Thứ 4, 24/04/2024, 17:05[GMT+7]

Bữa cơm gia đình gắn kết tình thân

Thứ 2, 30/06/2014 | 09:04:05
2,369 lượt xem
Mỗi khi nhắc tới bữa cơm gia đình, phần lớn chúng ta thường hình dung ra cảnh các thành viên trong gia đình quây quần đầm ấm bên mâm cơm, cùng nhau ăn uống, sẻ chia những câu chuyện cuộc sống. Bữa cơm gia đình trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt; là nơi các thành viên trong gia đình có dịp đoàn tụ, nơi các bậc phụ huynh giáo dục con trẻ những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp.

 

Nơi sum họp ấm áp yêu thương

 

Ðể có được một bữa cơm ngon cho gia đình, khâu đầu tiên vô cùng quan trọng đó là chuẩn bị nguyên liệu. “Hôm qua đã ăn món gì? Hôm nay nên ăn món gì?” Một người phụ nữ khéo léo, một người vợ, người mẹ tâm lý sẽ biết cách cân đối hài hòa giữa các món ăn giúp món ăn trong bữa cơm gia đình không trở nên nhàm chán. Như vậy, ngay từ bước đi chợ chuẩn bị bữa cơm đã chứa đựng biết bao yêu thương của người nấu dành cho những người thưởng thức, của những người vợ người mẹ dành cho chồng con. Khi ngồi vào bàn ăn, bữa ăn chỉ bắt đầu khi mọi thành viên trong gia đình đều có mặt. Nếu vì lý do nào đó, một thành viên trong gia đình vắng mặt, các thành viên khác sẽ hỏi han, chờ đợi. Trong sự hỏi han, chờ đợi ấy, ta thấy được sự quan tâm lo lắng cho nhau.

 

Sự đầm ấm, yêu thương trong bữa cơm gia đình được thể hiện rõ nhất trong khi ăn. Quanh mâm cơm gia đình, con cái kể chuyện học hành, bố mẹ kể chuyện công việc. Qua câu chuyện ấy, bố mẹ có dịp lắng nghe con cái, hiểu tâm tư, tình cảm của con cái, từ đó có cách dạy dỗ, giáo dục giúp con phát triển nhân cách. Vợ chồng thêm yêu thương, cảm thông với những khó khăn, vất vả trong công việc. Bữa cơm vì thế trở thành tâm điểm, nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. Từ lúc chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn đến lúc cùng ngồi ăn, thu dọn mâm bát là cả một khoảng trời ấm áp yêu thương của tình thân ái. Bữa cơm gia đình dẫu không cao lương mỹ vị nhưng lại chứa chan tình nghĩa, giúp cha mẹ, con cái thêm hiểu nhau.

 

Nơi giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ

 

Con người ta cần “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, thông qua bữa cơm gia đình các bậc phụ huynh có thể dạy con cách “học ăn, học nói”. Cha mẹ có thể  giáo dục con sự lễ phép với người trên bằng việc dạy trẻ trước khi ăn phải mời ông bà, bố mẹ dùng cơm. Trong những câu hỏi của phụ huynh liên quan đến chuyện trường, chuyện  lớp, chuyện bạn bè sẽ giúp con phát triển các kỹ năng về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, việc phụ huynh dạy trẻ trong bữa ăn phải ngồi thẳng và nhai không thành tiếng, ăn chậm rãi từng miếng nhỏ, nhai kỹ không những giúp trẻ hình thành phép lịch sự mà còn giúp trẻ no lâu, tiêu hóa tốt, giúp trẻ dễ tập trung.

 

Ảnh: Hiền Trâm

 

Mỗi khi trẻ bỏ bữa, ăn uống vương vãi, việc phụ huynh giải thích cho trẻ hiểu vì sao trẻ phải ăn hết thức ăn trong bát, ăn uống gọn gàng sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen  ngăn nắp, biết trân trọng thành quả lao động.

 

Ðối với những gia đình có nhiều thế hệ, việc cha mẹ thường xuyên gắp thức ăn, hiếu kính với người già trong bữa cơm sẽ giúp con trẻ noi gương, thêm yêu thương người thân trong gia đình. Với gia đình có con gái lớn, thông qua việc cha mẹ hướng dẫn con gái nấu nướng tề gia nội trợ, con gái sẽ học được những đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Namon>.

 

Bên cạnh việc cung cấp năng lượng giúp các thành viên trong gia đình lao động, học tập, bữa cơm gia đình còn chứa đựng trong nó những giá trị tinh thần, tình cảm sâu sắc – là “sợi chỉ đỏ” kết nối yêu thương giữa những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện, việc nấu nướng không mất nhiều thời gian, công sức nhưng số bếp ăn gia đình đỏ lửa đang có xu hướng giảm dần nhất là ở thành thị. Nhiều gia đình, số bữa cơm cả nhà ăn cùng nhau vô cùng thưa thớt, vợ chồng, con cái không có thời gian hỏi han, chia sẻ, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo dễ dẫn đến sự nghi kỵ, mất niềm tin, hôn nhân đổ vỡ.

 

Thiết nghĩ, bữa cơm gia đình không chỉ giúp mỗi thành viên trong gia đình có sức khỏe để học tập, công tác tốt mà còn là nơi thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia giữa người thân trong gia đình, vì thế mỗi người dù công việc có bận rộn cũng nên thu xếp dành thời gian cho những bữa cơm gia đình.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày