Thứ 6, 19/04/2024, 21:19[GMT+7]

Đám cưới miền quê

Thứ 4, 27/11/2013 | 11:02:05
11,001 lượt xem
Cưới xin là việc hệ trọng của đời người, trăm năm chỉ có một lần nên người dân tổ chức hết sức long trọng. Đám cưới ở quê có những nét riêng đặc sắc không gì sánh nổi.

Ở quê, đám cưới không diễn ra trong một buổi như tại Thành phố mà suốt mấy ngày liền. Nhà trai thường tổ chức cưới trong hai ngày, còn nhà gái ba ngày. Sở dĩ như vậy vì người con trai luôn phải chịu nhiều lễ nghi gia giáo, trong đó có việc cúng tế và ra mắt họ hàng và người con gái thì có sự quyến luyến đặc biệt đối với cha mẹ - do nếp nghĩ từ xưa khi con gái đã đi lấy chồng, lại là chồng xa thì không biết bao giờ mới trở về. Ngày cưới đầu tiên người quê gọi là ngày nạp tài để thân nhân, bạn bè, lối xóm đến chia vui và mừng quà cưới. Ngày thứ hai là ngày ăn cỗ và ngày thứ ba là ngày tân hôn hay xuất giá. Tuy nói vậy song hiện nay ngày nào cũng ăn cỗ. Ngày đầu đôi khi không còn cái tên nạp tài nữa mà là ngày dựng rạp dành cho những ai đến giúp mổ lợn, thịt gà, gói giò, luộc bánh, lau rửa, bày biện chuẩn bị cho đám cưới.

Do quan hệ huyết tộc, ai cũng là bà con, chú bác và tình cảm xóm giềng thân thiết nên khi có cưới hỏi, gặp ai là người làng, nhà trai nhà gái cũng mời, nhiều khi chỉ mời miệng song nể cái chân thành, người ta đều đi. Cỗ cưới do đó trung bình có từ vài chục đến trăm mâm. Để tiếp đãi quan khách, gia chủ thường phải nấu cỗ suốt đêm và luôn tay sắp chỗ. Ngoài nhà riêng, họ thường phải mượn những nhà hàng xóm lân cận, thậm chí là cả một sân bóng hay khu chợ của làng để làm nơi bày cỗ ăn cưới. Lúc đó, quý khách tùy thích ngồi ở đâu cũng được, trong phòng, ngoài sân, ngoài trời, chỗ nào thoáng mát, sạch đẹp.

Ở quê, người dân thường đi ăn cỗ cưới từ sớm, để khi ăn xong còn có thể đi làm đồng hoặc các việc phụ gia đình. Các bữa cỗ vì vậy thường bắt đầu từ tám, chín giờ sáng, tuy nhiên lại kết thúc khá muộn, vào xế chiều hay đêm khuya bởi vì vẫn còn rất nhiều người tới muộn. Cỗ mời từ sáng, song dở chuyện đồng áng, gia đình nên đến sau. Được cái, người ta ngồi vào mâm rất lẹ, ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau, không câu lệ trẻ già, họ hàng hay xóm giềng, cứ đủ 10 người là ngồi thành một mâm, ăn luôn chứ không chờ đợi. Cũng không vừa ăn vừa ngắm nhìn dâu rể, bởi lẽ họ sẽ xem sau vào lúc đón dâu. Cỗ ăn không hết, người ta gói về làm quà cho những cụ già, trẻ thơ ở nhà không đi ăn cỗ được. Trước đó, chủ cỗ bao giờ cũng đặt sẵn một số giấy báo hoặc túi ni lông cho khách chia quà mang về.

Có thể không đầy đặn bằng chốn thị thành song cỗ cưới ở quê thật sự là bữa ăn nặng về chất với khá nhiều món ngon hấp dẫn và có thể lai rai cả ngày. Bình thường một mâm cỗ trên thành phố chỉ có năm, sáu món song ở đây tùy vùng lên đến tám, chín, 12 món, đựng trong những đĩa, bát con con song cũng đủ để người ăn thưởng thức và no bụng. Chưa biết ăn bao nhiêu, người xem đã hài lòng bởi một mâm đầy giò chả, thịt thà, luộc, rán, xào, nướng thơm nức, phủ rau sặc sỡ, cùng những bát canh măng, miến, khoai, đậu, cải, cà to sụ, những lát bánh chưng- bánh dày bổ đôi, những đĩa xôi - đĩa chè có ngọn...

Trong cỗ cưới cũng thường thấy những đặc sản mà chỉ trong vùng mới có. Chẳng hạn thịt chó, thịt mèo, thịt chuột, thịt dúi, thịt rắn, thịt ba ba, thịt cá trê... được nhâm nhi cùng những cút rượu sắn- thuốc bắc, rượu cẩm, rượu cật, tắc kè, bò cạp... Khi thiếu các món “độc” này, người ăn cảm thấy nhạt miệng, kém vui bởi ngoài mục đích no say phần lớn còn thích được thưởng thức thật nhiều hương vị. Ngoài cỗ mặn bao giờ cũng có cỗ ngọt (bánh, kẹo) là bữa ăn nhẹ, tráng miệng đãi khách trước khi vào cỗ mặn, hoặc tiếp đón quan viên hai họ khi đưa đón dâu rể gồm nhiều loại bánh kẹo địa phương như kẹo dồi, chè lam, mè xửng, bánh cáy, bánh dày, bánh rán...

Lúc khách ra về, nhất là trẻ nhỏ, chủ nhà luôn dúi cho vài phong bánh, gói kẹo để khách ăn thêm thơm miệng hoặc nhâm nhi lúc dọc đường đưa đón dâu. Vì phong tục ăn trầu và trầu cau là biểu tượng của hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc nên bên chén nước, bao thuốc, đĩa bánh, hạt bí luôn có khay trầu. Ai đến chơi đều được mời xơi nước ăn trầu, cho dạ xốn xang, vui vẻ. Không ăn cũng cầm lấy đôi, ba miếng trầu như sự tri ân và lời chúc mừng gia chủ. Dân quê chủ yếu làm nông và thủ công nên đi ăn cưới thường mừng chủ nhà bằng những nông sản hoặc đồ vật do mình làm được, thay vì tiền mặt. Người mừng con gà - con vịt, kẻ mừng tảng thịt - xâu cá, hoặc rổ củ, gánh gạo. Cũng có thể là bát đĩa, xoong nồi, chăn màn, quần áo cho cô dâu chú rể dùng trong tổ ấm. Nhiều nơi thường mừng trước đám cưới vài hôm. Và gia chủ sẽ dùng tất cả những thứ đó nấu cỗ hoặc bài trí trong nhà.

Dù được mời hay không, ở quê cứ đến ngày cưới là bà con chòm xóm, thôn xã lại đến chúc mừng và làm giúp nhà trai, nhà gái mọi việc. Ai cũng vui vẻ như làm cho mình với một sự khẩn trương, tỉ mỉ và náo nức như đi hội. Thanh niên khỏe tay giúp phát quang, chặt cây dựng rạp, bê dọn, bắc loa, gắn phông màn. Thiếu nữ khéo léo cắm hoa, trang trí cổng chào, giường cưới. Trung niên và người giỏi nấu ăn đảm trách việc bếp núc, bày cỗ. Gái xinh, trai tài và các cụ già đẹp lão được chọn làm những người đại diện cho dòng họ ra tiếp đón quan khách.

Về hình thức trang trí đám cưới, người ta thường dùng hoa lá, giấy màu, kim tuyến làm nên những cổng chào to như cổng làng nhằm chào đón quan viên và dâu rể. Cái cổng này thường bằng thân chuối hoặc gỗ nhỏ dựng thành khung sau đó làm vòm từ các loại lá dừa, đủng đỉnh, phi lao, thiên tuế, dương xỉ và hoa, quả tết hình ngộ nghĩnh, bên trên gắn những lời chúc, câu nói đẹp và đặc biệt ở nhà trai là dòng chữ lễ tân hôn và nhà gái lễ vu quy. Trên vòm cổng còn thấy những đôi chim màu hồng hoặc trắng lồng nhau tung cánh. Trong nhà, chính giữa phòng là một phông lớn, hai cạnh dán hình cây cau giàn trầu, oanh yến hoặc long phụng quấn quýt, ở giữa phía trên ghi dòng chữ lễ thành hôn hoặc vu quy cùng tên viết tắt của cô dâu chú rể và phía dưới là hình ảnh của một lễ đón dâu xưa với chú rể cưỡi ngựa, cô dâu ngồi kiệu, theo sau là những cô bé, cậu bé ôm nặng những gói quà (của hồi môn mà hai dòng họ cho đôi vợ chồng trong ngày vui).

Phía trước phòng cưới và dãy bàn ghế thường có một sân khấu để bạn bè, xóm giềng biểu diễn văn nghệ chúc mừng hai họ, trong các ngày cưới ai có nhu cầu đọc thơ, diễn kịch hay hát tặng dâu rể đều có thể lên đây thể hiện. Ở một vài nơi, người ta còn mời các ban nhạc sống đến biểu diễn với ý nghĩa để khuấy động bầu không khí thường ngày tĩnh lặng, thông báo trong làng có đám cưới và hát dân ca đem lại tiếng cười, niềm vui cho quý khách, cũng như giúp gia đình giới thiệu quan viên hai họ và các nghi lễ cưới hỏi.

Để nấu cỗ, từ hai, ba giờ sáng nam giới đã trở dậy mổ lợn, thịt gà. Phụ nữ nhặt rau, vo gạo, nổi lửa nấu nướng. Trong mấy ngày liền, mọi bếp lò, bếp than, bếp củi, bếp gas, bếp điện lẫn bát đĩa, nồi xoong, ấm chảo đều được dùng tất. Từ sân đến bếp ngổn ngang đủ thứ, mù mịt khói lửa, và vang những tiếng động khác lạ, rõ nhất là tiếng băm chặt, xào xáo, tiếng giục giã gọi nhau và những bóng người chốc một lại chạy ra chạy vào để xem cái này, cái nọ. Nếu thấy thiếu thốn thứ gì thì đi tìm, đi mua và nếu thừa thì đem sơ chế, xếp gọn. Ai nấy háo hức chờ đến giây phút  phục vụ toàn dân trăm họ trong ngày vui hạnh phúc của con cháu.

Dường như người quê làm việc gì cũng rất thận trọng, chăm chút trong ngày cưới. Thường chỉ mang chuyện vui, chuyện cười ra kể, chứ không nói chuyện buồn, tục tĩu. Cũng luôn tránh cho cô dâu khỏi tiếp xúc với nhiều người trước giờ đón rước nhằm tránh mọi sự dị nghị, xoi mói. Ngày xưa, cha mẹ thường nhốt con gái trong phòng, ở đó chỉ có một số phù dâu là gái tân có nhiệm vụ trang điểm và bảo vệ cô dâu. Hôm nay, đã để cho cô gái đi lại thoải mái, cũng để nhiều người vào thăm phòng song vẫn giữ điều luật khe khắt là nam giới không được vào phòng cưới, trừ cha ruột cô dâu là được vào trong ít phút nhằm căn dặn con gái vài lời cuối cùng trước khi đưa cô xuất giá. Trước hôm cưới, bà mẹ bao giờ cũng đến tâm sự cùng con nhằm dạy bảo các phép tắc ứng xử bên nhà chồng cùng tài nữ công nổi bật và cũng để chia tay con. Cô dâu thường khóc sướt mướt và trong nhiều trường hợp vào ngày vu quy khi giã biệt gia đình cũng không giấu nổi niềm xúc động.

Đám rước dâu ở quê luôn thu hút được nhiều người xem. Mọi người nghe tin rước dâu thì vô cùng thích thú, đổ cả ra xem; những nhà ở sâu trong xóm cũng chạy đến ngó, nếu không tới được thì trèo lên cây cao mà nhòm. Khi đám rước đến gần thể nào cũng la ó huyên náo. Mặc dù cô dâu chú rể ăn vận nền nã, nhiều khi không khác mấy so với trang phục lễ hội song vẫn lôi cuốn được mọi ánh mắt. Ở quê, trang phục cô dâu thường là áo dài thêu cũng có khi là áo tứ thân, áo bà ba cách điệu, đầu vấn khăn xếp, cài hoa. Của chú rể là áo sơ mi, áo gi lê khoác ngoài hoặc véc, có hoặc không có caravat hay mặc áo the, cũng là áo dài của đàn ông, đầu đội khăn đóng. Những người đi sau, mỗi người một vẻ không kém hấp dẫn. Ngày thường ăn vận xong thôi, song khi cưới con cháu, ai cũng mặc đẹp, trong nhung, gấm, lụa là. Dường như có trang sức gì người ta đều đeo tất lên người. Ngay cả trẻ con cũng diện những bộ quần áo mới toanh bởi ai nấy đều coi đây là một ngày đẹp, vui nhất của đời người.

Phần lớn mọi đám rước dâu đều đi bộ và thật chậm như để kéo dài hơn sự quyến luyến lẫn trang trọng. Qua đó, mọi người có nhiều thời gian trò chuyện tâm sự góp phần làm cho đám cưới náo nhiệt. Giữa hai nhà trai - gái đôi khi gần nhau nhưng đến nơi vẫn phải mất hồi lâu. Thế nhưng đa số trường hợp đều là cưới xa và đám rước thường phải băng qua các quãng đê dài với nhiều cánh đồng, ao chuôm. Để cổ vũ, chúc mừng cô dâu chú rể, người dân bu chặt các ngả đường và đặc biệt là lũ trẻ nghịch ngợm luôn chạy theo nối đuôi cho đám rước dài thêm mãi, thỉnh thoảng lại vượt lên đầu ngó mặt cô dâu. Hình ảnh đám rước líu ríu bước trên đường quanh co, uốn khúc và dắt nhau qua những cây cầu tre vắt vẻo gợi ở người xem rất nhiều niềm xúc động, sống dậy ở họ những câu chuyện thân thương về thời niên thiếu rong chơi, về những buổi trảy hội với các đám rước kiệu quanh làng. Nhân gặp đám rước, những ai yêu mến, chưa có dịp thổ lộ, cũng chạy tới dúi cho cô dâu chú rể hoặc chú bác họ một chút quà mừng, cái là tiền mặt, cái là nải chuối, cân đậu, chục trứng hay sấp vải... Có thể nói mỗi đám cưới ở quê là một ngày hội của gia đình và xóm làng thấm đượm nghĩa tình - một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc và một cảnh đẹp trữ tình của quê hương.

Chu Mạnh Cường
(Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày