Chủ nhật, 25/05/2025, 23:45[GMT+7]

Lễ Vu lan nghĩ về chữ hiếu

Chủ nhật, 01/09/2013 | 09:37:01
1,303 lượt xem
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Lễ Vu Lan có ý nghĩa rất quan trọng, chẳng phải thế mà câu nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người và trở thành phong tục với nghi lễ thờ cúng ngày 15/7 (âm lịch) hàng năm.

Ảnh minh họa.

Vu lan được coi là một đại lễ để người con báo hiếu cha mẹ, là dịp để mỗi gia đình tụ họp, sum vầy. Nguồn gốc của Lễ Vu lan xuất phát từ một câu chuyện trong kinh Phật: Người con đi khắp bốn phương, tìm mọi cách để cứu mẹ ra khỏi nơi ngạ quỷ. Ông tìm đến đức Phật và được dạy rằng: “Ðể cứu mẹ ông, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Nhờ người con làm theo lời Phật dạy mà người mẹ đã được giải thoát. Từ đó, Lễ Vu lan được người Việt lưu truyền và coi như một ngày để con cái có thể bày tỏ lòng tôn kính với bậc sinh thành, nuôi dưỡng.

 

Cuộc sống hiện nay con người thường bị áp lực cơm, áo, gạo, tiền, đôi khi khiến người ta quên đi chữ hiếu. Ðã có không ít bậc cha mẹ phải chịu cảnh cô đơn, không người chăm sóc, thiếu lời an ủi động viên lúc tuổi già, sức yếu. Chính vì thế ngày Lễ Vu lan càng có ý nghĩa hơn, khi nhắc nhở mỗi người con, cần biết quan tâm, làm tròn bổn phận với cha mẹ. Ðược nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện của những người con tiếc nuối khi cha mẹ còn sống không có thời gian phụng dưỡng để khi cha mẹ đã sang thế giới bên kia chỉ còn là sự oán trách cho thái độ vô tâm của mình, là lời hối hận muộn màng. Ðây là bài học cho những ai còn cha mẹ, là lời nhắc nhở cần biết nâng niu gìn giữ giây phút hạnh phúc đáng quý cho tình phụ, mẫu - tử thiêng liêng này.

 

Trong cuộc sống, ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, ta luôn có thể bắt gặp những câu chuyện, những hình ảnh cha mẹ hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc và nuôi dạy con cái. “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Khó có thể đong đếm được công ơn nuôi dưỡng của các bậc sinh thành. Và dù các đấng sinh thành không mong các con trả “ơn trời bể” nhưng mỗi chúng ta hãy tự suy nghĩ và hành động từ những cử chỉ nhỏ nhất để làm sao sống không phụ lòng cha mẹ, không để cha mẹ buồn lòng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy giành cho cha mẹ những bông hoa điểm mười thay lời nói cám ơn; khi bận mải với công việc thường nhật hãy giành vài phút trò chuyện, tâm sự cùng cha mẹ, hay chỉ là câu hỏi han ân cần: “Bố đã ăn cơm chưa?”, “Trời lạnh mẹ nhớ mặc áo ấm nhé”… Mỗi hành động và lời nói xuất phát từ trái tim cha mẹ sẽ cảm nhận được tấm chân tình và lòng hiếu thảo của người con. Giản dị thôi nhưng thật ấm áp tình người, đó là điều mà cha mẹ cần nhất lúc tuổi xế chiều.

 

Những hành động hiếu thảo của người con thể hiện với cha mẹ lúc này sẽ là lời dạy dỗ cho những thế hệ sau, bởi người Việt ta có câu “Nhân nào quả ấy”. Hãy là những tấm gương sáng, nêu cao chữ hiếu trong mỗi hành động và việc làm của mình để con cái chúng ta học tập và noi theo.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa