Thứ 2, 05/08/2024, 13:22[GMT+7]

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu - Lãng du nghệ thuật

Thứ 2, 07/09/2015 | 08:49:18
1,816 lượt xem
Kể từ khi nhập vai Bảy, em của Tấm trong phim lịch sử “Hoa ban đỏ” lúc đang học năm thứ hai Trường Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội đến giờ, tính ra Trung Hiếu cũng đã có một khoản “vốn liếng” nghệ thuật kha khá. Bấm đốt ngón tay cũng có tới vài chục bộ phim truyền hình có nhân vật chính do anh đóng. Mỗi năm thủ vai vài suất diễn trong các vở kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi anh công tác và nhiều show diễn khác. Ở vai diễn nào, Trung Hiếu cũng giành giải cao và để lại ấn tượng khó

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu trong vai Năm Sài Gòn, vở diễn đang thu hút sự chú ý của công chúng. (Ảnh do Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu cung cấp).

 

Tôi gặp Trung Hiếu khi anh vừa hoàn thành xuất sắc vai Năm Sài Gòn trong vở kịch nói chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng do Doãn Hoàng Giang đạo diễn, trở về thăm ngôi nhà nhỏ của bà ngoại anh để lại bên dòng sông Trà Lý thơ mộng. Vở kịch vừa được công diễn rộng rãi, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật sân khấu cả nước.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Thái Bình, thân phụ Trung Hiếu là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Pháo, thân mẫu anh ngoài đảm đang công việc nội trợ, chăm nuôi bốn cha con còn là một “tay máy” đáng nể trong giới nhiếp ảnh. Theo lời kể của gia đình, Trung Hiếu là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Thái Bình.  Tốt nghiệp phổ thông, Trung Hiếu thi đại học, ai ngờ liền một lúc đỗ 4 trường. Do dự không biết nên chọn trường nào thì họ tộc họp lại quyết định cho anh học Trường Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội. Kế thừa truyền thống nghệ thuật từ gia đình, Trung Hiếu đã sớm bộc lộ duyên nghệ thuật ngay từ khi còn học năm thứ hai đại học. Với nghệ thuật, anh tâm niệm phải hết mình. Không chỉ thể hiện thành công tính cách nhân vật, khi gặp những vai khó, Trung Hiếu không nản. Anh kể, khi Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở “Ngàn năm tình sử”, anh được phân công nhập vai Lý Thường Kiệt. Ðây là nhân vật lịch sử võ công oai hùng, Hiếu chỉ được học trong lịch sử, biết sơ sơ vậy chứ  không hình dung ông Lý Thường Kiệt oai phong như thế nào. Ngoài nhập tâm thuộc lời thoại, Trung Hiếu còn phải tập luyện, đấu võ với các võ công chuyên nghiệp. Tập cật lực, sai một động tác là trật khớp, bong gân ngay. Sau những buổi tập như thế, cơ thể mệt nhoài, về nhà anh phải dán cao để giảm đau. Nào ngờ, sau vở diễn, Trung Hiếu được cấp bằng võ sư danh dự của Hội Võ thuật Hà Nội.

 

Sau 22 năm công tác, từ diễn viên, Trung Hiếu đã trưởng thành và được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 2006. Giờ đây, khi ở độ “chín” của cuộc đời, Trung Hiếu đã là Ðoàn trưởng Ðoàn III Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh là nghệ sĩ ưu tú trẻ nhất vừa được đề nghị Chủ tịch nước phong tặng Nghệ sĩ nhân dân. Vậy mà Trung Hiếu không muốn thừa nhận mình là người tài năng, anh quan niệm thành công là sự lao động, sáng tạo trong nghề. Có người hỏi: Anh thành công là nhờ tài năng thiên bẩm? Trung Hiếu chỉ cười hiền và bộc bạch: Nếu làm việc nghiêm túc, say mê, mình sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Những người trân trọng nghề sẽ biết cách tạo cho mỗi nhân vật, mỗi vai diễn một nét riêng. Làm thế nào để khán giả cười trong vai hài, làm thế nào để khán giả ghét trong vai phản diện, làm thế nào để khán giả yêu quý với vai chính diện, làm thế nào để không lặp lại những gì mình đã làm là điều rất khó. Trung Hiếu chỉ thừa nhận một điều: Tôi là người lãng tử, thích được khám phá, lãng du trong cuộc đời, lãng du trong nghệ thuật.

 

Ngoài đời, Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu đam mê viết thư pháp, sưu tập đồ đồng cổ, thích chơi chim cu gáy và nghe tiếng gáy của chim cu để luôn nhớ về quê lúa Thái Bình.

 

Thành tích cá nhân của Trung Hiếu từ khi trở thành Nghệ sĩ ưu tú cuối năm 2006

 

+ Nam diễn viên xuất sắc - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2010 (vai Lý Thường Kiệt trong vở Ngàn năm tình sử)

+ Nam diễn viên xuất sắc - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2012 (vai Phiệt trong vở Những mặt người thấp thoáng)

+ Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 2012 (vai Phiệt trong vở Những mặt người thấp thoáng)

+ Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 2015 (vai Năm Sài Gòn trong vở Bỉ vỏ)

+ Huy chương bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 2009 (vở Mắt phố)

+ Nam diễn viên chính xuất sắc - Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009

+ Nam diễn viên chính xuất sắc - Giải thưởng Ðài Tiếng nói Việt Nam 2007

Ngoài ra, Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu còn giành nhiều huy chương vàng tập thể (3 huy chương vàng tập thể được quy đổi tương đương 1 huy chương vàng cá nhân nếu giữ vai chính).

 

Quang Viện

  • Từ khóa