Thứ 4, 16/07/2025, 10:52[GMT+7]

Bánh chưng ngày Tết

Thứ 5, 30/01/2014 | 08:59:43
3,084 lượt xem
Bánh chưng - thứ bánh truyền thống của dân tộc, là “thương hiệu tết” của người Việt. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bánh chưng không phải đợi đến tết mới thấy xuất hiện.

Ảnh minh họa

Bánh chưng bán quanh năm
Tôi nhớ ngày còn bé, cứ vào 23 tháng Chạp bố tôi thường đạp xe lên chợ huyện mua về 2 bó lá rong rừng, cuống to và đều cùng 1 ống giang nhỏ. Nhìn những nguyên liệu dùng để gói bánh chưng ấy, tôi có cảm giác tết đang dần chạm ngõ. 27, 28 Tết, chiếc nong được bày ra giữa nhà, ông chẻ giang làm lạt, mẹ cắt lá, nấu đỗ còn bố thái thịt, gói bánh, chị em tôi háo hức ngồi xem. Không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Những chiếc bánh sau khi được gói xong sẽ được luộc trong một chiếc nồi to, chất bếp lửa đun từ 9 - 10 tiếng. Ngày ấy, bánh chưng chỉ ngày tết mới có, chỉ ngày tết mới gói.

Chị Nguyễn Thị Biên (xã Tân Bình, Thành phố Thái Bình), chủ một quầy bán bánh chưng cho biết: bánh chưng trên thị trường hiện nay có quanh năm và thường có 3 loại: bánh chéo, bánh vuông 10 cm và bánh vuông 20 cm, mỗi loại một giá khác nhau. Một chiếc bánh chưng chéo có giá 5.000 đồng, khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người đi làm mua ăn sáng. Bánh vuông 10 cm, 20 cm thường đắt hàng vào mồng một, ngày rằm, khách mua để thắp hương, đi chùa. Dịp lễ hội, chủ nhang các chùa cũng hay đặt mua để bày lễ. Giá của bánh 10 cm là 8.000 đồng, bánh 20 cm là 30.000 đồng. Bây giờ có nhiều thứ quà ăn sáng, ăn vặt, nếu chỉ bày bán một loại bánh chưng thì “không ăn thua” nên hầu như quầy bán bánh chưng nào cũng bán thêm một số loại bánh khác như bánh gai, bánh cốm Hà Nội hay giò, chả.

Bánh chưng ngày Tết ít dần
Cô Nguyễn Thị Loan (Thị trấn Hưng Hà, Hưng Hà) cho biết: Nhà bán thịt lợn, vào dịp tết, số lượng người đi chợ mua thịt về gói giò, gói bánh, kho đông nhiều nên hàng bán chạy. Cả hai vợ chồng đều tập trung ở chợ từ sáng sớm đến tối muộn nên không có điều kiện gói bánh chưng, vì vậy đến tận khi chuẩn bị đón giao thừa mới mua vội mấy cặp bánh chưng để thắp hương. Năm nào cũng như năm nào, nhiều khi thấy hai đứa nhỏ không được hưởng không khí gói bánh chưng ngày tết như những đứa trẻ khác thì cũng thấy thiệt thòi nhưng vì công việc bận rộn nên đành chịu... Mấy năm trước, ngoài bánh chưng để lễ gia tiên, nhà cũng mua thêm mấy chiếc để đi chúc tết, đi chùa nhưng bây giờ kẹo bánh nhiều nên thường chỉ mua bánh chưng bày lễ thắp hương ở nhà.

Còn chị Lương Thị Yến (xã Văn Lang, Hưng Hà) thì cho hay: Năm nay, hai vợ chồng dự tính trong dịp tết mua mấy bánh chưng để thắp hương. Mọi năm năm nào nhà cũng gói khoảng 15 - 20 chiếc nhưng sau tết gặp gió đông bánh bị mốc, kẹo bánh lại nhiều nên bánh chưng để lâu bị hỏng, đem bỏ đi thì tiếc mà ăn thì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chồng đi xây, vợ là công nhân may, có mấy ngày tết để nghỉ ngơi, nếu bày ra gói bánh cũng mất nhiều thời gian lắm.

Bánh chưng vốn là thứ bánh thuộc về tết, thường chỉ xuất hiện trong dịp tết. Nhưng trong thời buổi ngày nay, rất nhiều người, nhiều gia đình đang dần lãng quên một truyền thống tốt đẹp của dân tộc - gói bánh chưng tết. Thiết nghĩ, mỗi dịp tết đến, xuân về, những cặp bánh chưng vuông vức được đặt ngay ngắn, trang trọng trên ban thờ của mỗi gia đình chính là cách để gia chủ thể hiện tấm lòng tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, cảm tạ đất trời; tổ chức gói bánh chưng tết không chỉ là việc làm duy trì và bảo tồn truyền thống tốt đẹp cha ông để lại mà còn giúp các gia đình có những phút giây sum họp ý nghĩa, gieo vào tâm hồn và theo suốt cuộc đời trẻ thơ ký ức về những ngày tết đầm ấm, tươi vui.

Vũ Hường

 

 

  • Từ khóa