Thứ 6, 09/05/2025, 18:37[GMT+7]

Đội tế thôn Cự Phú

Thứ 2, 13/01/2014 | 09:39:53
2,768 lượt xem
Trước nhu cầu thực hiện các nghi thức tế lễ thần linh và sinh hoạt văn hóa trong các ngày lễ, ngày hội của làng nên đội tế thôn Cự Phú đã ra đời”.

Ðội tế thôn Cự Phú cử hành lễ tế trong lễ khánh thành một nhà thờ họ tại xã Trung An (Vũ Thư).

Mùa đông, trời tối sớm nên ngay từ 19 giờ, mọi thành viên của đội tế thôn Cự Phú (xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình) đã có mặt đông đủ tại đình làng, tập luyện phục vụ khánh thành một nhà thờ họ ở xã bên. Từ lâu nay, người dân trong thôn đã quen thuộc với hình ảnh các bà, các mẹ ban ngày người đi làm đồng, người chạy chợ buôn rau, đến tối lại ra đình tập luyện tế lễ, múa hát và trở thành những “nghệ sĩ không chuyên" biểu diễn phục vụ các dịp lễ, hội của làng và nhân dân quanh vùng.

Các ông Mai Văn Song, Hoàng Cao Khải - đại diện Ban kiến thiết đình làng Cự Phú, cũng là những người có công gióng dựng lên đội tế chia sẻ: “Vốn là ngôi đình cổ thờ Ðức Thành hoàng làng, đình Cự Phú vừa được phục dựng lại từ năm 2007 trên nền móng cũ. Trước nhu cầu thực hiện các nghi thức tế lễ thần linh và sinh hoạt văn hóa trong các ngày lễ, ngày hội của làng nên đội tế thôn Cự Phú đã ra đời”.

Tìm hiểu về nghi thức tế lễ, bà Trần Thị Thắm, Trưởng đội tế đồng thời là chủ tế của đội cho chúng tôi biết: “Tế lễ là nghi thức dâng lễ vật một cách long trọng lên các vị thần linh, đức phật, tổ tiên… thường được cử hành trong các ngày lễ trọng của làng xã, đình chùa, đền thờ… Nghi thức tế lễ trải qua 4 giai đoạn: Nghênh thần (chủ tế tế 4 lễ); Hiến lễ (dâng lễ 3 lần mỗi lần chủ tế và bồi tế đều quỳ để hiến lễ, đọc chúc hay văn tế); Ẩm phúc và thu tộ (chủ tế nhận lộc thần linh ban); Lễ tạ và hóa chúc (chủ tế lễ 4 lễ).

Các nghi lễ được cung đình hóa và được cử hành một cánh nghiêm trang, tôn kính”. Hồi tưởng những khó khăn trước kia, bà Thắm chia sẻ: “Ngày đầu thành lập, đội tế chúng tôi có khoảng 16 thành viên đăng ký tham gia, vì đa số các thành viên đã lên chức ông, bà nên khó khăn đầu tiên chính là sự e ngại, ngượng ngùng khi ra đình luyện tập. Những buổi tập đầu tiên chỉ có vài người mạnh dạn đứng lên tập, sau đó bằng sự quyết tâm, động viên lẫn nhau, nên những buổi tập đã thường xuyên và đông đủ hơn. Mọi kinh phí ban đầu về trang phục, đạo cụ…đều do các thành viên tự động đóng góp, mua sắm, còn lại một số do bà con nhân dân đóng góp, ủng hộ.

Ðể có thêm điều kiện học hỏi về các nghi thức tế lễ, những tiết mục văn nghệ, múa hát… ngoài việc xem và học theo băng, đội tế còn mời một số “diễn viên” trong đội tế của các xã lân cận về biểu diễn, chia sẻ kinh nghiệm”. Cho đến nay, đội tế đã có 25 thành viên, ngoài việc thực hiện các nghi thức tế lễ truyền thống, đội tế còn tập luyện và biểu diễn các tiết mục về dân ca quan họ, hát chèo cổ, hầu văn nghệ… và đặc biệt là tự dàn dựng các tiết mục trích đoạn chèo, múa hát về đề tài nông thôn mới được đông đảo nhân dân đón nhận. Không chỉ biểu diễn trong dịp lễ, hội của làng ngoài ra đội còn thường xuyên được mời đi biểu diễn phục vụ nhân dân quanh vùng như: Lễ hội Chùa Keo, Sáo đền hay khánh thành từ đường các dòng họ…

 

Tiết mục chèo đò Phật của đội tế trong một buổi biểu diễn.

Ði diễn không thù lao, không có lương, nhiều khi tự bỏ tiền túi ra để mua sắm trang phục biểu diễn, đồ lễ hay tiền thuê xe đi lại thế nhưng những “cụ nghệ sĩ” này vẫn tâm huyết, gắn bó với đội tế bởi họ tâm niệm rằng được làm thành viên trong đội tế là một vinh dự, được thể hiện cái tâm, tấm lòng thành kính của mình với Thần, Phật để tích đức, tạo phúc về sau cho bản thân, gia đình. Khi được hỏi về tuổi tác của các thành viên trong đội tế, bà Thắm cho biết: “Người trẻ nhất trong đội tế là cô Mai Thị Hương năm nay 51 tuổi còn hầu hết đều trên 60 tuổi; thành viên lớn tuổi nhất là cụ Trịnh Thị Hải năm nay 80 tuổi, bản thân tôi năm nay cũng đã 70 tuổi”.

Vì nghi thức tế lễ thường cử hành ở ngoài trời, nên bất kể thời tiết nắng nóng hay gió rét các thành viên trong đội đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Vào mùa hè, việc đứng tế suốt 2 tiếng đồng hồ ngoài sân đình nắng gắt, khiến đôi chân run run, mồ hôi nhễ nhại nhưng do tính chất quan trọng của buổi buổi tế, nên chúng tôi vẫn kiên trì, nhẫn nại thực hiện các nghi thức một cách nghiêm túc và chỉnh tề”, bà Thắm chia sẻ thêm. Là thành viên cao tuổi thứ hai trong đội, bà Nguyễn Thị Dịu cho biết: “Tuổi già nhiều khi ốm đau, bệnh tật nhiều khi gia đình, con cháu khuyên nên nghỉ ngơi, không tham gia đội tế nữa, nhưng cứ nghỉ được vài hôm lại thấy buồn, thấy nhớ thế là lại “tái nghiện”. Và đặc biệt là, sau mỗi lần đi tế về, tinh thần được thoải mái, nên sức khỏe có vẻ cũng tăng thêm”.

Các bà, các cụ tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhiều người ở nhà trông nom con cháu, người vẫn làm ruộng, chạy chợ bán rau… nhưng trong họ vẫn chung một niềm say mê sáng tạo, luyện tập để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của cha ông, đồng thời mang lại lời ca, tiếng hát làm đẹp thêm cho đời.

Nguyễn Thơi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày