Thứ 3, 16/04/2024, 21:46[GMT+7]

Quy hoạch nghĩa trang nhân dân Cách làm ở Ðông Á

Thứ 2, 26/01/2015 | 08:01:21
964 lượt xem
Từ việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân tại Ðông Á, nhiều địa phương như xã Trọng Quan, Ðông Quang, Ðông Phong… đã đến học tập và làm theo, qua đó góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phù hợp với phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Nghĩa trang nhân dân xã Ðông Á (Ðông Hưng) được xây dựng và quy hoạch theo quy định về thực hiện nếp sống văn hóa.

 

Xã Ðông Á có 7 thôn, 2.350 hộ với 7.600 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Ngay từ năm 2006, khi nhiều địa phương trong tỉnh chưa chú trọng đến quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân xã đã bắt tay vào triển khai thực hiện dựa trên Quyết định số 2080 của UBND tỉnh ban hành năm 2001 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Ðến năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02 về thực hiện nếp sống văn hóa thay cho Quyết định số 2080 thì việc quy hoạch nghĩa trang tại Ðông Á đã đi vào nền nếp.

 

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, lúc đầu mới triển khai, công tác quy hoạch nghĩa trang của xã gặp rất nhiều khó khăn do phần đông người dân vẫn quen theo nếp cũ, tự ý xây dựng các ngôi mộ theo ý thích của từng gia đình với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau và không theo một hướng cố định. Nhiều gia đình có điều kiện xây cất phần mộ kiên cố, to lớn kinh phí vài chục triệu đồng nên việc vận động các gia đình chuyển về khu quy hoạch tập trung cũng mất nhiều thời gian. Ðể việc quy hoạch nghĩa trang tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, chính quyền xã chú trọng tới khâu tuyên truyền. Tại các cuộc họp thôn, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, lãnh đạo các thôn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển các phần mộ của gia đình, dòng họ về mai táng ở nghĩa trang chung của xã, vận động nhân dân tích cực đóng góp kinh phí tham gia xây dựng nghĩa trang. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền nên phần đông các hộ gia đình hiểu được tầm quan trọng của việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân góp phần tránh lãng phí đất đai, tiết kiệm chi phí xây dựng và giảm ô nhiễm môi trường nên đã chủ động di chuyển phần mộ tại các thôn về quy tụ trong nghĩa trang nhân dân xã. Ðồng thời vận động nhân dân thực hiện mai táng theo đúng quy định, trình tự cũng như tổ chức việc hiếu theo nếp sống mới. Ngoài việc vận động nhân dân thực hiện đúng và đủ các điều trong quy định sử dụng và quản lý nghĩa trang như nơi chôn cất, bảo đảm vệ sinh môi trường, để giảm quỹ đất sử dụng cho việc xây mộ, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cũng được quy định phù hợp với chỉ đạo, của tỉnh và thực tế địa phương, nhờ vậy chi phí cho việc xây mộ của mỗi gia đình giảm nhiều so với trước kia.

 

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa trong công tác xây dựng nghĩa trang cũng được Ðảng ủy, HÐND, UBND xã Ðông Á chú trọng. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân trong xã, con em địa phương làm ăn xa quê tích cực đóng góp tiền, ngày công xây dựng nghĩa trang. Thời gian vừa qua, bằng nguồn kinh phí ủng hộ của những người con xa quê, xã đã xây dựng đường bê tông xung quanh nghĩa trang dài 400m, rộng 3m thuận tiện cho việc đi lại. Ðến nay, nghĩa trang nhân dân của xã có khoảng 300 ngôi mộ đã được quy hoạch có khu cát táng, hung táng đúng tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

 

Cách làm của Ðảng bộ, chính quyền xã được đông quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bác Phí Văn Lập, thôn Trưng Trắc B chia sẻ: “Trước đây vào những ngày giỗ, ngày lễ, tết, việc ra mộ thắp hương rất khó khăn do cỏ mọc um tùm, đường đất lầy lội, lối đi lại chật hẹp, nhiều hố sâu do việc bốc mộ để lại, nay việc quy hoạch lại nghĩa trang giúp cho việc hương khói thuận tiện hơn rất nhiều”.

 

Từ việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân tại Ðông Á, nhiều địa phương như xã Trọng Quan, Ðông Quang, Ðông Phong… đã đến học tập và làm theo, qua đó góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phù hợp với phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Nguyễn Cường

 

Nếu gia đình có ý nguyện an táng người quá cố, chuyển mộ phần về nghĩa trang của xã phải làm đơn gửi lãnh đạo thôn và được xã xác nhận, đồng thời đặt cọc 3 triệu đồng tránh trường hợp nhận phần mộ. Sau khi việc chôn cất, xây dựng mộ phần hoàn thành đúng quy định, gia đình sẽ được nhận lại số tiền đã đặt cọc. Ðó là cách làm trong công tác quy hoạch nghĩa trang của xã Ðông Á (Ðông Hưng) trong những năm qua.

(Ông Phí Ðức Vui, cán bộ văn hóa xã)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày