Tục ăn trầu xưa và nay
Trong sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ra đời dưới thời nhà Trần có ghi lại một truyện cổ tích giải thích tục ăn trầu của người Việt. Theo đó, tục ăn trầu của người Việt có từ rất sớm và miếng trầu xuất hiện trong ngày cưới mang ý nghĩa tượng trưng đề cao tình vợ chồng thủy chung son sắt, tình anh em hòa thuận gắn bó. Xa xưa, khi sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, trong mùa đông, người dân thường ăn một miếng trầu để cơ thể ấm nóng, bớt đi cái lạnh giá khi lội ruộng; khách đến chơi nhà, miếng trầu thường được chủ nhà đem ra mời một cách trân trọng, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn một miếng trầu sẽ giúp môi đỏ, miệng thơm, răng chắc, giúp câu chuyện tâm tình giữa chủ và khách thêm phần cởi mở.
Nghệ thuật têm trầu cũng lắm công phu. Lá trầu được têm cách điệu với nhiều kiểu khác nhau như têm theo kiểu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác.... Thông qua cách têm trầu, những người tinh ý có thể đánh giá được tính cách của người têm. Một miếng trầu têm vụng là người không khéo tay, miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa, nhìn vào số lượng vôi quệt trên lá trầu, người ta có thể đánh giá được người têm có tính cách giản dị hay cầu kỳ, thú vị hay nhạt nhẽo.
Miếng trầu gói gọn trong nó tình cảm, cái nết của người têm. Vì vậy, trong truyện cổ tích Tấm Cám, khi nhìn thấy miếng trầu têm cánh phượng, nhà vua đã nhận ra người vợ - cô Tấm xinh đẹp đang ở trong quán của bà hàng nước. Miếng trầu đã trở thành đề tài nên thơ giúp nhiều thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm về tình yêu lứa đôi được các thế hệ yêu thích.
Cách đây khoảng mười lăm năm, khi trong làng tôi có rất nhiều người già biết ăn trầu, thích ăn trầu còn sống, gia đình nào trong làng tổ chức cưới vợ, cưới chồng cho con, gia chủ thường mời 5 - 7 bà lão là họ hàng đến têm trầu. Buổi diễn ra lễ thành hôn của cô dâu chú rể, khi các đĩa trầu được đặt trên bàn mời khách, một số ông lão, bà lão đến dự bỏm bẻm nhai trầu, người lớn trẻ nhỏ không ăn nhưng luôn có ý thức nhón lấy 1 - 2 miếng có đủ: cau, trầu và vỏ để mang về biếu ông, bà ở nhà như một thứ quà quý.
Ngày nay, khi đời sống vật chất của người dân từng bước được nâng lên, trong các lễ cưới, để thể hiện sự nồng nhiệt trong cung cách tiếp khách, bên cạnh miếng cau lá trầu, chén nước chè xanh, gia chủ thường mời người thân, bạn bè thêm hướng dương, bánh kẹo. Tuy nhiên, trong số những thứ mà gia đình cô dâu chú rể đem ra mời khách ấy, miếng trầu vốn được “ưa chuộng” trong các đám cưới xưa giờ đây đang mất dần vị thế trở thành thứ vật chất mang tính “nghi thức” trong ngày hôn lễ.
Chị Nguyễn Thị Hiền (thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương) chia sẻ: Hơn tháng trước, tôi có dịp tham dự đám cưới cô bạn thân, khi người dẫn chương trình hát bài quan họ Mời trầu, cô dâu và chú rể đứng lên bưng khay trầu cánh phượng đi mời khách, ai nấy đều đón nhận vui vẻ nhưng khi hôn lễ kết thúc, bên cạnh những đĩa trầu “không vơi”, những miếng trầu cánh phượng cũng bị bỏ lại trên bàn.
Còn cô Vũ Thị Lụa (xã Văn Lang, Hưng Hà) – người phụ nữ mới có con gái đi xây dựng gia đình cho biết: Trong các lễ ăn hỏi hay lễ xin dâu, nhà trai mang đến trầu cau được trang trí cách điệu hình trái tim có thắt nơ hồng nơ đỏ khá đẹp. Lúc cưới hỏi thì cũng thấy mát mặt với làng nước nhưng khi đám cưới được tổ chức xong mới thấy tiếc tiền bởi mỗi khay trầu mất gần một triệu đồng trong khi nhà lại không có người biết ăn trầu.
Ăn trầu là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, một “mỹ tục” của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay, nét văn hóa đậm chất quê này đang có xu hướng mai một. Nguyên nhân là do số người biết ăn trầu ngày một ít dần, trong khi những lợi ích của việc ăn trầu không còn phù hợp với tình hình thực tế. Sự mai một ấy tuân theo quy luật phát triển của xã hội nhưng tục ăn trầu vẫn sẽ là một phong tục đẹp tồn tại trong tâm thức người Việt hôm nay và mãi về sau.
Vũ Hường
Tin cùng chuyên mục
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
Xem tin theo ngày
-
Quốc hội xem xét, thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội
- Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ chín: Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự thảo luật, nghị quyết
- Triển khai cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân
- Kỳ họp thứ 107 Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín: Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo luật, nghị quyết
- Thái Bình: Giao, nhận quân nhanh gọn, an toàn, thực sự là ngày hội của thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ giao nhận quân năm 2025 tại huyện Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ giao, nhận quân năm 2025 tại thành phố Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng NVQS tỉnh dự lễ giao, nhận quân năm 2025 tại huyện Đông Hưng