Thứ 4, 21/05/2025, 13:56[GMT+7]

Thực hiện đời sống mới- Đổi thay nông thôn sau cách mạng

Thứ 5, 03/09/2015 | 16:32:00
1,234 lượt xem
Ngay sau cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 thắng lợi, dân tộc ta đứng trước những khó khăn lớn: thù trong giặc ngoài lăm le lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; phần đông nhân dân không biết chữ. Song, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các tỉnh trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã phát huy triệt để thuận lợi, khắc phục khó khăn tiếp tục đưa sự ng

Biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Cam Đoài, xã Thụy Liên (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh.

 

Ông Trần Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình kể: Ngày 19/8/1946 và ngày 2/9/1946, nhân kỷ niệm 1 năm ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng đời sống mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, Mặt trận Liên Việt tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Thực hiện đời sống mới”. Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã tổ chức các hội, đoàn thể nhất là đoàn thanh niên tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền lưu động, kẻ vẽ panô, áp phích, đi vận động từng người, từng nhà thực hiện vệ sinh môi trường, nơi ở, phòng tránh dịch bệnh, xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng cờ bạc, rượu chè, mê tín, nạn tảo hôn đã được thanh toán ở nhiều làng xã. Nghi lễ đám cưới, đám tang được cải cách theo hướng giản dị, tiết kiệm và trang trọng, nhiều đám cưới đã bỏ hẳn lệ thách cưới, ăn uống linh đình. Nhiều nhà ngày đêm không phải khóa cửa, dân làng sống tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Với khẩu hiệu “Khỏe vì nước”, “Khỏe để kháng chiến”, ở hầu hết các xã đều có đội bóng chuyền, bóng đá, có sân tập luyện thể dục thể thao và tổ chức các cuộc thi đấu giao hữu cấp xã, liên xã, huyện thị và toàn tỉnh. Nhiều thôn, xã đã thành lập các đội tuyên truyền lưu động, chòi phát thanh, các đội văn nghệ thanh niên, phòng đọc sách… hoạt động thiết thực phục vụ tuyên truyền cổ động nhiệm vụ chính trị, phổ biến thời sự, chính sách trong nhân dân. 

 

Tân Hòa (Vũ Thư) là một trong những xã đi đầu trong phong trào thực hiện đời sống mới ở tỉnh ta lúc đó. Ông Đỗ Như Thơ, nguyên Chủ tịch UBND xã kể: Trước năm 1945, người dân xã Tân Hòa đi làm đồng về là uống nước lã, rất ít nhà đun nước sôi để uống; nước để nấu nướng phải gánh từ giếng làng; tắm giặt thì ở ao nhà hay ao làng. Vì ăn uống, sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh nên rất nhiều người dân trong xã bị mắc các bệnh giun sán, đau mắt đỏ. Trong việc cưới có tục thách cưới rất nặng nề, việc tang dù nhà giàu hay nhà nghèo đều tổ chức lễ tang rất rườm rà, thuê thầy mo về cúng bái dài ngày. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện đường lối của Đảng, Chính phủ, xã phát động phong trào thực hiện đời sống mới, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã đã vào cuộc tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền phong trào trong đoàn viên, hội viên và nhân dân địa phương qua đó  góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Người dân trong xã đã bắt đầu thực hiện “ăn chín uống sôi”, mỗi gia đình tự đào giếng khơi để lấy nước sinh hoạt, nấu ăn, phòng tránh bệnh tật, xây hố xí hai ngăn bảo đảm vệ sinh, ủ phân bón ruộng. Trong việc cưới, nhiều bậc cha mẹ khi lấy vợ, gả chồng cho con đã dẫn lễ bằng hình thức mua sắm: mìn, lựu đạn, dao mã tấu… để ủng hộ kháng chiến. Đám cưới của anh Lục, chị Chức (thôn Đại Hội), anh Kế, chị Thắm, anh Tuân, chị Đào, anh Hướng, chị Lượt (thôn Đại Đồng), anh Mỹ, chị Tèo (thôn Tường An) đều dành tiền thách cưới để mua vũ khí ủng hộ cho đội du kích của xã. Trong việc tang, mê tín dị đoan, ăn uống tốn kém cũng được các cấp chính quyền tích cực can thiệp, vận động tuyên truyền đẩy lùi. Bên cạnh đó, phong trào thể thao sôi nổi khắp các thôn xóm lúc đó. Vào mỗi buổi sáng, người dân lại gọi nhau chạy bộ rất tấp nập, vui vẻ. Cảnh ao tù nước đọng, cảnh đói rét quanh năm, sợ sệt lo âu như những năm trước 1945 đã dần lùi vào dĩ vãng.

 

Cùng với Tân Hòa, thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) cũng là địa phương đi đầu trong phong trào này. Sau Cách mạng Tháng Tám, ở mỗi xóm trên địa bàn thị trấn Thanh Nê đã thành lập một túi thuốc để khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân, chính quyền tích cực tuyên truyền cho nhân dân trong xã biết ăn ở hợp vệ sinh, lấy phòng bệnh là chính, chữa bệnh là phụ. Mỗi xóm có một chòi phát thanh, lúc đầu dùng mo cau cuộn tròn lại, sau tiến tới dùng loa sắt để phát tin phổ biến rộng rãi các phong trào thi đua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mỗi xóm đều có một tổ văn nghệ. Nhân dân trong xã nhất là thanh thiếu niên và phụ nữ thường xuyên hát các ca khúc cách mạng động viên, tuyên truyền ủng hộ kháng chiến. Nhờ đó, sức khỏe nhân dân được nâng lên, phong trào toàn dân ca hát phát triển sôi nổi trên địa bàn xã. Xã đã phát động đám cưới tập thể (2 - 3 cặp trai gái cưới cùng lúc), có cơ quan đoàn thể đến dự và công nhận, có tổ văn nghệ ca hát chúc mừng hạnh phúc, góp phần thực hành tiết kiệm trong việc cưới.

 

Phong trào “thực hiện đời sống mới” sôi nổi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm cho đời sống tinh thần của mọi người dân cũng như mỗi làng xã có nhiều đổi mới, văn minh hơn, tiến bộ hơn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các nội dung của phong trào vẫn còn giá trị đến hôm nay, được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện vì mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa