Thứ 4, 24/07/2024, 00:30[GMT+7]

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Gái - Đời dâu bể cùng điệu múa chân quê

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:34:15
1,103 lượt xem
13 tuổi theo mẹ biền biệt xứ người, trong cái đói rét, loạn lạc, tha phương cầu thực, bà là hiện thân kiếp người “cơm vãi, cơm rơi”, “một cổ hai tròng” thời đất nước lầm than, khổ cực dưới ách đô hộ của bè lũ thực dân, phong kiến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Duyên may đã giúp bà tìm được đường về quê nhờ âm hưởng của lời ca, điệu múa mộc mạc, chân tình mà người dân quê bà thường gọi là múa giáo cờ, giáo quạt.

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Gái (áo xanh, người thứ hai từ phải sang) trong một cấp múa giáo cờ, giáo quạt biểu diễn trong Ngày hội văn hóa thể thao truyền thống của tỉnh.

Sắp bước sang tuổi 87, bà kể vậy, vì bà cũng không biết đích xác mình sinh ngày tháng năm nào, chỉ biết mình cùng trang lứa với nhiều người khác trong làng. Bà đang vui, rất vui, cứ nhìn gương mặt phúc hậu, ánh mắt ngời sáng và nụ cười lành như đất quê của bà là biết. Bà cùng 4 người khác trong làng Giắng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể là những người có công lưu giữ và truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối nghệ thuật múa dân gian giáo cờ, giáo quạt.

Bà sinh ra tại làng Giắng, thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng), nơi cội nguồn của điệu múa giáo cờ, giáo quạt. Tương truyền, vào đời vua Trần Huệ Tông, cách nay hơn 600 năm, có vùng đất rộng, trù mật thuộc phủ Long Hưng thu hút sự chú ý của các vương hầu quý tộc nhà Trần, trong đó có 3 nàng công chúa là Quý Minh, Bảo Thoa và Quang Ánh. Truyền thuyết kể rằng: Sau khi lập ấp, dựng làng, công chúa Quý Minh đã dạy dân làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và múa hát mỗi khi xuân về. Dần dần, làng Giắng có hội xuân vào ngày mồng 4 tết. Điệu múa giáo cờ, giáo quạt chính là do công chúa Quý Minh truyền dạy cho dân làng. Múa giáo cờ, giáo quạt là hình thức múa tập thể, kết hợp với múa đôi, nội dung miêu tả tâm trạng của một cô công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha. Lúc còn lẫm chẫm, bà thường hay theo mẹ ra đình Giắng xem múa. Âm hưởng điệu múa cứ ngấm dần vào huyết quản của bà để rồi mới lớn lên một chút bà đã gia nhập đội múa của làng. Lúc ấy, bà chỉ được cùng lũ ấu nhi tham gia cấp đứng cửa đình. Thời ấy, thôn Thượng Liệt là vùng đất trù phú lâu đời, mỗi khi tết đến, xuân về thường tổ chức hội hè, vui chơi. Nhưng rồi, Nhật - Pháp tràn đến, cướp bóc, đô hộ; trong làng, cường hào, gian ác nổi lên. Cũng giống cảnh bao làng quê khác của tỉnh trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều gia đình trong làng lâm vào cảnh ly tán, ruộng đất rơi vào tay địa chủ; đói rách, sưu cao, thuế nặng, dân bỏ làng tha phương. Điệu múa cũng chìm trong bóng đêm nô lệ.

Đình Giắng - nơi tổ chức diễn xướng múa dân gian giáo cờ, giáo quạt từ thuở lập làng đến nay.

Bà chỉ còn nhớ láng máng là theo mẹ đi bộ vào xứ Thanh. Ở đây không được lâu thì mẹ bà mất. Một mình bơ vơ nơi xứ người, bà đi ở cho nhà giàu. Văng vật hết nhà nọ sang nhà kia, một hôm, bà gặp một người đàn ông bị thương, hình như đó là một người vừa ở chiến trường về. Bà lân la giúp đỡ. Lúc tỉnh, người đàn ông bị thương gọi cô bé đến hỏi thăm. Bà khóc vì bà không biết mình quê ở đâu. Rồi bà kể cho người đàn ông bị thương nghe về ký ức làng quê, về một điệu múa dân gian mà bà từng múa. Bà đọc câu vè do mẹ bà truyền dạy: "Đại tang thì chớ/Tiểu cớ thì đừng/Con gái chưa chồng/Thì được vào múa…". Nghe xong, người đàn ông xoa đầu bà và dặn bà đừng đi đâu, ông ra ngoài quê sẽ mách người vào đón. Rồi chờ mong của bà thành hiện thực. Một ngày đẹp trời, ông chú ở quê lặn lội vào xứ Thanh, đến đúng nhà bà đang ở đợ xin đón bà về quê. Lúc này bà mới biết người cha sinh ra mình cũng đã mất.

Cấp múa giáo cờ, giáo quạt.

Về quê, gặp lại những người bạn cùng trang lứa, gặp lại cảnh xưa, người cũ nhưng nỗi buồn da diết khi bà không còn mẹ, còn cha. Với bà, cuộc sống đầy khó khăn, không cha, không mẹ, bà sống với người thân trong nội tộc. May thay, có điệu múa ngấm vào huyết quản từ lúc lọt lòng khiến bà quên đi nỗi buồn đau. Cứ mỗi độ xuân về, làng Giắng lại mở hội, điệu múa dân gian lại được bà và các bạn, các em kế tiếp cùng các bà, các mẹ trong làng diễn xướng.

Theo lẽ tự nhiên, bà gặp người con trai trong làng hết mực yêu thương. Hai người nên duyên vợ chồng. Đất nước vẫn còn chiến tranh, chồng bà tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Bà ở lại quê nhà chăm lo cấy cày, nuôi con, xây dựng hậu phương vững chắc. Các con bà lớn lên trong vòng tay ấm áp chở che của mẹ. Bà truyền dạy cho các con hơi thở của điệu múa. Sau này, trong số những người con của bà, người con gái thứ hai đã trở thành nghệ sĩ. Chị công tác trong ngành văn hóa, trưởng thành và được bổ nhiệm làm giám đốc một trung tâm văn hóa cấp tỉnh. Mấy đứa cháu nội, cháu ngoại của bà đều biết múa và thông hiểu điệu múa dân gian giáo cờ, giáo quạt. Cùng các bà, các mẹ trong làng, bà không mệt mỏi tham gia diễn xướng múa giáo cờ, giáo quạt. Mấy chục năm, bà tham gia diễn xuất, "đứng" đủ 36 cấp múa. Năm tháng trôi đi, giờ tuy đã bước sang tuổi "bóng hạc chiều hôm" nhưng nhiệt huyết về một điệu múa có một không hai vẫn chảy, chảy mãi trong huyết quản của người phụ nữ ấy.

Quang Viện

  • Từ khóa