Thứ 4, 07/05/2025, 11:35[GMT+7]

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Dụng: “Gieo” ảnh “gặt” giải

Thứ 2, 24/08/2015 | 08:35:44
1,754 lượt xem
Con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của Hữu Dụng như một duyên phận. Là giáo viên dạy môn năng khiếu, Hữu Dụng dấn thân vào nghiệp ảnh cũng từ niềm đam mê nghệ thuật. Lấy nhiếp ảnh để truyền cảm xúc đã giúp anh trưởng thành nhanh chóng trong làng nhiếp ảnh toàn quốc.

 

Thu nhập từ nghề dạy học quá khiêm tốn nên Hữu Dụng đã phải “cày” không mệt mỏi từ vẽ tranh, trang trí hôn lễ đến cắt, dán băng biển, khẩu hiệu... để kiếm tiền mua máy ảnh. Chiếc máy ảnh đầu tiên “tậu” được, với anh, nó như một báu vật. Vừa dạy học, vừa chụp ảnh bổ trợ nghề nghiệp, anh không quên chắt lọc những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống để hình thành tác phẩm. Năm 1996, Câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh nghệ thuật 30-6 thành phố Thái Bình thành lập, Hữu Dụng được kết nạp làm hội viên. Chỉ sau một năm tham gia sinh hoạt trong CLB, duyên nghệ thuật đến với anh khi tác phẩm “Nhịp gió tình yêu” đạt giải ba cuộc thi “Ảnh thời sự - nghệ thuật Thái Bình” do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ đã đặt viên gạch đầu tiên xây nấc thang thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh của anh sau này.

 

Ðược đào tạo cơ bản về mỹ thuật, ảnh của Hữu Dụng bố cục chắc, thủ pháp nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao, hình ảnh chắt lọc, có nhiều chi tiết “đắt”. Sinh ra ở Bình Nguyên (Kiến Xương) - nơi mà cách đó không xa là làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm nổi tiếng khắp vùng với những sản phẩm tinh xảo. Nhiều “tay máy” đã gặt hái thành công từ làng nghề truyền thống này nhưng chưa có tác phẩm ảnh thể hiện chất tinh hoa riêng biệt của làng nghề. Với tình yêu quê hương, Hữu Dụng đã thể hiện thành công cái “chất tinh hoa” ấy trong tác phẩm “Tinh hoa nghề chạm”. Bằng thủ pháp cô lập đối tượng nhiếp ảnh, hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ qua bàn tay của người thợ chạm bạc Ðồng Xâm hiển hiện như một lời kể về quá khứ oai hùng của dân tộc với nền hậu cảnh là hình ảnh người thợ cần mẫn làm việc. Tác phẩm đã được trao giải khuyến khích tại liên hoan ảnh nghệ thuật sông Hồng lần thứ VIII – năm 2002 tại Hà Nam. Dạy học ở quê, cảnh quê gần gũi bên anh, một lần đi dạy học ngang qua cánh đồng thân thuộc, anh bất chợt nhận ra dòng kênh phủ đầy hoa lục bình. Hình ảnh ấy đã được anh ghi lại. Và, với thủ pháp ẩn dụ, anh đã thể hiện thành công tác phẩm “Khúc giao hưởng đồng bằng”. Tác phẩm được chọn treo tại triển lãm “Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24” do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Tác phẩm này còn liên tục gặt hái nhiều giải tại các cuộc thi và triển lãm ảnh khu vực và chuyên ngành trong nước.

 

 

Mùa gặt.

 

Cứ miệt mài dạy học, chụp ảnh, đi tìm khoảnh khắc đẹp, Hữu Dụng liên tục “ẵm” giải, trong đó đáng chú ý có hai tác phẩm “Kỷ vật thời gian”, “Làng biển ngày hội” được chọn treo trong hai cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam; ba tác phẩm “Cần cù”, “Quà của biển” và “Biển gọi” được chọn treo trong triển lãm ảnh Khám phá văn minh sông Hồng và nhiều tác phẩm đạt giải thưởng trong các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật khác...

 

Với nghề dạy học, Hữu Dụng “gieo” kiến thức cho học sinh. Với nghệ thuật nhiếp ảnh, anh “gieo” ảnh để rồi “gặt” về những giải thưởng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Dụng hiện là Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhiếp ảnh của tỉnh. Ðam mê và gặt hái thành công từ nghệ thuật nhiếp ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Dụng vẫn khiêm nhường làm một “ông giáo” nhưng trái tim nhiệt huyết vẫn “say” nghệ thuật nhiếp ảnh đến mê mệt.

 

Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày