Múa lân - Trò chơi dân gian mang nhiều ý nghĩa
Ngay từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch, không khí chuẩn bị đón Tết Trung thu đã rộn ràng khắp nơi. Bánh nướng, bánh dẻo và những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, màu sắc được bày bán thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Nhưng có lẽ môn nghệ thuật múa lân dân gian do các em nhỏ biểu diễn ở Quảng trường 14/10 vào các buổi tối mới thực sự cuốn hút khán giả nhí và các bậc phụ huynh.
Nghe tiếng trống của đội múa lân gần nhà vang lên, bé Trần Thị Thanh Thảo (7 tuổi), phường Đề Thám rối rít giục bố mẹ cho đi xem. Thảo bảo: “Xem các anh chị múa lân vui và thích lắm”. Còn bé Nguyễn Kim Khánh (12 tuổi), phường Tiền Phong, bố mẹ đi làm công nhân về muộn không đưa đi xem múa lân được nên em và một số bạn cùng ngõ rủ nhau đi bộ theo đội lân của phường lên Quảng trường 14/10. Bé nào cũng mồ hôi nhễ nhại song vẫn hớn hở vì được xem những con sư tử màu sắc sặc sỡ nhảy múa uyển chuyển, nhịp nhàng. Môn nghệ thuật dân gian này vì thế mà hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ, nhiều em bé chưa đầy một tuổi cũng tròn xoe đôi mắt rồi cười toét miệng. Cuốn hút vậy nên em Tô Thị Hằng, tổ 5, phường Lê Hồng Phong học đại học trên Hà Nội song cứ đến rằm Trung thu là lại khăn gói về quê xem và phục vụ đội lân của tổ đi biểu diễn.
Ở những nơi các đội lân đi qua, cứ nghe thấy tiếng trống là người lớn, trẻ nhỏ nhanh chóng tìm đến cổ vũ và reo hò. Chị Phạm Thị Hằng nhà ở đường Trần Hưng Đạo cười bảo: “Có mấy đội múa lân Tết Trung thu mới thêm phần huyên náo, các cháu thêm niềm vui”.
Có sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của khán giả, các đội lân múa hăng say hơn. Em Lê Ngọc Sơn (15 tuổi) tay trống và là một trong số người múa lân giỏi của đội lân tổ 5, phường Lê Hồng Phong nói: “Mệt lắm cô ạ nhưng mà vui nên tất cả các thành viên trong đội đều cố gắng hết mình để phục vụ khán giả”. Lúc bé xem các anh chị múa lân mê quá nên Sơn xin bố mẹ tham gia giờ cũng được 3 năm. Ngày bố em còn sống, bố và các bác trong tổ truyền dạy kỹ thuật múa lân cho đội, tối đến bố em lại lấy xích lô - phương tiện kiếm sống của cả nhà chở trống, đầu lân phục vụ đội đi biểu diễn miễn phí vào dịp Quốc khánh 2/9 và rằm Trung thu.
Ông Phạm Ngọc Thanh, tổ trưởng tổ 5, phường Lê Hồng Phong, người gióng dựng, truyền ngọn lửa đam mê và kỹ thuật múa lân cho các cháu của tổ cho biết: Cụm dân cư số 1 của phường có 7 tổ thì 6 tổ có đội múa lân, mỗi đội gồm 12 đến 15 cháu. Trong đó, tổ 3 và tổ 5 thành lập sớm nhất (năm 1990). Ông cho rằng: Để múa dẻo, múa đẹp, múa lâu thì người cầm trống lệnh phải đánh nhịp nhàng, đều tay và để lấy được nụ cười của khán giả phải có thêm chú tễu thật hài hước. Hơn 20 năm qua, ông Thanh đã cùng một số bậc phụ huynh trong tổ 5 miệt mài truyền dạy kỹ thuật múa lân cho các bạn trẻ vì muốn góp phần giữ gìn và phát triển trò chơi dân gian bổ ích, lý thú này. Ông cũng muốn thông qua trò chơi này các cháu đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.
Không có người lớn dạy múa, đánh trống và đứng ra lo việc mua sắm, tổ chức như các đội khác nhưng đội lân tổ 14, phường Đề Thám vẫn được đông đảo khán giả yêu mến, cổ vũ bởi phong cách biểu diễn nhiệt tình, có một chú tễu mà chỉ cần nhìn cách ăn mặc, đi lại cũng đã làm mọi người phì cười. Em Phạm Đức Vượng, tay trống của đội cho biết: “Cả đội có khoảng gần 30 bạn tuổi từ 12 - 18. Cách múa, cách đánh trống bọn em học trên mạng. 2 đầu lân do gia đình của một bạn chuyên làm đầu lân tài trợ còn trang phục và dụng cụ biểu diễn các thành viên trong đội tự góp tiền mua đồ về mày mò làm”. Năm nay, đội của Vượng “ra quân” phục vụ các em nhỏ ở Thành phố từ ngày mồng 3 âm lịch, tối nào cũng bắt đầu biểu diễn lúc 8 giờ và thôi diễn khi đã 10 giờ đêm.
Hiện Thành phố Thái Bình có hơn 10 đội lân của các phường: Lê Hồng Phong, Đề Thám, Trần Lãm, Kỳ Bá, Tiền Phong và xã Vũ Chính. Từ tối ngày mồng 8 đến tối ngày 15 tháng 8 âm lịch, hầu hết các đội lân của Thành phố đều tập trung tại sân Quảng trường 14/10 thi đấu xem đội nào đánh trống to, trang phục đẹp, múa hay. Đấy là lúc các em nhỏ, các bậc phụ huynh được thưởng thức những màn múa đặc sắc nhất, trong đó không thể không kể đến màn rồng phun lửa.
10 giờ đêm, trong khi các đội lân lục đục thu xếp đồ nghề ra về thì các em nhỏ vẫn muốn xem tiếp, ánh mắt nhìn theo đầy vẻ tiếc nuối. Cả ngày hôm sau, các em chờ đợi và mong trời mau tối để lại tiếp tục được đi xem những màn múa lân đặc sắc dưới ánh đèn đêm lung linh huyền ảo.
Bài, ảnh: Đỗ Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
Xem tin theo ngày
-
Quyết tâm, hành động quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh lần thứ nhất
- Công bố nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công tác cán bộ
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 5 nghị quyết
- Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV
- Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị triển khai cuộc kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Kỳ họp bất thường lần thứ chín: Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng
- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội