Thứ 5, 06/02/2025, 02:09[GMT+7]

Nơi ươm mầm tài năng nghệ thuật

Thứ 2, 30/06/2014 | 08:33:25
3,813 lượt xem
Tạo sân chơi bổ ích và ý nghĩa giúp các em có thêm điều kiện phát hiện và phát triển năng khiếu luôn là tiêu chí hoạt động của Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. Dịp hè năm nay, các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn như dạy múa, dạy hát, đàn, đánh cờ… đã, đang được tổ chức để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các em và gia đình, góp phần đem đến cho các em một mùa hè vui tươi, bổ ích sau những ngày học tập căng thẳng.

Lớp học hát chèo tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Theo tiếng hát mượt mà, trong sáng của các em nhỏ trong làn điệu chèo “Tâm tình người lính đảo” (Sáng tác: Văn Nhân), chúng tôi tới lớp học hát chèo của Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. Hơn 20 em đang say sưa hát bên cô giáo Vũ Thị Nga, giáo viên bộ môn hát chèo. Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi khó có thể tin đó là những giọng ca của các em đang học mẫu giáo và các em sắp thi lên các trường THPT bởi từng lời ca chan chứa bao tình cảm thiết tha.

Em Nguyễn Phương Thanh, học sinh lớp 8 Trường THCS Tây Sơn nhỏ nhẹ: Thầy cô dạy chúng em phải mang cả tình cảm của mình gửi gắm vào từng lời hát, điệu múa, như vậy mới hay, mới lôi cuốn, để lại ấn tượng đối với người nghe, người xem. Nguyễn Phương Thanh là một trong những đội viên sinh hoạt nhiều năm liền tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. Hè năm nay vừa tròn 8 năm em sinh hoạt tại đây. Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh như ngôi nhà thứ hai, các thầy cô như những người cha, người mẹ của em. 8 năm học hát chèo cũng là ngần ấy năm em được các thầy cô dìu dắt, dạy dỗ.

Phương Thanh tâm sự: Mẹ Nga là người mẹ thứ hai của em, mẹ không chỉ dạy chúng em hát múa mà mẹ còn dạy chúng em những điều trong cuộc sống thường ngày. Phương Thanh chia sẻ thêm, tham gia sinh hoạt ở đây em có được cơ hội khám phá chính mình, thư giãn, giải trí sau một năm học tập, được làm quen với nhiều bạn mới trong môi trường học tập, sinh hoạt mới… Không chỉ hát chèo hay, Phương Thanh còn được các thầy cô đánh giá cao khi biểu diễn đàn nguyệt và hát văn. Phương Thanh đang lựa chọn môn để thi vào Nhạc viện Hà Nội. Với sự dìu dắt của các thầy cô, chúc ước mơ của em trở thành hiện thực.

“Mẹ Nga” mà các học trò nhỏ dành nhiều tình cảm yêu thương, kính trọng là cô giáo Vũ Thị Nga, giáo viên bộ môn hát chèo. Nguyên là diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình, năm 1997, chị Nga rẽ ngang sang làm giáo viên dạy hát chèo cho các em thiếu nhi.

Chị kể: Ngày đầu nhận công tác, thấy các em tham gia sinh hoạt tại Nhà Văn hóa thiếu nhi còn hạn chế, đặc biệt là những bộ môn truyền thống, chị về tận làng Khuốc (xã Phong Châu, Ðông Hưng) tìm kiếm học trò. Ðến tháng 5/1998, lớp đầu tiên bộ môn hát chèo của Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh khai giảng. Từ 8 em của lớp đầu tiên, số lượng học sinh theo học hát chèo tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh tăng theo từng năm. Nhiều học sinh đã trưởng thành từ lớp học này (điển hình là chị Hồng Xiêm, hiện là giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình).

Chị Nga tâm sự: Chúng tôi chỉ là những người chắp thêm đôi cánh ước mơ, tiếp thêm nghị lực để các em bay xa. Có được sự thành công chính là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các em. Cũng theo chị Nga, hiện nay số lượng các em theo học các môn nghệ thuật truyền thống mỗi năm một tăng. Riêng lớp học hát chèo của chị có em mới 4, 5 tuổi đã được cha mẹ gửi gắm “theo học chèo cô Nga”, có em được ông bà dẫn tới đăng ký sinh hoạt hè và học hát chèo. Ðó là tín hiệu vui cho các môn nghệ thuật truyền thống nói chung, hát chèo nói riêng.

Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh hiện là nơi sinh hoạt, học tập của hàng trăm em nhỏ trên địa bàn thành phố Thái Bình và các địa phương lân cận. Không chỉ học múa, hát, đàn, đánh cờ, võ, bơi… các em còn được tham gia các câu lạc bộ năng khiếu (hát, chèo, múa, kèn, trống). Ðây là lực lượng nòng cốt dự các cuộc thi do trung ương và địa phương tổ chức. Nhiều em trong các câu lạc bộ năng khiếu đã mang vinh quang về cho Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh qua các lần tham gia thi đấu, cọ xát với thiếu nhi các tỉnh bạn ở sân chơi dành cho tuổi thơ.

Anh Chu Hữu Thông, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh cho biết: Ngoài các câu lạc bộ, chúng tôi còn mở các lớp năng khiếu theo sở thích. Các lớp này sẽ dựa trên khả năng, nhu cầu bản thân và gia đình các em. Ngoài việc học tập, huấn luyện, các em sẽ được kiểm tra thường xuyên để đánh giá chất lượng đào tạo. Giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên phụ trách giảng dạy, hướng dẫn cho các em là những thầy cô giỏi, có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách đảm nhiệm.

Chị Nguyễn Thị Huyền (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) dẫn con trai Vũ Tuấn Anh (6 tuổi) đi học bơi, vừa dõi theo từng hoạt động của con chị vừa chia sẻ với chúng tôi: “Cháu rất thích học bơi và tôi luôn ủng hộ con bởi ngoài việc tạo cơ hội cho cháu khám phá bản thân, đây còn là cách để cháu hòa nhập vào cuộc sống, học thêm cho mình kỹ năng cũng như rèn luyện sức khỏe”.

Các lớp học tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh ngoài việc giúp các em có cơ hội phát hiện, khám phá và phát triển năng khiếu bản thân còn giúp bồi đắp cho các em những kỹ năng giao tiếp, tự tin trước đám đông. Mùa hè sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi các em tham gia các hoạt động ngoại khóa lành mạnh, bổ ích giúp phát triển cả thể chất và tâm hồn.

Phương Chi

  • Từ khóa