Thứ 6, 26/04/2024, 18:55[GMT+7]

Hãy giữ lấy vốn quý Ca trù

Thứ 5, 19/12/2013 | 09:26:25
2,387 lượt xem
Thái Bình còn có một bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc đang tiềm ẩn và sống động giữa cộng đồng - đó là nghệ thuật hát Ca trù.

Tiết mục ca trù của đội văn nghệ xã Bình Định (Kiến Xương).

Ca trù là bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, là sự phối hợp đa dạng, tinh vi mà trong đó thơ và nhạc quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn. Hát Ca trù có tới bốn mươi làn điệu khác nhau ở nhiều tâm trạng, nhiều tiết tấu… Ca trù khi diễn tấu bao gồm một giọng nữ cao vừa hát vừa gõ phách giữ nhịp, một (cung văn) người gảy đàn đáy đệm cho hát và người cầm chầu phải rất sành về tiết, nhịp làn điệu, phải am hiểu ca từ của những làn điệu Ca trù. Mỗi khi người hát vào nhịp ngân nga đúng phách, đúng điệu thể hiện các trổ hát hay, sau mỗi trổ người cầm chầu đánh thưởng… tom… tom… chat…tom. Nét thanh tao trong ca trù là: Ca từ của các làn điệu rất uyên thâm, cao sang mà cũng rất dung dị.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Thái Bình là một trong những địa phương có nguồn gốc về nghệ thuật hát Ca trù. Hiện nay các nghệ nhân Ca trù của Thái Bình còn lại rất ít và đã quá già yếu không còn khả năng truyền dạy. Hơn nữa thế hệ trẻ lại ít am hiểu về loại hình nghệ thuật này.

Nhằm khôi phục giữ gìn và phát huy những giá trị đích thực của Ca trù, khơi dậy niềm đam mê Ca trù trong đời sống của nhân dân, một môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo, đặc sắc mang tính bác học chỉ có duy nhất ở Việt Nam - một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc, năm 2007, khai thác chương trình mục tiêu quốc gia của Viện Văn hóa dân gian, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã tổ chức lớp học đàn và hát Ca trù cho 50 diễn viên và nhạc công không chuyên ở các huyện và thành phố với thời gian 2 tháng qua sự truyền dạy của các nghệ nhân CLB Ca trù Thăng Long - Hà Nội.

Sau lớp học Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã thành lập CLB Ca trù và CLB tiếp tục truyền dạy cho một số hạt nhân văn nghệ của 2 xã Bình Định, Hồng Thái (huyện Kiến Xương), truyền dạy cho một số hạt nhân nòng cốt của huyện Tiền Hải. Năm 2008 và 2011, CLB Ca trù Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã đi tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hải Dương và Hà Nội đạt được một số thành tích đáng kể, đã phần nào làm sống lại Ca trù trên đất Thái Bình.

Ca trù là loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo không giống các loại hình nghệ thuật khác như hát chèo, hát văn, bởi vậy để giữ gìn và phát huy nghệ thuật Ca trù ở Thái Bình cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để tiếp tục mở các lớp truyền dạy cho lớp trẻ với ý thức giữ gìn trao truyền cho các thế hệ, chắc chắn Thái Bình sẽ giữ được vốn quý của nghệ thuật hát Ca trù.

Vũ Thị Toan
 (Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh )

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày