Thứ 5, 08/08/2024, 02:20[GMT+7]

Lan man chuyện ngựa

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:01:42
1,234 lượt xem
Ngựa là một trong những động vật được thuần hóa sớm nhất để về bên người. Ngựa giúp người đi lại, chuyên chở hàng hóa, cùng xông pha trận mạc và rất “có tình” với người. Nhân Tết Giáp Ngọ 2014 xin điểm mấy nét về hình tượng Ngựa trong tục ngữ, ca dao để góp vui.

Ảnh minh họa

Ngựa là giống trung thành với chủ, cho dù phải đói khát, đòn roi ngựa cũng không bao giờ bỏ chủ mà đi, thật là “khuyển mã chi tình”. Nếu bị lạc chủ, dù ở xa nhà đến mấy ngựa vẫn tìm được đường về vì khả năng ghi nhớ không gian đặc biệt “Ngựa quen đường cũ” (Câu tục ngữ này về sau lại để ám chỉ loại người không hoàn lương, không biết tu thân nên lại đi vào con đường tội lỗi). Ngựa ở miền núi phía Bắc di chuyển đi, khi nhớ về “quê cũ” bỗng hí vang, gọi là “Ngựa buồn hí gió Bắc”. Trong chuồng ngựa, lỡ có một con bị ốm đau, đàn ngựa buồn chán bỏ ăn, nên có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Ngựa cùng chung sức làm việc không phân biệt “Anh béo anh gầy”, “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “Làm thân trâu ngựa” còn biết sống có tình, huống chi con người.

Đương nhiên, tục ngữ ca dao cũng dùng biểu tượng hai mặt nói ngựa mà ám chỉ con người, để nhắc người về đường ăn lối ở trên đời. Ai tuổi trẻ, non kinh nghiệm hay mới nhậm chức phải suy xét kỹ cách làm việc để tính thiệt hơn, đừng theo kiểu “Ngựa non háu đá” mua danh hão mà chẳng có lợi gì. Làm việc cũng phải cẩn thận, chớ liều lĩnh theo kiểu “Mó dái ngựa”. Đừng gần lũ “Đầu trâu mặt ngựa”, đừng chung đụng với bọn “Mồm chó vó ngựa”. Lúc “đi thực tế” khi “xuống cơ sở” phải cụ thể chu đáo, nắm tình hình, tìm cách giúp địa phương, đừng vì cái “phong bì” mà “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong lúc “Xe đưa ngựa đón” phải biết thương người, đừng lóa mắt làm càn mà phải đứng “Trước vành móng ngựa”. Đánh giá ai cũng xem qua thử thách, bởi vì: “Ngựa mạnh chẳng quản đường dài/ Gian nan mới biết rằng ai anh hùng”.

Còn nhớ chuyện: Thủy Tinh vì không kiếm được “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” để lấy công chúa nên đã trả thù bằng những cơn bão lớn và dâng nước lên đánh Sơn Tinh, nhưng nước đến đâu thì sức mạnh đoàn kết toàn dân cao đến đấy vì sức ta là sức “Ngựa Thần Phù Đổng”, “Đường dài mới biết ngựa quý” là thế.

Vũ Thị Nụ
(Thượng Hiền, Kiến Xương)

  • Từ khóa