Thứ 5, 18/04/2024, 08:52[GMT+7]

Phim gia đình Việt trên sóng VTV

Thứ 2, 15/06/2015 | 09:36:18
915 lượt xem
Bằng sự gần gũi, thân thuộc mà thấm thía, lay động tận tâm can, những bộ phim về đề tài gia đình luôn có sức hút đối với đông đảo người xem. Trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), có những bộ phim gia đình đã trình chiếu từ rất lâu nhưng đến nay vẫn để lại những dấu ấn không phai mờ, trở thành những “tượng đài” trong lòng khán giả.

Một số cảnh trong phim “Của để dành”.

 

Nhắc đến phim về đề tài gia đình của Việt Namon>, không thể không nhắc đến phim “Của để dành”. Ra mắt trên sóng VTV năm 2000, cách đây đúng 15 năm, thời gian có lẽ chưa quá dài nhưng cũng đủ để bộ phim khắc sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ khán giả. Những năm tiếp theo, chúng ta có “Mùa lá rụng” (2001), “Chuyện phố phường” (2004). Đó đều là những bộ phim gây tiếng vang lớn và dư âm còn đến ngày hôm nay và sẽ tiếp tục đến mai sau. Mỗi bộ phim là những câu chuyện về sự chống đỡ của gia đình với những ý nghĩa, giá trị truyền thống của nó trước sự thách thức, tấn công của xã hội hiện đại nhiều đổi thay. Đụng độ với lối sống thời mở cửa, gia đình, truyền thống cùng với mỗi con người trong đó lung lay, chao đảo, rạn nứt. Có người dứt khoát vứt bỏ, có người hoang mang, lưỡng lự, còn có người kiên định và tha thiết giữ gìn tất cả những gì của ngày xưa. Để rồi cuối cùng, tất cả đều nhận ra rằng, chỉ có mái ấm gia đình là nơi duy nhất chở che, bao bọc, yêu thương ta, nhẫn nại và bao dung ta, là chốn đi về trong bão giông, là nơi neo đậu của tâm hồn.

 

“Của để dành” là câu chuyện về bà Vi, người mẹ tảo tần, cả đời hy sinh cho các con, khi về già, ốm đau lại cô đơn, buồn tủi dù ba đứa con đều ở bên. Các con của bà vốn vô tư, vô tâm, quen được mẹ chăm sóc, đến khi mẹ bị tai nạn nằm liệt giường họ vẫn mê mải chạy theo những bận tâm riêng tư, những bon chen công việc, danh vọng, phó thác trách nhiệm chăm sóc mẹ mình cho người giúp việc xa lạ. Bộ phim có nhiều phân cảnh hài hước nhưng đằng sau đó là tiếng cười buồn, đầy chua xót, là hồi chuông cảnh tỉnh cho mối quan hệ gia đình thời hiện đại, giữa cha mẹ - con cái, giữa anh chị em. Những đứa con không xấu xa, họ yêu thương mẹ, yêu thương lẫn nhau nhưng họ là những đứa con đã quen được nuông chiều và bị cuốn theo cuộc sống hối hả với những toan tính vị kỷ. Họ đã quên phải đáp lại yêu thương, quên mất yêu thương thực sự là như thế nào. Chỉ đến khi mất đi, họ mới nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là những lợi danh bên ngoài mà chính là vòng tay của mẹ, mãi mãi chăm sóc, bảo vệ các con: “Cho dù mắt nhắm tay buông/Dành cho con hết mọi nguồn yêu thương” (lời bài hát “Lời ru cho con” trong phim “Của để dành” của nhạc sĩ Xuân Phương).

 

So với “Của để dành”, gia đình trong “Mùa lá rụng” và “Chuyện phố phường” phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt hơn. Hai bộ phim là hai đại gia đình với những nếp nhà cổ, bề dày truyền thống của Hà Nội. Gia đình ông Bằng trong “Mùa lá rụng” vốn rất mẫu mực còn gia đình ông Vương trong “Chuyện phố phường” tuy không được vẹn toàn bằng nhưng cũng rất có nền nếp; chống trụ gia đình đều là những người của ngày xưa, luôn cố níu kéo, duy trì nếp gia đình truyền thống. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường với lối sống thực dụng, vì tiền có thể bất chấp tất cả, sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, tự trọng, tình thân, tình người như cơn bão quá mạnh ập vào những nếp nhà ấy, làm lung lay và xuất hiện những vết rạn trong mỗi con người và trong các mối quan hệ làm nên gia đình. Qua thử thách ấy, từng người trong gia đình chọn một hướng đi, nhận một bài học. Cừ, Luận trong “Mùa lá rụng”, Nam, Hà trong “Chuyện phố phường” cuối cùng giữ được nếp nhà đầm ấp; Lý - “Mùa lá rụng”, Lân - “Chuyện phố phường” đã hối hận và phải trả giá. Những giá trị truyền thống cũng được thử thách. Không phải cứ khăng khăng giữ lại tất cả những gì xưa cũ là tốt, có những thứ đã không còn phù hợp. Nhưng ngược lại, có những giá trị cốt lõi thì dù có thế nào cũng phải giữ lại bằng được, bất kỳ ai có lương tâm và lòng kiên định sẽ nhận trách nhiệm đó. Những người xưa, nếp cũ, máu mủ ruột rà, những giá trị truyền thống đã làm nên những mái ấm gia đình bao đời nay không phải là bức tường lạc hậu cản ngăn sự phát triển mà đó là nền tảng của sự phát triển, đi lên.

 

 

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày