Thứ 3, 30/04/2024, 19:10[GMT+7]

Làm sống lại chiếu chèo làng Tó

Thứ 2, 09/08/2010 | 14:35:21
3,032 lượt xem
Ngay những làng xã không có gánh chèo thi thố, thì chèo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân địa phương. Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với người dân làng Tó (nay là thôn Lễ Văn, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ).

Thanh niên làng Tó tập hát chèo

Thái Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa. Đây không chỉ là quê hương của “chị Hai năm tấn” mà còn là nơi sản sinh ra những loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của dân tộc như chèo, rối nước…

Nhắc đến chèo Thái Bình, người ta nghĩ ngay tới một số dòng chèo đặc trưng như chèo Khuốc (Đông Hưng), Hà Xá (Hưng Hà), Sáo Đền (Vũ Thư). Quê lúa, đâu đâu cũng ngân vang câu ca, điệu chèo.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Tính (86 tuổi) thì tuổi thơ người dân làng Tó xưa gắn với chiếu chèo. Sinh ra và lớn lên trong câu ca, làn điệu chèo ngọt ngào, sâu lắng chất dân gian ấy ngấm vào máu thịt tự bao giờ, thế nên chẳng cần học thầy, học thợ, họ cứ theo bà, theo mẹ mà hát. Hội làng Tó xưa và nay vẫn tưng bừng trống phách, các tiết mục văn nghệ dù phong phú tới đâu cũng không thể thiếu chèo.

Sân khấu đơn giản, có khi chỉ là tấm chiếu trải giữa sân đình, những diễn viên nghiệp dư không son không phấn, trang phục giản dị nhưng mỗi khi tiếng chèo cất lên khán giả lại hò reo, vỗ tay không ngớt.

Cụ Trần Thị Mùi (82 tuổi) kể lại: “Ngày còn trẻ, những buổi trăng sáng, nam nữ thanh niên hay ra gốc đa hóng mát và hát chèo, không có nhạc cụ gì hết, cũng không diễn thành vở, mọi người ngồi hát chay mà vẫn vui đáo để”.

Thái Bình, người dân lam lũ, chân chất, quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ tha thiết với điệu chèo quê hương. Có lẽ đó cũng là lý do mà “ở Thái Bình, nhiều người hát chèo hay hơn cả diễn viên đoàn chuyên nghiệp”, Giáo sư Hoàng Kiều từng nhận xét.

Một thực tế đáng buồn là không phải địa phương nào ở Thái Bình cũng bảo tồn và phát huy được chèo truyền thống. Hiện nay, chỉ có dòng chèo Khuốc vẫn giữ được thế mạnh của mình. Ở những làng xã từng tồn tại gánh chèo không chuyên như làng Tó (Quỳnh Phụ) số người tâm huyết với chèo cũng giảm dần.

Chị Trần Thị Tâm (50 tuổi) tâm sự: “Tôi mê chèo lắm nhưng bây giờ hoạt động chèo không diễn ra thường xuyên như trước nữa. Hầu như chỉ hội làng hay khi các đoàn thể có hội diễn văn nghệ chúng tôi mới tập chèo, hát chèo. Ngày thường ai cũng mải làm ăn, lấy đâu ra thời gian mà hát. Các cháu nhỏ cũng có đứa thích chèo, biết hát chèo đấy nhưng cũng chỉ học bà, học mẹ chứ không có điều kiện cho chúng học hành bài bản”...

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại, sự thay đổi thị hiếu giới trẻ cùng áp lực kinh tế đã tạo sức ép lớn cho nghệ thuật cổ truyền dân tộc nói chung và loại hình chèo nói riêng. Tuy vậy chèo Thái Bình vẫn không hề bị quên lãng, thanh thiếu niên nơi đây có thể không theo nghiệp chèo nhưng ai cũng biết đến chiếu chèo quê mẹ, có thể ngâm nga vài câu “này thầy tiểu ơi”… (vở chèo Quan Âm Thị Kính).

                                                                  Theo Quandoinhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày