Thứ 7, 10/08/2024, 04:15[GMT+7]

Giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của môn vật

Thứ 2, 19/10/2015 | 12:46:47
1,625 lượt xem
Xa xưa, dưới thời phong kiến, các tướng lĩnh thường dùng đấu vật để luyện quân sĩ và chọn ra nhân tài. Trải qua những tiếp biến về không gian, thời gian, ngày nay, vật vẫn được duy trì, phát triển, là môn thể thao thu hút nhiều người tham gia.

Một trận đấu của các đô vật nam thiếu niên tại giải vật tự do năm 2015 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

 

Giải vật tự do năm 2015 được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong 2 ngày tại lễ hội đền A Sào (xã An Thái, Quỳnh Phụ) với sự tham gia của gần 70 đô vật đến từ Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh, 8 huyện, thành phố trong tỉnh và 5 huyện của tỉnh Hà Nam. Các đô vật thi đấu ở 15 hạng cân, trong đó có 12 hạng cân của nam thanh niên và nam thiếu niên, 3 hạng cân của nữ thanh niên. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau lễ khai mạc, các tầng lớp nhân dân đủ mọi lứa tuổi đến xem và cổ vũ rất đông. Từ lúc các đô vật lên sới bắt đầu màn xe đài đến khi vào cuộc đấu, trong tiếng trống rộn rã, tiếng khán giả cổ vũ náo nhiệt, từng tràng pháo tay giòn giã vang lên. Mặc dù tiết trời nắng song xung quanh sới vật lúc nào cũng chật kín người.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong số rất nhiều giải thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm, vật luôn là một trong những giải thu hút nhiều người xem nhất. Ðây là môn thể thao có tác dụng tăng cường sức khỏe, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, đạo đức, cũng là một trong những môn thể thao thành tích cao đem lại nhiều huy chương cho tỉnh trong các kỳ đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian gần đây một số lò vật nổi tiếng trong tỉnh đã ngừng hoạt động nhưng bên cạnh đó có một số lò vẫn phát triển, thành lập được câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, là lực lượng nòng cốt trong giải vật của nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của môn thể thao dân tộc. Tiêu biểu như lò vật ở các xã Bình Ðịnh (Kiến Xương), Song Lãng (Vũ Thư), Phương Công (Tiền Hải), Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), Thái Hà (Thái Thụy)...

 

Tìm về Bình Ðịnh (Kiến Xương), chúng tôi được anh Trần Văn Hà, chủ nhiệm câu lạc bộ vật của xã cho biết: Câu lạc bộ vật của xã thành lập năm 2003, đến nay có hơn 20 thành viên. Thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tham gia giao lưu, đấu vật tại các lễ hội trên địa bàn các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải. Mặc dù thành viên ít song số thanh niên, thiếu niên trong xã biết vật, có thể tham gia đấu vật lên tới hàng trăm người không ngừng tăng lên do có sự tạo điều kiện giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Kiến Xương. Biết anh Hà đã từng giành huy chương bạc giải trẻ toàn quốc, từng có 2 năm là vận động viên môn vật của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh, Bình Ðịnh là lò vật nổi tiếng của tỉnh, mấy năm gần đây, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị tổ chức giải vật, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Kiến Xương thường nhờ anh Hà tuyển chọn, huấn luyện lực lượng tham dự. Mỗi năm, anh Hà dạy gần 20 đô vật nhí, trong đó một số cháu sẽ tham dự giải vật toàn tỉnh, các cháu còn lại sẽ là thế hệ kế cận, gìn giữ và phát huy môn vật tại địa phương.

 

Tây Tiến (Tiền Hải) cũng là một lò vật nổi tiếng của tỉnh. Ở đây, không có câu lạc bộ vật như ở một số xã nhưng môn vật vẫn được duy trì, gìn giữ bởi những đô vật trong dòng họ Phan ở thôn Nguyệt Lũ. Anh Phan Mạch Hoạch, một đô vật cho biết: Ðể rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn đam mê được thi đấu phục vụ khán giả, vào dịp đầu năm, mỗi khi các xã trong tỉnh có lời mời tham gia giải vật, một số anh em trong dòng họ Phan - là những người sinh ra trong gia đình có truyền thống vật thường tự tổ chức đi tham dự. Bên cạnh đó, các đô vật cũng thường truyền dạy cho con cháu trong gia đình, các cháu trong làng, trong xã nhằm góp phần giữ gìn môn thể thao truyền thống của dân tộc.

 

Mang đậm tinh thần thượng võ, góp phần làm phong phú cho các hoạt động của lễ hội truyền thống, môn vật vẫn đang “sống” trong đời sống nhân dân, được nhân dân ưa thích và được một số xã trên địa bàn tỉnh tích cực gìn giữ và phát triển với mục đích bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa