Thứ 6, 26/07/2024, 16:29[GMT+7]

Những người đam mê múa sư tử, múa lân ở Minh Lãng

Thứ 5, 19/09/2013 | 08:23:28
4,504 lượt xem
Mỗi dịp Trung thu về, cũng như thiếu niên, nhi đồng khắp mọi miền đất nước, trẻ em Minh Lãng (Vũ Thư) lại được vui đón tết bằng cỗ đèn muôn màu sắc, hình thù, hoa quả và các loại bánh dẻo, bánh nướng, nhiều đồ chơi con trẻ... Góp thêm sự nhộn nhịp, rộn ràng cho đêm hội trăng rằm là các đội múa lân, múa sư tử hầu như thôn nào cũng có để các em phá cỗ trông trăng vui hơn, ấn tượng hơn, lại đậm nét văn hóa truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Lại Hoàng Vũ thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng chuyên làm cỗ chạp cưới hỏi. Ít ai biết những năm 90, ông nổi tiếng là người múa sư tử giỏi có tiếng của làng Sành xưa. Vì nghiệp mưu sinh, ông bươn chải đủ nghề, thế nhưng cái máu văn nghệ, niềm đam mê múa sư tử vẫn cuốn hút người cán bộ Đoàn năm nào. Có dịp, ông lại truyền dạy lại cho các cháu trong thôn xóm. Ông kể: Khi nhập cuộc, người nghệ sĩ phải diễn, phải hóa thân vào một con sư tử thực thụ. Mỗi đoạn diễn đều thể hiện những tâm trạng khác nhau của sư tử, lúc hung dữ, lúc nhảy múa vui vẻ, lúc ru con hiền lành, lúc vồ mồi dũng mãnh… Ngoài ra, múa sư tử không chỉ đòi hỏi lòng đam mê, kỹ thuật diễn mà cần phải có một thể lực tốt và am hiểu võ thuật. Như thế các động tác và tư thế của sư tử mới đạt đến độ cương nhu, hài hòa.

Ông Ngô Duy Sáu, thôn Trung Nha cũng mê múa lân, múa sư tử từ nhỏ. Cách đây 6 năm, ông đã cùng mấy người bạn hưu tập hợp, thu hút các cháu thanh thiếu niên, lập nên đội múa sư tử, múa lân, rồi mời các bậc tiền bối truyền dạy các tư thế. Đội múa của thôn nức tiếng khắp vùng, được xã bạn mời biểu diễn. Trung thu này, đội 16 người lại tập múa theo đúng kiểu cổ truyền: từ vai mặt nạ, vai khỉ, bụng phệ, múa song kiếm, côn. Đến nay dù sức khỏe yếu, ông vẫn rành rọt nhiều thế múa đẹp.

Múa sư tử khác múa lân ở chỗ, người múa núp kín thân mình trong đạo cụ và sư tử thì không có sừng. Đám múa lân thường có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ theo nhịp trống. Nhưng trong cả hai màn múa, không thể thiếu ông Địa, một người bụng phệ, tay cầm quạt giấy to phe phẩy. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Phật Di Lặc - người đã chế ngự được một quái vật (con lân) từ dưới biển lên bờ phá hoại. Múa sư tử được người dân Minh Lãng lưu truyền từ xa xưa, cha truyền con nối, mỗi ngày một phong phú đa dạng. Anh Nguyễn Văn Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Súy Hãng cho biết: bên cạnh việc học hỏi các thế hệ đi trước, các anh cũng mày mò tìm tòi để thu hút các em tham gia. Cái khó là lực lượng trẻ ở nông thôn không nhiều, người làm hoạt động Đoàn lại càng mỏng. Các anh phải đi vận động, rồi tranh thủ thời gian hướng dẫn, luyện tập các thế múa.

Để duy trì trò chơi dân gian múa sư tử, múa lân cũng lắm công phu. Bên cạnh yêu cầu về số lượng, người chơi còn đam mê để học thêm các thế võ cổ truyền, rồi còn các đạo cụ bảo đảm kỹ, mỹ thuật. Một đôi lân bây giờ cũng đáng giá gần chục triệu. Ngày xưa thời ông Vũ, ông Sáu, thanh niên còn đi cấy mấy sào ruộng rẽ, bán thóc bù tiền mua mặt nạ sư tử, lấy mẹt nan để làm giả bụng phệ, rồi quần áo biểu diễn... Bây giờ những người làm phong trào như anh Tùng phải cất công ra tận Hải Phòng, vừa để học hỏi thêm về cách biểu diễn, vừa để mua dụng cụ, trang phục rẻ cũng có giá gần 5 triệu đồng/đôi lân.

Anh Đỗ Văn Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Lãng cho biết: mỗi dịp Trung thu về, bên cạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, cắm trại, phá cỗ, bên cạnh những trống, những đèn ông sao, đèn lồng,... thì hơn 300 đoàn viên trong xã và các em nhỏ rất háo hức các kiểu múa sư tử, múa lân như "Độc chiếm ngao đầu", "Song hỷ”, "Tam Tinh", "Tam Anh", "Tứ Quý hưng long". Ngoài ra còn có trống, thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân và quan trọng nhất không thể thiếu đó là ông Địa. Tất cả làm nên một bức tranh đêm hội trăng rằm nhiều thanh âm, sắc màu.

Hà Thanh
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

 

  • Từ khóa