“Bao giờ cho đến tháng Mười” - chờ đợi hạnh phúc
“Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hy sinh, khổ đau, chịu đựng
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”
“Bao giờ cho đến tháng Mười” kể về nỗi đau đớn, mất mát trước sự hy sinh của người con, người chồng, người cha của một gia đình bình dị ở làng quê Việt Nam. Đó cũng là nỗi đau chung của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, của cả một dân tộc đã phải gánh chịu quá nhiều khói lửa chiến tranh. Nhưng người ở lại vẫn phải vượt qua nỗi đau và sống sao cho xứng đáng với những sự hy sinh đó.
Duyên, nhân vật trung tâm của phim là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, nết na, chịu thương chịu khó, tâm hồn yêu thương bền bỉ, kiên cường và đức hy sinh cao cả. Câu chuyện phim mở đầu khi Duyên đang về nhà với nỗi đau tột cùng sau khi đi thăm chồng mới biết chồng đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Trên chuyến đò về làng, chị đau đớn ngất đi và ngã xuống sông, được thầy giáo Khang cứu, qua đó Khang vô tình biết được chuyện của chồng chị. Vậy là, người vợ hết mực yêu thương và hy sinh, giấu nỗi đau cho riêng mình, đã cùng người thầy giáo nhân hậu giả những bức thư nhà của người chồng để mong an ủi bố chồng đau yếu, đứa con trai nhỏ dại và cả gia đình, làng xóm, những người ở hậu phương luôn tự hào và mong nhớ anh bộ đội xa nhà. Kịch tính được đẩy lên cao khi dân làng dị nghị, nghi ngờ về mối quan hệ giữa Duyên và Khang. Chỉ đến khi bố chồng bệnh nặng, giục Duyên gọi chồng về cho ông gặp lần cuối thì mọi chuyện mới sáng tỏ.
Bộ phim đã khắc họa tinh tế và cảm động tâm trạng đau đớn và sự mạnh mẽ của Duyên. Những khi một mình, cô quay quắt, xé lòng với nỗi đau, nỗi nhớ chồng. Nhưng trước mọi người, cô hết sức kìm nén, chịu đựng để giữ niềm vui, niềm tự hào, hy vọng cho mọi người. Trong cách thức thể hiện nội dung, chủ đề, bộ phim đã để lại một dấu ấn đậm nét trong nền điện ảnh nước nhà với một phân cảnh kinh điển, đột phá và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bậc nhất - phiên chợ âm dương. Phiên chợ truyền thuyết nơi người sống và người chết được gặp nhau đã được đạo diễn tái hiện mang đầy màu sắc tín ngưỡng huyền bí. Trong ánh sáng lập lòe, phiên chợ nhộn nhịp người ma qua lại, đâu đó những gương mặt tìm người thân. Duyên và chồng gặp nhau nhưng không thể nắm tay nhau. Những gì chồng Duyên nói với cô phải chăng là thông điệp đạo diễn muốn gửi gắm: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc… Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm xong phần việc của mình rồi… Cái còn lại mãi mãi là cái không thể nhìn thấy được”. Bao hy sinh, mất mát cũng vì hạnh phúc của những người ở lại. Nhà làm phim như nhắc nhở chúng ta, những người đang sống phải làm “phần việc của mình” là phải sống hạnh phúc, không ngừng hướng đến hạnh phúc. Đó chính là sự đền đáp tốt nhất đối với những người đã ngã xuống.
Kết phim, thầy giáo Khang gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ngày khai giảng, Duyên đưa con đến trường bắt đầu vào lớp 1. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh mang đến niềm hy vọng, niềm tin vào thế hệ tương lai, vào cuộc sống tươi đẹp, bởi “trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”, và tháng mười đến “Lúa chín trên cánh đồng giông bão”.
“Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984, đạo diễn Đặng Nhật Minh) được xem là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam, là tác phẩm điện ảnh tinh tế và giàu sức truyền cảm nhất về đề tài hậu chiến. Phim đã giành được nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước: giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII năm 1985, giải Đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989, Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985, giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii năm 1985. Năm 2008, phim được kênh truyền trình CNN bầu chọn là một trong mười tám phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Mai Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Chùa Khánh Nguyên: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp đại lễ Phật đản 28.05.2023 | 18:11 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
- Về thăm đền Bổng Điền, nơi thờ nữ tướng Quế Hoa công chúa 28.04.2023 | 08:54 AM
- Xây dựng thiết chế văn hóa khu dân cư: Dân biết, dân làm, dân thụ hưởng 26.04.2023 | 09:21 AM
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, tặng quà đoàn làm phim “Hồng Hà nữ sĩ” 07.04.2023 | 18:16 PM
- Nghệ thuật chèo - niềm tự hào của người dân quê lúa 31.03.2023 | 16:25 PM
- 220 võ sinh tham gia giải võ thuật cổ truyền tỉnh Thái Bình 05.02.2023 | 21:55 PM
- Công phu mâm cỗ cá thịnh soạn trong lễ hội đền Trần 04.02.2023 | 19:03 PM
- Tục làm cá võng ở làng Diệc 24.01.2023 | 09:38 AM
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ 10.01.2023 | 15:51 PM
Xem tin theo ngày
-
Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam chính thức ký kết hợp tác đầu tư vào KCN Liên Hà Thái
- Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Thường trực Tỉnh ủy tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Tăng tốc, tạo chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số
- Quốc hội khai mạc phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
- Phát huy tinh thần trách nhiệm để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, mang tính xây dựng cao
- Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Tháo gỡ điểm nghẽn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ
- Sự kiện khởi nguồn con đường giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước