Thứ 5, 20/02/2025, 23:59[GMT+7]

Đặc sắc văn hóa hát Tiều của người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ 3, 18/02/2025 | 15:16:54
476 lượt xem
Cứ mỗi độ Tết Nguyên Tiêu, sân khấu "hát Tiều" ở Chợ Lớn, lại đông đảo du khách ghé thăm, ghi dấu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những người Hoa (bao gồm những người Việt gốc Hoa và Hoa kiều sống trên đất Việt Nam) đến vùng Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh (tập trung tại khu vực Chợ Lớn thuộc quận 5) từ khoảng thế kỷ 17. Trong quá trình cộng cư sinh sống với các dân tộc bản địa Kinh, Khmer và Chăm ở Nam Bộ nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, văn hóa nghệ thuật của người Hoa vừa có sự hội nhập vừa được bảo tồn phát triển với các loại hình dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc.

Tại Trung Quốc có 3 dòng kịch chính gồm: Kinh Kịch – loại kịch đặc sắc của Bắc Kinh, sử dụng tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ); Việt Kịch – của 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, hát tiếng Quảng nên còn được gọi là hát Quảng; Triều Kịch là sân khấu của Triều Châu, hát tiếng Triều.

Bởi những người Hoa đầu tiên tới TP Hồ Chí Minh đa số không biết tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ) nên hát Tiều, hát Quảng dần trở nên được ưa chuộng và trở thành nét văn hóa truyền thống của đồng bào người Hoa tại khu vực phía Nam cho đến tận ngày nay.

Về tên gọi "hát Tiều", theo một số tài liệu, do người dân ở khu vực phía Nam phát âm chữ "r" khó khăn, nên chữ Triều dần đọc chại thành Tiều và cộng đồng những người đến từ Triều Châu cũng từ đó được gọi là người Tiều từ đó.

Hát Tiều xuất hiện tại Nam Bộ nói chung và Chợ Lớn nói riêng vào đầu thế kỷ 20, do những đoàn Triều Kịch lưu diễn đến từ các tỉnh Nam Trung Quốc. Trong quá trình lưu diễn, một số diễn viên của các đoàn Triều Kịch vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau đã ở lại Việt Nam rồi nhớ nghề mà lập nên những gánh hát Tiều tại Nam Bộ và Chợ Lớn. Cũng như một số loại hình nghệ thuật khác của người Hoa ở Chợ Lớn, hát Tiều được phân làm hai loại đó là loại sang và bình dân. Đối với loại bình dân thì thường được tổ chức biểu diễn ở các ngôi chùa, miếu; còn loại sang hơn thì được gánh hát thuê hẳn những rạp hát mà biểu diễn.

Đặc điểm của hát Tiều là những suất diễn rất dài từ 7h tối hôm trước tới 5h sáng hôm sau, với phần mở màn là tiết mục "Bát tiên chúc thọ", do xuất phát từ quan niệm cát tường hý, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của giới quý tộc thời phong kiến. Theo nhiều chuyên gia, diễn xuất trong hát Tiều cũng có phần giống với diễn tuồng, hát bộ của Nam bộ - diễn viên vừa ca, vừa diễn xuất, trình diễn trang phục, ngôn ngữ hình thể…

Nhiều năm qua, sân khấu hát Tiều vẫn được tổ chức trình diễn tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh mỗi dịp Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu). Năm nay, tại Hội quán Nghĩa An, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, các đêm hát Tiều còn chứng kiến Đoàn kịch nổi tiếng, cấp quốc gia của Trung Quốc – Đoàn Triều kịch Quảng Đông số 2 tới lưu diễn, thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách tới TP Hồ Chí Minh và cộng đồng người Hoa tại đây.

Được biết, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào người Hoa tại TP Hồ Chí Minh rất được chính quyền thành phố chú trọng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng bào người Hoa đã cùng chính quyền thành phố, các tổ chức xã hội khôi phục, bảo tồn, phát huy nhiều di sản văn nghệ thuật đặc sắc, trong đó có hát Tiều (Triều Kịch), góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Hầu hết những nghệ sĩ hát Tiều đều có khả năng tự trang điểm, hóa trang cho bản thân với những khuôn mặt được tô vẽ cực kỳ cầu kỳ.

Nét diễn của hát Tiều mang màu sắc sử thi, có phần cường điệu và bởi vì kịch thì không có sự hỗ trợ của kỹ xảo như điện ảnh, do đó cần đặc biệt chú trọng về ngoại trang và nét mặt.

Màn trình diễn trích từ điển tích cổ Trung Hoa - "Lục quốc đại phong tướng" qua phần thể hiện của các nghệ sĩ Đoàn Triều Kịch Quảng Đông số 2 (Trung Quốc). Tất cả đạo cụ phục vụ cho vở diễn được chuyển tới Việt Nam từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Sân khấu hát Tiều thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cộng đồng người Hoa tại TP Hồ Chí Minh và du khách tới tham quan, du lịch.

Đặc sắc văn hóa hát Tiều của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Hóa trang và biểu cảm ấn tượng của một số diễn viên...

Đặc sắc văn hóa hát Tiều của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 6.

Đặc sắc văn hóa hát Tiều của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 7.

Các đêm hát Tiều do đoàn Triều kịch Trung Quốc trình diễn sẽ tiếp tục được tổ chức trong vòng 1 tuần tại Hội quán Nghĩa An, đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài là nơi tổ chức sân khấu hát Tiều, Hội quán Nghĩa An còn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, nơi chiêm bái Quan Đế trong văn hóa đồng bào gốc Hoa.

Theo vtv.vn 


  • Từ khóa