Thứ 5, 15/05/2025, 23:35[GMT+7]

Thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 5, 15/05/2025 | 14:53:17
374 lượt xem
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vừa ký các quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm”, “Hội hát Chèo tàu Tổng Gối”, “Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí” và “Nghề đan lát của người Tày” được đưa vào Danh mục.

Hội hát Chèo tàu Tổng Gối.

Trống Chhay-dăm của người Kh’mer là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột, có phần đầu trống phình to bịt bằng da trâu hoặc da trăn khô; đuôi trống nhỏ hơn được kết nối với chân trống bằng kim loại.

Tùy vào người lớn hay trẻ nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Mỗi tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4-6 trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).

"Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Kh’mer huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang" thường được biểu diễn trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok hoặc các dịp thu hoạch mùa màng bội thu…

Đây cũng là cách để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần trong tâm thức đồng bào Kh’mer.

"Hội hát Chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội" là một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được trình diễn trên cạn cùng với tàu (thuyền).

Hội Chèo tàu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và theo tục lệ cứ 25 đến 30 năm tổ chức một lần, vào năm mưa thuận gió hòa, bốn thôn được mùa. Tài liệu cũ ghi lại, hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1922 và bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 1998, hội được khôi phục lại.

Hiện nay, hội Chèo tàu cứ 5 năm được tổ chức một lần diễn ra từ ngày 13-15 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo người dân trong vùng tham dự.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu, là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn.

Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Bà chúa tàu khoảng 50 tuổi, phải là người giỏi múa hát, gia đình song toàn. Cái tàu và con tàu là gái thanh tân từ 13-16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành.

Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Quy trình hát được thực hiện chặt chẽ theo thứ tự: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu (hoặc bài tượng), hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví… Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ.

"Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai" là một nghi lễ đặc sắc thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa người dân với thiên nhiên và rừng.

Giống như bà con các dân tộc thiểu số vùng cao, đồng bào Pa Dí (một nhóm nhỏ của dân tộc Tày) tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng giữ riêng cho mình một khu rừng cấm và gọi đó là rừng thiêng.

Nghi lễ cúng rừng được người Pa Dí tổ chức vào cuối tháng Một âm lịch hàng năm, tại khu rừng cấm của thôn bản với lễ vật là những sản vật do dân làng tự cung tự cấp.

Ngoài cầu mong mùa màng bội thu, may mắn cho dân bản, nghi lễ cúng rừng còn mang tính giáo dục, răn dạy mỗi người không phá rừng, tích cực bảo vệ môi trường và nguồn nước.

"Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai" Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên). Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tày, những cây tre, cây giang trên rừng đã trở thành sản phẩm độc đáo và tinh tế, không chỉ là những vật dụng trong sinh hoặc hàng ngày mà còn là món quà lưu niệm yêu thích của du khách thập phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa