “Hạt ươm gieo”, là “Hương sắc riêng” trên cánh đồng văn chương, chữ nghĩa…

Hải Phòng, tháng 6/2024

Kim Chuông



  • Từ khóa