Thứ 5, 01/05/2025, 10:39[GMT+7]

“Nỗi buồn chiến tranh” - cuộc chiến của những người ở lại

Thứ 2, 27/07/2015 | 10:05:58
7,895 lượt xem
“Nỗi buồn chiến tranh” là mê cung tâm tưởng của người lính về chiến tranh, cũng là cuộc chiến không hồi kết để tìm lối ra khỏi mê cung ấy, ra khỏi cả thời tuổi trẻ chiến đấu và dâng hiến, để rồi bị trói chặt trong đó. Mỗi con người bước ra từ chiến tranh là một cuộc đời bị tàn phá, là những nỗi buồn vô hạn...

 

Kiên, người kể chuyện, dẫn người đọc lang thang trong những mảnh hồi ức về tuổi trẻ với chiến tranh và tình yêu và hiện tại thời hậu chiến với vết thương chiến trận dày vò, “những vết thương mà tới bây giờ, một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi”. Không, những người lính đi ra từ cuộc chiến ở đây không bị thương tật về thể xác, nhưng họ phải chịu tổn thương không gì chữa lành ở tâm hồn, nơi một phần trong họ bị cuộc chiến hủy hoại mãi mãi. Trận chiến cả thời tuổi trẻ đã kết thúc, trận chiến phía sau nó mới thật sự khốc liệt. Cuộc vật lộn giữa những ám ảnh bạo tàn, kinh hoàng và khát khao bình yên có thể kéo dài cả đời người. “Nhưng làm thế nào mà quên nổi? Sẽ chẳng quên nổi một cái gì”. Mỗi người lính ở lại là một “thương binh” về tâm hồn, phải chiến đấu với chính mình để vá lại những mảnh tâm hồn đã vụn vỡ, dù không bao giờ có thể trở lại như xưa, “ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành”.

 

“Nỗi buồn chiến tranh” mang đậm màu sắc cá nhân, thậm chí còn được đánh giá có thể là cuốn sách đầu tiên của văn học Việt Namon> khai thác chiến tranh dưới góc độ cá nhân. Nhưng cảm xúc, nỗi đau, nỗi buồn cá nhân của tác phẩm cũng là cảm nhận, nỗi niềm chung của mọi người lính, ở bất cứ đất nước, chiến tuyến nào, kéo những kẻ thù một thời đến gần nhau hơn. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét, nó “đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại”. Câu chuyện cá nhân này đã trở thành câu chuyện chung của những thân phận, tâm hồn thương tật thời hậu chiến, làm nên sức rung cảm mãnh liệt cho tất cả người đọc.

 

Khép lại cuốn sách, không ai không khỏi chấn động, hoang mang. Có phải bi kịch không khi người lính trong những trang đầu tác phẩm đã muốn “phải gắng sống tử tế, sống cho ra sống”, cuối cùng lại đầu hàng, chấp nhận “hướng mãi về quá khứ”, nhưng lại hạnh phúc, bởi “tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng”, “anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả”. Nỗi buồn thương, day dứt từ trang sách ngấm vào sâu trong cõi lòng. Nỗi buồn thôi thúc chúng ta, những người hưởng thụ trên sự hy sinh đó, phải sống cho xứng đáng để đền đáp cha anh.

 

“Nỗi buồn chiến tranh” là một tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh, xuất bản lần đầu năm 1987 với nhan đề “Thân phận của tình yêu”. Đối với nhiều nhà phê bình, đây là một cột mốc của văn học đổi mới, một trong những tác phẩm đáng đọc nhất của văn học Việt Namon>. “Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới” (nhà văn Nguyên Ngọc). Năm 1991, tác phẩm được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Namon>.

 

Cuốn sách đã được dịch và giới thiệu ở 18 quốc gia trên thế giới (tính đến năm 2011). Một số cây bút phương Tây cho rằng, đây là một trong những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh cảm động nhất mọi thời đại.

 

 

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày