Thứ 6, 27/12/2024, 10:10[GMT+7]

Lặng lẽ những góc nhìn riêng biệt

Thứ 2, 09/08/2010 | 13:54:13
3,772 lượt xem
Nếu như những năm trước, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội lúc nào cũng được quan tâm đặc biệt và gây chú ý từ dư luận cũng như niềm vinh dự của các tác giả được giải thì năm nay có vẻ im hơi lặng tiếng hơn.

Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có nhiều hoạt động sôi nổi chuẩn bị cho Đại lễ lớn của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Và mở đầu cho loạt ngày kỷ niệm ấy, những ngày đầu tháng Tư, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (VHNT HN) đã trao giải cho các nghệ sỹ ở các mảng văn học, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, nghiên cứu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, và múa… Điều đặc biệt là nếu như những năm trước, giải thưởng được công khai, công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì năm nay, giải thưởng gần như chỉ gói gọn trong toàn các hội ở Hà Nội, những người đoạt giải và bạn bè chơi với nhau. Trong 7 hạng mục được giải thưởng thì Âm nhạc, Văn học và Văn hóa dân gian có lẽ là ba hạng mục được quan tâm nhiều nhất.


Trong số các tác phẩm đoạt giải ở mảng âm nhạc như “Phố trong làng” (Trương Ngọc Ninh), “Mưa non” (Lê Minh) và “Kim Liên, Nam trấn Thăng Long” (Đặng Nhất Mai) cho thấy, âm nhạc đã được đầu tư kỹ lưỡng hơn, gắn liền với đời sống thực hơn, gắn liền với đời sống, hồn cốt của Thủ đô. Trong đó, “Kim Liên, Nam trấn Thăng Long” là ca khúc có nét nhạc đượm chất sử thi, vừa có hơi thở của đời sống hiện đại, vừa có chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống của vùng đất văn minh châu thổ sông Hồng mà khi cất lên nhiều người không khỏi trầm trồ về Thủ đô yêu dấu.


Trong lĩnh vực văn học, nếu như kết quả năm 2008 văn xuôi và phê bình bị khuyết thì năm nay đã được “bổ sung” bởi hai tác phẩm “Họ vẫn chưa về” (tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Hùng) và “Bút pháp của ham muốn” (tiểu luận và phê bình của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy). Thơ thì có “Trà nguội(Ðặng Thị Thanh Hương). Điều đặc biệt nhất chính là tập tiểu luận và phê bình “Bút pháp của ham muốnđã lập cú đúp khi giành thêm giải thưởng Văn học nghệ thuật sau khi đã ẵm giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Tập thơ “Trà nguội” của nhà thơ Đặng Thanh Hương, nhiều người cảm nhận được sự trở lại của “nàng thơ” phố núi Yên Bái năm nào sau nhiều năm vắng bóng chị trên thi đàn. “Họ vẫn chưa về” chính là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Thế Hùng - một tác giả chuyên viết truyện ngắn và nổi tiếng trong mấy năm trở lại đây với “Người giữ cồn” (đã chuyển thể thành phim “Ngọn đèn trước gió”) và “Lộc trời” (Giải 3 cuộc thi viết Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đang được mua để dựng thành phim) và trước khi “Lộc trời” lên phim, độc giả được chiêm ngưỡng bước hình thành nên “Họ vẫn chưa về”- đây chính là tiểu thuyết được hình thành từ truyện ngắn “Lộc trời”. Vẫn giọng văn đều đều, trúc trắc với âm thanh địa phương miền Trung, anh cho độc giả yêu đến lạ cái miền quê của anh với nghề nuôi hươu đã có từ nhiều năm trời.


Giải thưởng ở lĩnh vực văn nghệ dân gian, trong ba giải thưởng đáng chú ý nhất được trao cho cuốn sách Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư của PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Phát biểu tại Lễ trao giải, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Ông lấy làm tự hào với giải thưởng này, đó là một vinh dự lớn với những đóng góp của mình đã được ghi nhận, đó chính là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tu bổ và cách bảo quản 4 nhục thân ở chùa Đậu (Hà Nội), chùa Tiêu Sơn và chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - đây chính là những di sản văn hóa độc đáo và rất có giá trị của Việt Nam.


Điều khiến nhiều người quan tâm chính là việc thông tin về lễ trao giải đã không được nhiều người biết như những năm trước. Ngay cả những người đoạt giải cũng chỉ nhận được một tấm giấy mời “đến dự lễ trao giải thưởng của Hội VHNT HN” - điều này đặt ra nhiều câu hỏi “Hội VHNT HN đang làm mới về cách thức trao giải” - tức là đi ngược lại với những truyền thống cũ vốn đã định hình là sẽ thông báo cho các tác giả được giải, để giữ bí mật các tặng thưởng đến phút cuối hay Hội ngại bị mổ xẻ, dèm pha với những lùm xùm của năm trước? Tuy nhiên, phải thừa nhận đây là một cách làm mới, vừa thể hiện độ chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm đồng thời thể hiện sự tôn trọng đến các tác giả có tác phẩm được đề cử ở đây thay vì cứ thông báo tất cả các tác giả được giải thì những người không được giải sẽ không đi - đây là một điều hiển nhiên mà trong tất cả các lễ trao giải thưởng (bao gồm các ngành) ở Việt Nam đều vấp phải.


Dù có nhiều tranh cãi về Lễ trao giải thưởng lần này nhưng điều ai cũng biết rằng, những việc tiên phong luôn không nhận được sự đồng thuận nhưng theo thời gian, nó sẽ được đón nhận và ủng hộ. Đó là điều chúng ta nên làm trong tương lai gần đây!

Theo www.ktdt.com.vn

  • Từ khóa