Thứ 2, 06/05/2024, 23:55[GMT+7]

Điện ảnh "Cánh đồng bất tận" - Câu chuyện đầy bi kịch nhưng vẫn le lói niềm tin

Thứ 7, 06/11/2010 | 21:24:28
5,217 lượt xem
Cánh đồng bất tận được mở đầu bằng hình ảnh một cô gái điếm đang bị đám đàn bà lao vào chửi bới, đuổi đánh. Sương - tên của cô gái điếm - gần như đã kiệt sức, chống trả lại trong sự bất lực và vùng vẫy lao ra khỏi bàn tay tàn nhẫn của những mụ đàn bà đang nổi máu ghen tuông.

Bộ phim nghệ thuật được kỳ vọng nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm 2010 vừa công bố trailer đầu tiên với những hình ảnh dữ dội cùng bối cảnh sông nước mênh mang tại ba tỉnh miền Tây Nam bộ.

Thế rồi Điền xuất hiện và cứu Sương, đưa cô lên chiếc ghe mà người chị gái tên Nương và ông Võ - cha cậu bé đang chờ. Trên ghe, cô gái điếm trong bộ dạng tơi tả đã lả đi trong vòng tay của Nương. Sương đã bước vào cuộc đời của hai chị em Điền, Nương và ông Võ như vậy.

Sự xuất hiện của Sương như một làn gió mới thổi mát cuộc sống của ba con người miền Tây. Sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ ấy đã đem đến cảm giác ấm áp, yêu thương cho chị em Điền, Nương nhưng không xóa tan được nỗi đau trong tâm hồn ông Võ.

Sương càng cố gắng nhịn nhục, vun vén cho tổ ấm nhỏ bé nơi đồng không mông quạnh bao nhiêu thì ông Võ lại lạnh nhạt và tàn nhẫn với cô bấy nhiêu. Cuộc sống của họ vẫn cứ trôi đi trong sự nặng nề, bế tắc và chẳng biết bao giờ mới có giây phút bình yên...  

Cánh đồng bất tận đã đem đến cho khán giả những xúc cảm rất mãnh liệt, dữ dội qua trường đoạn cô gái điếm Sương bị đuổi đánh tơi tả. Ngay sau đó, từng khuôn hình đẹp lung linh, tràn ngập sức sống của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ tiếp tục dẫn dắt khán giả bước vào "những hành trình bất tận" của các nhân vật.

Vẻ đẹp nên thơ, buồn man mác của những cánh đồng không tên mà hai chị em Điền, Nương gọi tên bằng những kỷ niệm. Cánh đồng bất tận được quay tại ba địa điểm của vùng miền Tây Nam Bộ là Long An, Đồng Tháp và Cần Thơ trong suốt ba tháng trời.

Cánh đồng buồn man mác cùng câu chuyện thắm đượm tình người về những mảnh đời oan nghiệt nơi miền sông nước cũng hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả và ghi một dấu ấn mới cho nền điện ảnh nước nhà trên đấu trường quốc tế.

Sương, ông Võ, Điền, Nương đều được xây dựng với tính cách rất rõ rệt. Câu chuyện phim được kể qua góc nhìn của cô bé Nương. Chứng kiến mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác, cha thay đổi tâm tính trở thành một con người đáng sợ, chị em Điền - Nương chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Những lời tâm sự của Nương đôi khi khiến khán giả phải chạnh lòng. Sự chăm sóc tận tình của Sương như làm lay động nỗi khát khao được yêu thương, được đùm bọc của hai đứa trẻ từ lâu đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ.

Cánh đồng bất tận khá thành công trong việc chọn diễn viên. Hải Yến có màn lột xác ngoạn mục với vai cô gái điếm tên Sương. Cô đã lột tả rõ "lộ trình" cảm xúc của nhân vật này từ lúc sợ hãi khi bị đuổi đánh, bối rối trước sự tử tế của chị em Điền - Nương, xao động và muốn xây dựng gia đình hạnh phúc với ông Võ cũng như lúc thất vọng, sụp đổ khi tình yêu không được đáp lại.

Dustin Nguyễn cũng chinh phục người xem bằng diễn xuất chuyên nghiệp. Trong phim, lời thoại của nhân vật Võ rất ít nên Dustin phải thể hiện cảm xúc từ trong trái tim và thông qua cử chỉ, nét mặt, đôi mắt. Qua diễn xuất của Dustin Nguyễn, khán giả có thể thấy được hình ảnh ông Võ như bước ra từ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một người đàn ông tàn nhẫn, bất lực với cuộc sống của chính bản thân mình và tìm cách trốn chạy sự thực thông qua men rượu và tình dục. Sự cay đắng của số phận đã đẩy cuộc đời của ông Võ đi vào bế tắc, không có lối thoát, để rồi khi ông tỉnh ngộ ra và nhìn nhận lại mọi chuyện, nhìn lại gia đình mình thì những tia sáng hy vọng đã gần như vụt tắt.

Cánh đồng bất tận đã cố gắng truyền tải những ý nghĩa, thông điệp về số phận của những thân phận long đong, chìm nổi ở nơi sông nước miền Tây Nam Bộ.

Quang Viện (Tổng hợp)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày