Thứ 5, 28/03/2024, 20:53[GMT+7]

Khi “bia lạnh” về làng

Thứ 2, 22/06/2015 | 08:22:48
908 lượt xem
Ngày mai, tôi lại phải xa quê, xa gia đình. Đem những trăn trở ra hỏi bà, bà tôi bảo: “Mấy năm nay bà thấy kinh tế làng mình khá lên nhiều lắm. Đây là cái vui mừng. Nhưng bà cũng thấy có nhiều cái đáng lo lắm. Lo nhất là cái nạn ăn uống, hút sách, nhậu nhẹt. Theo bà thì nghìn vạn cái sự chẳng lành của mỗi gia đình đều bắt nguồn từ cái nạn ấy mà ra. Bây giờ lại thêm cái thứ bia lạnh về làng...”. Nói tới đây, bà bỏ lửng câu nói, chép miệng thở dài.

Ảnh minh họa.

Đã hơn chục năm đi xa, hè vừa rồi được về thăm nhà, thấy đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, quang cảnh quê hương có nhiều đổi mới, tôi mừng lắm.

Nhưng khi vừa mới bước chân vào tới cổng làng tôi đã gặp mấy người tầm tuổi trung niên, mặt đỏ phừng phừng. Thấy tôi họ chìa tay ra bắt mà không đủ sức để nắm tay lại, nói như quát, miệng nồng nặc hơn men:
- Chú mày mới về... về à..., khỏe... chứ? Nhanh nhanh mà ra quán nhà Be... nhớ!
- Quán nhà Be có gì mà...? Tôi chưa kịp hỏi hết câu thì đã nghe:
- Hôm nay ngày tốt, nhà Be nó khai trương bia lạnh, giá bia... đã lắm!

Là người ít thích rượu, bia nhưng để xem không khí khai trương bia lạnh thế nào, khoảng 21 giờ  tối hôm đó tôi bách bộ theo đường trục chính của làng đến quán nhà Be. Từ xa đã nghe tiếng nhạc ầm ầm phát ra từ đôi loa thùng mở hết công suất. Đến gần, thấy đèn xanh đỏ nhấp nháy loạn xị; có cả băng rôn bằng vải trắng viết chữ xanh giăng trước cửa quán: Bia lạnh mát bổ Hoài Be kính mời. Cách bài trí của quán ở làng quê có kém gì các quán ăn, uống nhậu nhẹt nơi thị thành đâu.
Thấy tôi, Be đon đả:
- Anh mới về ạ? Hôm nay em khai trương bia lạnh để phục vụ bà con trong xóm, ngoài làng. Xin mời anh.
- Cho tôi một cốc nhé

Tôi ngồi vào một góc hơi khuất và quan sát. Ở phòng bên có hơn chục người, quen có, lạ có, còn rất trẻ. Cốc bày la liệt trên ba chiếc bàn nhựa. Họ vừa uống bia vừa nhả khói thuốc lá mù mịt, tranh nhau nói như bấy lâu nay chưa hề được nói, làm cho cái nóng mùa hè đã oi bức lại càng ngột ngạt, bức bối hơn.

23 giờ, rời quán ra về, tôi còn gặp gần hai chục người quần đùi cởi trần ầm ầm kéo đến, nghe nói là để “phạt” một người trong số họ vừa trúng số đề.

Không khí ầm ĩ và nóng bức của quán bia lạnh Hoài Be cứ như thế kéo dài, suốt ngày dài lại đến đêm thâu. Thế rồi, sau ngày khai trương quán được vài hôm, đêm ấy, dân làng đang lúc ngon giấc thì vợ chồng nhà B bỗng ầm ầm tiếng quát tháo. Tiếng anh chồng: “Tao cứ uống. Mày tiếc tiền chứ gì? Tao còn uống cho đã... Tiếc tiền thì cút... cút ngay”. Sau những câu nói ấy, tôi nghe tiếng bát đĩa, xoong nồi loảng xoảng rồi tiếng khóc của vợ con B.

Liên tiếp những đêm sau đó, tôi được chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đánh chửi nhau, đuổi nhau quanh làng; có anh chàng quá say đánh vợ, chửi cả bố mẹ đẻ rồi cầm dao sang nhà bố mẹ gây sự...

Những năm trước, khi tôi còn ở nhà, quê tôi nghèo nhưng yên ả lắm. Rất ít khi nghe thấy tiếng cãi chửi nhau. Người với người sống với nhau như bát nước đầy, đầy tình đầy nghĩa. Còn bây giờ...

Ngày mai, tôi lại phải xa quê, xa gia đình. Đem những trăn trở ra hỏi bà, bà tôi bảo: “Mấy năm nay bà thấy kinh tế làng mình khá lên nhiều lắm. Đây là cái vui mừng. Nhưng bà cũng thấy có nhiều cái đáng lo lắm. Lo nhất là cái nạn ăn uống, hút sách, nhậu nhẹt. Theo bà thì nghìn vạn cái sự chẳng lành của mỗi gia đình đều bắt nguồn từ cái nạn ấy mà ra. Bây giờ lại thêm cái thứ bia lạnh về làng...”. Nói tới đây, bà bỏ lửng câu nói, chép miệng thở dài.

Ngọc Tuyền
(Vũ Vân, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày