Thứ 7, 24/05/2025, 10:16[GMT+7]

Đội văn nghệ thôn Thọ Bi Duy trì nghệ thuật chèo, góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 07/10/2013 | 09:06:13
1,795 lượt xem
Việc duy trì nghệ thuật chèo, dùng môn nghệ thuật truyền thống tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị địa phương của Đội văn nghệ thôn Thọ Bi (xã Tân Hòa, Vũ Thư) những năm qua là một việc làm thiết thực vừa bảo lưu nét văn hóa đặc sắc của quê hương, vừa góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đội văn nghệ thôn Thọ Bi (xã Tân Hòa, Vũ Thư) với hoạt cảnh chèo “Hương làng” tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn làng huyện Vũ Thư năm 2012. Ảnh: Tư liệu

Trong thời kỳ cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những ngôi nhà mái bằng, cao tầng mọc lên ngày một nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên song những giá trị văn hóa truyền thống đang có xu hướng mai một dần. Việc duy trì nghệ thuật chèo, dùng môn nghệ thuật truyền thống tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị địa phương của Đội văn nghệ thôn Thọ Bi (xã Tân Hòa, Vũ Thư) những năm qua là một việc làm thiết thực vừa bảo lưu nét văn hóa đặc sắc của quê hương, vừa góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2006, sau những ngày ông Nguyễn Quang Thùy, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Thọ Bi cùng cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn “đi làm công tác tư tưởng”, Đội văn nghệ thôn Thọ Bi chính thức được thành lập với 18 thành viên, luyện tập chủ yếu thể loại chèo. Giai đoạn này, hoạt động của Đội gặp không ít khó khăn: các thành viên đều là những người vốn quen “tay cuốc tay cày”, kinh phí thiếu thốn, các nhạc công phải tự trang bị nhạc cụ, diễn viên học hát, múa chèo qua đĩa, không có người hướng dẫn, tất cả phối hợp cùng tập, tự tập.

Do chưa từng học qua một khóa học, lớp học dạy chèo, những ngày đầu luyện tập các thành viên trong Đội thường xuyên bị sai nhịp, sai phách nhưng với sự đam mê môn nghệ thuật truyền thống, mong muốn thúc đẩy phong trào văn nghệ của địa phương, các thành viên trong Đội đã vượt lên khó khăn, hăng say tập luyện, một số gia đình cả hai vợ chồng cùng tham gia như gia đình anh Sơn chị Thoa, anh Trí chị Hoa. Ngày ra mắt tại hội trường UBND xã, Đội văn nghệ thôn Thọ Bi nhận được rất nhiều sự cổ vũ, tán thưởng của nhân dân.

Từ những người chưa từng hát chèo, biết chút ít về một số nhạc cụ: líu, nhị, sáo, đàn tam thập lục, trống chèo, bằng sự nhiệt tình, kiên trì, tích cực rèn luyện, theo thời gian, các diễn viên, nhạc công trong Đội văn nghệ thôn Thọ Bi đã hát hay, múa giỏi nhiều làn điệu chèo, sử dụng thành thạo một số nhạc cụ. Đội trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào văn nghệ phục vụ các hoạt động của thôn, xã; thường xuyên được Ban văn hóa xã tin tưởng giao nhiệm vụ dùng nghệ thuật chèo tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị: xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới... trong các hội nghị của địa phương, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, được Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Vũ Thư chọn tham dự nhiều cuộc thi cấp tỉnh.

Một số hoạt cảnh chèo của Đội tạo được ấn tượng sâu sắc đối với quần chúng nhân dân, tiêu biểu như: “Nước mắt người mẹ” tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, mại dâm; “Ai cười ai khóc” tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ; “Đường lòng” biểu dương hành động hiến đất làm đường trong xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, nhằm duy trì nghệ thuật chèo trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương, Đội văn nghệ thôn Thọ Bi cũng chú trọng việc tái hiện lại những trích đoạn trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” như: Lý trưởng – mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa... tạo được tiếng cười sảng khoái trong nhân dân sau những giờ lao động.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm duy trì, phát triển hoạt động của Đội, ông Nguyễn Quang Thùy, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Thọ Bi cho biết: “Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương chính là yếu tố then chốt giúp các thành viên trong Đội không bỏ cuộc. Sau mỗi buổi biểu diễn, với mục đích giúp nhau cùng tiến bộ vì phong trào chung của thôn, các thành viên trong Đội thường tổ chức liên hoan vừa để động viên, khích lệ vừa để góp ý, rút kinh nghiệm những gì làm được, chưa làm được cho các thành viên.

Bên cạnh đó, với số tiền 50.000 đồng/năm, mỗi thành viên trong Đội tự nguyện đóng quỹ phục vụ việc thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ, đã góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên. Sự tích cực tham gia, theo sát mọi hoạt động của Đội của lãnh đạo thôn, xã cũng là nguồn cổ vũ, động viên giúp các thành viên trong Đội thấy được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó tích cực tập luyện, duy trì tốt các mặt hoạt động”.

Đánh giá về vai trò của Đội văn nghệ thôn Thọ Bi đối với các hoạt động của địa phương, ông Nguyễn Văn Hậu, cán bộ văn hóa xã Tân Hòa cho biết: Đội văn nghệ thôn Thọ Bi đã bám sát những nhiệm vụ chính trị của xã để tuyên truyền đến người dân thông qua các làn điệu chèo. Mặc dù diễn viên, nhạc công trong Đội không được đào tạo bài bản về môn nghệ thuật này nhưng Đội văn nghệ thôn Thọ Bi thực sự là nơi quy tụ được những con người có tình yêu và sáng tạo trong nghệ thuật; không ít thành viên trong Đội có thể cải biên, sáng tác lời mới cho các làn điệu chèo phù hợp với nội dung, chủ đề, nhất là những nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Đội cũng thường xuyên cử các thành viên sang giúp đỡ các thôn trong xã và một số xã trong huyện gây dựng phong trào, tham dự hội thi cấp huyện, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích cao”.

Chị Lại Thị Ký, một thành viên trong Đội văn nghệ thôn Thọ Bi chia sẻ: “Mỗi tuần, Đội thường tập vào các tối thứ 7, chủ nhật nên các thành viên chủ động được thời gian. Mặc dù mới tham gia vào Đội được hơn 1 năm nay nhưng mỗi lần tham gia tập luyện hay đi biểu diễn thực sự rất có không khí, các thành viên trong Đội ai cũng hồ hởi, phấn khởi, những tràng pháo tay, sự cổ vũ của khán giả là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các thành viên trong Đội”.

Thời gian tới, với 22 thành viên, bên cạnh việc tiếp tục duy trì tập luyện các làn điệu chèo truyền thống, sáng tác những hoạt cảnh tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, giữ gìn và phát triển những nét văn hóa đặc trưng của quê hương, nhiệm vụ đặt ra với Đội văn nghệ thôn Thọ Bi là vận động được thế hệ trẻ trong thôn tham gia sinh hoạt, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân, góp phần phục vụ có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Vũ Hường

  • Từ khóa