Thứ 6, 27/12/2024, 02:44[GMT+7]

Nuôi cây dưỡng thần

Thứ 2, 28/10/2024 | 11:00:57
1,982 lượt xem
Người xưa có câu: “Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng thần”. Thú chơi cây cảnh là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa. Ngày nay xã hội phát triển, thú chơi này mở rộng ra mọi đối tượng và không gian, từ thành thị đến nông thôn, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập, việc làm cho nhiều người...

Là chủ doanh nghiệp với quy mô hàng trăm công nhân nhưng anh Ngô Thanh Quang, xã Thụy Dân (Thái Thụy) vẫn luôn dành thời gian chăm sóc cây cảnh.

Là chủ doanh nghiệp với quy mô hàng trăm công nhân nhưng anh Ngô Thanh Quang, xã Thụy Dân (Thái Thụy) vẫn luôn dành thời gian chăm sóc cây cảnh, tham gia sinh hoạt, giao lưu trong Câu lạc bộ Nghệ thuật cây cảnh Thái Bình. Sở hữu trong tay nhiều tác phẩm có giá trị hàng trăm triệu đồng, anh Quang chia sẻ: Mỗi tác phẩm cây cảnh đẹp, có giá trị phải bảo đảm hội tụ đủ 4 yếu tố: “cổ - kỳ - mỹ - văn”. “Cổ” trong cổ xưa, nghĩa đen đề cập đến tuổi đời của cây cảnh. Cây có tuổi đời càng lớn, càng minh chứng cho sự sống, khả năng thích nghi và giá trị hơn. “Kỳ” vừa là kỳ công, cũng vừa là kỳ vị - vừa kỳ lạ, vừa thú vị. Từ hình ảnh, dáng uốn của lá cành, thiên biến vạn hóa, mỗi người nhìn vào lại có những liên tưởng khác nhau, đó là kỳ vị. “Mỹ” là vẻ đẹp, nét độc đáo, mới lạ trong thiên nhiên hoặc những nét kỳ công trên cây, thứ có thể thể hiện những tâm huyết mà nghệ nhân cây cảnh gửi gắm. “Văn” là ý nghĩa, tính nhân văn mà cây mang lại. Khi cây có “cổ - kỳ - mỹ” qua bàn tay nghệ nhân từng đường cong, nét uốn của cây gợi đến hoặc ẩn dụ cho những ý nghĩa tinh thần khác nhau tùy theo cách nhìn, hiểu của mỗi người. Trước những căng thẳng, mệt mỏi từ công việc, cuộc sống, được ngắm nhìn, cắt tỉa, tạo dáng cho cây, tôi quên đi hết mọi lo âu. 

Theo anh Quang, chơi cây cảnh làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Chơi cây “dưỡng thần”, ý là thú chơi cây cảnh rất tao nhã, thiện lành, giúp người chơi hòa quyện với thiên nhiên. Thông qua việc chăm sóc cây cảnh, các nghệ nhân tự mình sáng tạo ra cảnh quan thiên nhiên đầy sinh động và hấp dẫn. Họ thầm lặng gửi gắm những tâm tư, ước vọng, niềm tin vào dáng của từng tán lá, đường lượn của thân, sự uyển chuyển của từng nhánh cành với đầy ắp tính sáng tạo.

Anh Bùi Minh Hoạt, xã Thụy Phong (Thái Thụy) gắn bó với nghề chơi cây cảnh hơn 20 năm, trong đó có tác phẩm trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Anh Hoạt chia sẻ: Thú chơi cây cảnh vừa tạo nét đẹp mỹ quan vừa tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người. Với bất kỳ loại cây cảnh nào, người chơi cây đều phải kiên trì, nhẫn nại, am hiểu cuộc sống của từng chủng loại. Đa phần bộ rễ của cây cảnh nghệ thuật phải được tạo hình nổi trên mặt chậu để khoe sự gân guốc, khỏe khoắn, gợi lên sự vững chãi, sức sống bền bỉ với thời gian của cây. Vỏ cây càng lồi lõm, sần sùi càng đẹp nhưng không được mang dấu vết chắp nối. Các tán lá không được che khuất thân cây, lá phải phù hợp với kích thước của cây và lúc nào cũng xanh tươi. Vườn của tôi có những cây có tuổi đời gần trăm năm, có cây đã gắn bó với tôi khoảng 20 năm. Có những cây khi mua về đã thành dáng đẹp nhưng có những cây khi về với tôi vẫn chỉ là cốt đầu. Tôi đã phải dành thời gian, tâm sức để tạo thế, kích mầm, kích nhánh, cắt, tỉa, uốn… nhiều năm mới thành. 

Tác phẩm “Đại phúc” của anh Bùi Minh Hoạt (người bên phải) được định giá khoảng 10 tỷ đồng.

Yêu cây và dành nhiều tâm huyết cho cây nên dường như cây cũng biết trả ơn người. Anh Hoạt cho rằng, thú chơi cây cảnh không chỉ tạo sự phấn chấn về tinh thần cho người chơi mà còn tạo ra giá trị kinh tế. Cây cảnh đẹp có giá trị tăng theo năm tháng nên ngày càng có nhiều người đam mê, đầu tư, tạo lan tỏa thú chơi này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, việc làm cho nhiều người. Anh Hoạt đưa ra dẫn chứng nhiều cây anh mua về hôm trước, hôm sau có người trả giá cao hơn cả chục triệu đồng. Ở vườn của anh Hoạt có những cây khi mới mua về chỉ có giá trị vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng sau vài năm, đã tăng giá trị gấp nhiều lần. Vì vậy, giờ đây vườn cây không chỉ là những “đứa con tinh thần” giúp anh Hoạt xua tan mệt mỏi, lo toan vì cuộc sống mà còn trở thành tài sản quý để anh nâng niu, giữ gìn mỗi ngày. 

Câu lạc bộ Nghệ thuật cây cảnh Thái Bình gồm 70 thành viên, quy tụ những người cùng đam mê chơi cây cảnh. Hội viên đến với nhau vì cùng sở thích, đam mê, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi tác phẩm của mình thông qua các buổi sinh hoạt, hội nhóm trên mạng xã hội…  Câu lạc bộ tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm cây cảnh trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp các hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh nghệ thuật, thúc đẩy việc trao đổi sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên.

Lưu Ngần