Chủ nhật, 24/11/2024, 18:10[GMT+7]

Người nâng hồn chèo Khuốc

Thứ 2, 28/12/2015 | 09:22:01
4,287 lượt xem
Nghệ nhân ưu tú Hà Quang Tiết sinh ra ngay tại làng Khuốc, năm nay ông tròn 82 tuổi. Thân phụ ông là cụ Hà Quang Bổng, vốn là một nhạc công nổi tiếng của chiếu chèo làng, gia nhập quân đội năm 1946 rồi trở thành nhạc công xuất sắc của Đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, từng được đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ…

Nhiều diễn viên trẻ của Nhà hát chèo Thái Bình được ông Hà Quang Tiết truyền dạy những “ngón” nghề chèo truyền thống.

 

Ông là người chịu ảnh hưởng trực tiếp vốn âm nhạc của chèo từ thân phụ và âm hưởng điệu chèo Khuốc ngấm vào máu những người con của làng chèo này. Có điều, mọi người say hát chèo, diễn chèo, còn thân phụ ông, ông và sau này là lớp con cái của ông lại chọn con đường âm nhạc chèo, nơi góc khuất của chiếu chèo, nơi mà không mấy người để ý, cứ thế để rồi được say sưa, ngất ngây với những cung bậc âm thanh, tạo nên sắc thái riêng của chiếu chèo làng Khuốc.

Làng Khuốc, còn gọi là Cổ Khúc, nay thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng. Thời Trần, làng mang tên Khúc Thủy, tức là "nước lượn vòng". Thuở lập làng, cư dân sống trên những gò đống bao quanh một vụng lớn. Sau này, Khuốc thành một làng to, đông dân, lắm ruộng, kinh tế, văn hóa phát triển. Làng Khuốc có nhiều người khoa cử, thi đậu nhất, nhì trường nổi tiếng hay chữ về làng dạy học như các vị Phạm Văn Khang, Phạm Văn Luận, Đặng Văn Thỉnh, Cao Kim Trác, Cao Kim Phượng…Cư dân nhiều dòng họ về đây tụ hội nhưng đáng nói nhất vẫn là các dòng họ có thế lực như: Cao, Quách, Phạm, Hà… Dân làng Khuốc có tiếng hiếu học, giao lưu rộng, được triều Nguyễn sắc phong "Mỹ tục khả phong" và đến thời Bảo Đại được gia phong "Thuần phong Mỹ tục". Các cụ cao niên trong làng kể lại, khoảng giữa thế kỷ XIX, nghe nói làng Cổ Khúc có phường chèo ông Trùm Điều, tuy có mấy kép: Kép Kiều, Kép Chỉnh, Kép Huy, Kép Duyệt, Kép Quát kéo nhị, thổi sáo cùng một số người đánh trống, gõ thanh la nhưng phường cũng có hai trò được bà con làng xóm và cả mấy làng lân cận rất khen, đó là trò Trương Viên và trò Lưu Bình Dương Lễ. Kép Trác vốn thư sinh thi đậu nhị trường vừa dạy trẻ làng bên học chữ Hán kiêm nghề bốc thuốc, khi diễn chèo nhập vai thư sinh rất tốt. Cuối đời, sản nghiệp kha khá, sẵn tính thích văn nghệ, lại học hỏi rộng, cụ Trác đứng ra hỗ trợ phường hát chèo trong làng, sắm thêm đồ nghề diễn xướng, tuyển thêm nghệ nhân, tu chỉnh bản trò cũ, tìm thêm trò mới. Cứ thế, chèo Khuốc phát triển. Dòng họ Hà tuy không thế lực nhưng các cụ rất trọng văn hóa. Cụ ông Hà Quang Bổng say chiếng chèo nên mời thầy về dạy tại nhà. Ông Tiết là con lớn của cụ cũng học mót được ít ngón nghề. Lớn lên, âm hưởng của chèo làng cứ bám riết lấy ông. Năm 1953, ông gia nhập quân đội, trong quân ngũ, thỉnh thoảng đơn vị diễn văn nghệ, ông tham gia nhiệt tình, những điệu chèo cổ ông học được lúc còn ở làng, diễn vui ai nấy đều thích. Đến năm 1956, ông xuất ngũ trở về địa phương. Về chưa nóng chỗ, ông đã tìm người gióng dựng lại đội chèo. Đội chèo làng hàng đêm tập luyện và biểu diễn dưới ánh trăng tại sân nhà ông, bởi đất nước còn chiến tranh, kinh tế nghèo nàn. Nhưng, lời ca, điệu đàn, tiếng trống chèo thúc giục làm xốn xang cả làng quê nhỏ bé. Mọi người vui vẻ làm ăn. Rồi một lần lên Thái Nguyên gặp bạn chiến đấu cũ, thấy đoàn chèo tỉnh này tuyển diễn viên, nhạc công, vui bước, ông vào tuyển thử, ai ngờ đoàn tuyển ông ngay. Nhận quyết định vào Đoàn chèo Thái Nguyên, lòng ông bâng khuâng, khó tả. Vậy là số phận đã đưa ông đi từ cái nôi của chèo Thái Bình đến vùng đất lạ, mang theo vốn chèo cổ quý giá gieo nơi xứ người.

Cống hiến cho Đoàn chèo Thái Nguyên 20 năm, năm 1981, ông về mất sức. Về quê, bâng khuâng gặp lại cảnh xưa, người cũ, ông tìm bạn chèo, quyết tâm gây dựng đội chèo làng Khuốc đủ sức đi biểu diễn mọi nơi. Với nhiệt huyết và vốn hiểu biết khi lưu diễn cho Đoàn chèo Thái Nguyên, ngoài việc đi tìm bạn diễn, ông còn miệt mài nghiên cứu cách điệu tích trò diễn cổ sao cho phù hợp với nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của nhân dân. Có kiến thức nhạc lý cơ bản do được đào tạo qua các lớp tập huấn thời công tác tại Đoàn chèo Thái Nguyên, ông khai thác triệt để thế mạnh của chèo Khuốc. Về cơ bản, chèo cổ không dựa hẳn vào nhạc lý mà chân truyền theo kiểu "bẻ làn, nắn điệu". Vở chèo cổ "Từ Thức gặp tiên" đã được ông biến thể, sau lần biểu diễn tại sân nhà văn hóa xã mọi người nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là món quà tinh thần vô giá động viên ông tiếp tục cống hiến cho chèo.

Ông kể, nhạc chèo đậm màu sắc, mỗi nhạc cụ có một màu sắc riêng, có lối diễn tấu và sức truyền cảm riêng. Các nhạc cụ thể hiện xu hướng gần gũi với giọng hát. Âm thanh mỗi nhạc cụ thể hiện tiếng nói riêng, được tấu lên trong không gian hòa quyện, lung linh của sân khấu như mời gọi người nghe, cái tấu trước, cái tấu sau, khi hòa quyện, lúc tách nhánh, chuyển động nhịp nhàng. Ông bảo, giọng diễn viên nữ hợp với âm thanh tiết tấu của nhị, vì thế, khi giọng chèo nữ không may xuống âm không vớt lên được, người nhạc công kéo nhị phải nhanh chóng "nắn" điệu rước giọng lên bằng "ngón" luyến láy, réo rắt liên hồi giúp cho âm điệu hòa quyện bắt nhịp chèo. Với giọng nam, Líu (nhị 2) rất hợp, khi diễn, người nhạc công cần quan sát và nghe cho tinh, khi giọng muốn luyến lên thì Líu là trợ thủ đắc lực. Còn trống chèo, ông bảo, "phi trống bất chèo", thế nên, khi làng diễn chèo, ông lại đóng vai "nhạc trưởng" giữ nhịp phách chèo bằng tiếng trống. Ông cười vui, đôi mắt nheo nheo như đang mường tượng lại không khí vui, vỡ òa như điệu hát "vỡ nước" mở màn cho buổi biểu diễn trước cửa đình rồi ông buông câu nói hóm hỉnh: "Vụng chèo thì phải khéo trống".

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đi vào cuộc sống, ông là người tiên phong viết nhiều kịch bản cho chèo, trong đó có vở kịch "Ngày trở về" viết về những người lính Cụ Hồ trở về quê sau những năm tháng chiến đấu gian khổ. Nơi quê nhà, cảnh "vợ yếu, con đông chưa hết nghèo", người lính không chịu khoanh tay, bó gối, tiếp tục chiến đấu trên trận tuyến mới là phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Vở chèo dài 45 phút trên nền nhạc điệu chèo cổ được ông khai thác và phát triển, nâng tầm nghệ thuật như truyền thêm nghị lực cho những người lính, động viên, cổ vũ nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương. Khi tấm màn nhung hạ xuống, tiếng trống "vãn trò" vang lên, những tiếng vỗ tay tán dương, những bó hoa chúc mừng và cả những bằng khen, giấy khen, huy chương… nhưng trong góc khuất của đêm diễn có một người âm thầm lặng lẽ dốc hết tâm tư cho nhạc chèo mà không để ý đến ánh hào quang, đó là ông, người nghệ sĩ tài hoa, người nâng hồn cho chèo Khuốc.

Cuộc đời say nghiệp chèo, ông đào tạo được nhiều diễn viên, nhạc công cả chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó các con ông đều theo nghiệp chèo. Con trai cả của ông là nhạc công Đoàn chèo Thái Nguyên, con gái thứ hai hiện là giảng viên dạy đàn tranh tại Đại học Sư phạm nhạc họa trung ương. Hai người con trai kế tiếp, một là nhạc công Nhà hát chèo Việt Nam, một là nhạc công Đoàn chèo Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh

Ông là hạt giống quý còn sót lại ở nôi chèo truyền thống. Ông có thế mạnh về nhạc lý hiện đại kết hợp với vốn chèo cổ "chân truyền". Ngoài kiên trì lưu giữ vốn chèo cổ, ông còn biết cách "bẻ làn, nắn điệu" cho phù hợp với từng hoạt cảnh thời hiện đại, làm nên một tính cách riêng cho chèo làng Khuốc. Trong khi mọi người đổ xô làm ăn kinh tế thì ông lại cố gắng níu kéo cho chiếu chèo làng Khuốc qua lúc thăng trầm; khi người đời không quan tâm đến "dân ca, dân vũ" thì ông lại tự nguyện làm cái gạch nối giữa thế hệ các nghệ nhân gạo cội của làng với lớp cháu con còn nặng lòng với nghệ thuật truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh

Ông là người có công lớn trong việc dung dưỡng đội chèo làng Khuốc. Ông là nhạc công, say nghề, sống giản dị, khiêm nhường nhưng rất hiểu tích trò trong nghệ thuật chèo truyền thống. Ông ân cần chỉ bảo các thế hệ tiếp nối với mong ước cháy bỏng là không để mai một vốn chèo cổ. Ông là người đưa chiếu chèo làng Khuốc một thời mai một trở lại sân đình.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát chèo Thái Bình

Không riêng gì với nhạc công, với nghệ thuật diễn xướng của chèo, ông tận tình chỉ bảo các diễn viên Nhà hát chèo Thái Bình khi đi thực tế học hỏi kinh nghiệm lưu truyền của các cụ ở làng Khuốc. Một lần nghe các diễn viên trẻ hát ngân chệch âm "i" sang âm "e" theo lối hát chèo Hà Nội, ông đã ân cần chỉ bảo, tha thiết đề nghị các em phải giữ bằng được vốn cổ chèo Thái Bình. Ông nói mộc mạc rằng, quê mình nghèo, mộc mạc, chân quê nên câu hát chèo cũng mộc mạc, chân tình nhưng chứa chan tình cảm, đó mới là bản sắc chèo Thái Bình.

Quang Viện

  • Từ khóa