Thứ 2, 06/05/2024, 22:36[GMT+7]

Ấn tượng về hội họa "hiện thực liên tưởng"

Thứ 2, 01/11/2010 | 16:40:47
3,104 lượt xem
Sinh năm 1928 tại Phú Yên, hiện sống và làm việc ở Đà Lạt. Họa sĩ Đặng Ngọc Trân nổi danh trong giới mỹ thuật với những bức tranh bút bi tinh tế, đường nét sắc sảo, sáng - tối linh động, còn hồn vía bức tranh lại hết sức dung dị, gần gũi. Nhiều người ngại lấy bút bi làm phương tiện để vẽ vì nét mực đều, khó nhấn nhá, nhưng họa sĩ Đặng Ngọc Trân lại biến nó thành sở trường và đã chung thủy với nó trong suốt mấy thập niên qua.

"Nỗi niềm dòng sông" - sơn dầu.

Ông cho biết: "Tôi vẽ tranh bằng bút bi từ năm 1957, lúc vừa mới vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Bởi tôi nghĩ: Người Tàu dùng bút lông để viết chữ và vẽ tranh. Cây bút bi đã phổ biến khắp thế giới, tại sao mình không dùng nó để vẽ?". Nói là làm. Chỉ với cây bút bi đơn sơ, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã sáng tạo nên một loạt những tác phẩm mỹ thuật độc đáo, mượt mà. Tranh bút bi của ông đã gây được tiếng vang lớn với nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Pháp, Anh, Mỹ...

Bên cạnh sở hứng vẽ tranh bằng bút bi, họa sĩ Đặng Ngọc Trân còn mê mải vẽ thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá bằng nhiều chất liệu hội họa khác nhau như: lụa, sơn dầu, acrylic… thắm tươi rực rỡ sắc màu. Nhưng mảng tranh này của ông cũng chỉ dừng lại ở thứ thiên nhiên phục hiện, ít có sự khám phá các ấn tượng thẩm mỹ về đối tượng. Sau khi viết nhiều bài phê bình hội họa... ông đã cho ra đời 4 tập sách nghiên cứu hội họa công phu.

Cuối năm 2009, Đặng Ngọc Trân lại "trình bày" một thủ pháp nghệ thuật mới: "Hiện thực liên tưởng - Realistic Association". Lão họa sĩ hồ hởi: "Tôi bắt đầu khám phá ra cách vẽ mới này từ lần đi dự Trại sáng tác ở Vũng Tàu, vào tháng 10 năm 2008. Tác phẩm đầu tiên được vẽ theo thủ pháp này là Nghinh phong". Ông tiếp: "Đây là thủ pháp tranh hoàn toàn mới mà tôi là người đầu tiên khám phá ra. Tôi gọi nó là "Hiện thực thế kỷ hai mốt".

Thực ra hội họa "Hiện thực liên tưởng" được khởi nguyên từ ý tưởng của nhà văn Chu Bá Namon>. Chuyện là thế này: Đầu năm 2008, tôi cùng nhà văn Chu Bá Nam, một người rất am tường hội họa, đến thăm nhà họa sĩ Đặng Ngọc Trân ở 36B Nguyễn Công Trứ. Sau khi thăm thú những sáng tác mới nhất của lão họa sĩ về cỏ cây, hoa lá, cảm tưởng chung của chúng tôi là: họa sĩ vẽ y như thật! Đương độ xuân về không khí nghệ thuật cũng trở nên cởi mở. Nhà văn Chu Bá Namon> nói: Vẽ như thật thì là ảnh, rất vất vả mà người xem đã chán rồi. Vẽ kiểu "thủ ấn họa" nghĩa là ăn may, không có định hướng sáng tạo. Dựa vào đường nét, màu sắc của tự nhiên, rồi thêm thắt một cách hợp lý, đỡ tốn sức mà lại cho những tác phẩm mới mẻ... Từ nền tảng ý tưởng đó của nhà văn Chu Bá Nam, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã áp dụng vào sáng tác mới của mình, và gọi nó là "Hiện thực liên tưởng - Realistic Association". Ông còn viết cả nghiên cứu về thủ pháp mới này.

Người xem tranh "Hiện thực liên tưởng" sẽ vô cùng thú vị khi phát hiện chúng là những bức tranh được vẽ theo phong cách hiện thực, từ những sự vật rất quen thuộc và bình thường trong cuộc sống. Ví như hai bức tranh Thung lũng pha lê và Núi đá, thể hiện sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ở đây, người xem ngỡ mình đang được chiêm ngưỡng một thế giới đầy băng tuyết, hay một vùng núi đá chênh vênh sau trận mưa bão phũ phàng. Nhưng thực tế gợi cho họa sĩ vẽ hai bức tranh này lại chỉ là… chiếc áo mưa, mà con ông vừa đi về trút bỏ trên yên xe máy.

Vậy nguyên lý của thủ pháp "Hiện thực liên tưởng" nằm ở đâu? - Chính là ở góc nhìn vĩ mô, hoặc vi mô mà người họa sĩ quán chiếu về các sự vật, hiện tượng trong thực tại đời thường, rồi vận dụng óc tưởng tượng và những tâm tình xúc động của trái tim, kết hợp với kỹ năng nghề nghiệp, để diễn tả một hiện thực khác, tạo hiệu quả bất ngờ trong thưởng thức. Có thể liên tưởng của người xem không trùng với liên tưởng của họa sĩ, nhưng tuyệt nhiên không làm ảnh hưởng gì đến tác phẩm. Cũng chính vì nền tranh tưởng chừng trừu tượng, người họa sĩ đã khéo léo dắt dẫn trí tưởng tượng của người xem về với hiện thực, bằng cách điểm xuyến vào bức tranh những yếu tố có thật.

Khác với lối vẽ mô tả hay phục hiện, thủ pháp "Hiện thực liên tưởng", khởi đi từ cái nhìn có tính chất phát hiện của người họa sĩ. Cái nhìn ấy vừa tinh tường, tỉ mỉ, vừa lãng mạn, lại vừa chính xác như một nhà khoa học, nhưng đồng thời cũng vừa ngây ngô như con trẻ. Đó là cái nhìn sâu thẳm vào sự vật, rồi từ đấy khám phá thêm những bình diện kỳ thú khác.      

Bằng cách đảo lộn mọi viễn vọng trực tuyến, người họa sĩ phát lộ sự tác động qua lại thường trực; một mặt giữa họa sĩ và sự vật bên trong bức tranh, mặt khác giữa người xem tranh và bản thân bức tranh, nhằm tạo một quan hệ qua lại bỏ ngỏ giữa chủ thể và thế giới khách quan. Nhờ đó, một thứ hòa đồng trực tiếp với sự vật được thiết lập. Như vậy, với thủ pháp "Hiện thực liên tưởng" này, hành động sáng tạo ra bức tranh hay ngắm tranh đã trở thành một hành động tham gia, một hình thức suy tưởng.

Như ở bức Nhìn từ trên cao, vốn được họa sĩ liên tưởng từ vật thể gốc là bề mặt của một viên gạch loang lổ những rêu và mốc. Phát xuất từ cái nhìn vi mô, họa sĩ đã chép lại một cách trung thực màu sắc vốn có nơi viên gạch, rồi dựa vào cái nền tranh vừa phác thảo xong, họa sĩ lại phóng chiếu thành cái nhìn vĩ mô, liên tưởng đến một vùng núi non rộng lớn, chập chùng đèo dốc. Để người xem có cùng liên tưởng với mình, họa sĩ lại cho thêm vài bụi cây, nhà cửa… và đặt tên là Nhìn từ trên cao.

Mặc dù mới hình thành thủ pháp "Hiện thực liên tưởng - Realistic Association" này, nhưng tranh của họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã khẳng định một con đường mới trong hội họa đầy sức sống, đặng mở ra một lối thoát cho nền mỹ thuật đương đại đang gặp nhiều bế tắc.

 Trần Thủy (Theo CAND Online)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày