Nguyên Ngọc: Ðôi tay truyền thần trời phú
Khởi nghiệp từ... thuở còn thơ
Ông là Ðỗ Nguyên Ngọc, người làng Long Bối, xã Ðông Hợp (Ðông Hưng). Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kim hoàn, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Ngọc đã được quan sát cách ông và cha chạm trổ trên vàng bạc, trang sức. Những đường nét tạo hình ấy cứ ngấm dần vào tâm trí khiến cậu mê mẩn với môn nghệ thuật “đường nét” tự lúc nào. Ngọc cầm bút vẽ, vẽ rất đẹp, nhưng khác với những hình họa ngô nghê của tuổi nhỏ, Ngọc lại thích vẽ tranh truyền thần, một thể loại tranh rất kén người thực hiện. Hàng ngày, Ngọc vẽ tranh cho người già trong xóm. Mới 12 tuổi mà cậu đã kiếm được những khoản tiền đầu tiên từ nghề độc đáo của mình. “Những bức tranh ấy bây giờ vẫn còn được các gia đình dùng để thờ người đã khuất” - ông Ngọc tâm sự. Vẽ được tranh truyền thần, Nguyên Ngọc nảy ý định làm tượng truyền thần. Vốn được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, lại nắm được kỹ nghệ của nghề chạm khắc vàng bạc, việc làm tượng truyền thần đối với Nguyên Ngọc cũng “nhàn tênh”. Ông bảo: Nảy ra ý định, tôi bắt tay vào làm ngay lập tức, không gặp khó khăn gì mà còn thành công ngoài mong đợi. Vậy là vẽ truyền thần và đắp tượng trở thành cái nghiệp của Nguyên Ngọc, song hành cùng ông cho đến tận bây giờ.
Ðời và nghiệp
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ở quê lúa có rất ít hiệu ảnh, chi phí chụp ảnh lại cao nên nghề vẽ tranh truyền thần của ông được nhiều người ưa chuộng. Dấu chân Nguyên Ngọc đặt lên hầu hết các vùng đất của Thái Bình. Hễ ông dừng lại ở đâu là người dân ở đó mời vẽ, có người muốn vẽ chân dung chính mình để khi ra đi có bức ảnh thờ, có người muốn vẽ ảnh cho cha mẹ đã khuất nhưng nhiều nhất vẫn là những bức ảnh liệt sĩ. “Giữa thời chiến mà, bao thanh niên, trai tráng ra đi rồi... từ đó không về. Có người chụp được ảnh trước ngày ra trận, có người không, có người có ảnh chụp nhưng ảnh mốc, không dùng được, cũng có những người chẳng có tấm ảnh nào lưu lại. Tôi đã vẽ không biết bao nhiêu bức truyền thần bằng ký ức của người đang sống, bằng những giọt nước mắt xen nỗi xót xa, mỗi bức tranh là một câu chuyện, chỉ là vẽ thôi mà thấy bao nhiêu đắng cay, khốc liệt mà chiến tranh mang lại”.
Bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, hiệu ảnh xuất hiện ngày một nhiều, vẽ tranh chân dung không còn giữ được chỗ đứng như xưa nữa. Tuy nhiên, nghề đắp tượng truyền thần lại có chiều hướng phát triển mạnh hơn. Từ đó đến nay, người ta biết đến Nguyên Ngọc qua công việc “trông ảnh tạc”.
Ðối với Nguyên Ngọc, việc tạo ra “bản sao” của một người đơn giản lắm. Chỉ với cái bút khắc, bút vẽ với xi măng hay thạch cao là có thể làm nên tượng. Nhưng khi trực tiếp nhìn ông làm mới thấy hết sự cầu kỳ, tỷ mỷ khi ông dồn sức cho tác phẩm. Phải đắp, vẽ làm sao để bức tượng mang được cái thần thái của nhân vật mẫu là điều quan trọng nhất. Những nét mặt gồ ghề, nhăn nheo cũng không được xóa nếp bởi chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng có thể làm thay đổi sắc diện con người. “Tôi còn nhớ lần ấy làm tượng cho một cụ già, cụ ấy móm, miệng còn duy nhất một chiếc răng, khi ngậm miệng răng lộ ra ngoài. Cậu con trai ở nhà yêu cầu khi đắp thì bỏ chiếc răng ấy đi cho cụ “đẹp”. Vài ngày sau, cậu khác ở xa về, đến nhà tôi bắt đền bảo không giống mẹ của anh ta. Tôi bình tĩnh bóc lớp giấy che răng bà cụ, thế là anh ta mới tâm phục khẩu phục, cảm ơn tôi rối rít” - ông Ngọc kể.
Ông Trần Trọng Tuệ ở khu Ðống Năm, xã Ðông Ðộng (Ðông Hưng) - một khách hàng thân thiết của ông Ngọc cho biết: Ông Ngọc đắp tượng rất tài. Cách đây hai năm, tôi có nhờ ông dựng tượng hai cụ thân sinh ra tôi. Khi đặt trong nhà, ai đến cũng đều khen tượng rất giống người thật. Sau khi tôi dựng tượng các cụ, bên ngoại nhà tôi ở Nam Ðịnh cũng gửi ảnh qua nhờ ông đắp thêm mấy bức tượng nữa”.
Hành trình tìm đến nghệ nhân Ðỗ Nguyên Ngọc của anh Trần Xuân Chính ở Ðông Dương (Ðông Hưng) lại đặc biệt hơn một chút. Anh đã từng đúc hai bức tượng đồng tặng cha mẹ nhưng khi mang về tất cả mọi người đều nói tượng đó là... tượng danh nhân. Anh quyết định đi làm lại tượng. Gặp ông Ngọc, anh chỉ dám đắp “thử” một bức vì lo kết quả không như ý. Ấy vậy mà khi nhận tượng về, anh vô cùng kinh ngạc trước sự chân thực mà ông Ngọc tạo nên. Anh yêu cầu dựng tiếp bức tượng thứ hai. Cho đến nay, danh tiếng của ông Ngọc không chỉ bó hẹp khu vực nội tỉnh mà nhiều người ở các tỉnh xa như Lai Châu, Vĩnh Phúc, thậm chí Thành phố Hồ Chí Minh cũng biết tới và gửi ảnh về nhờ ông đắp tượng.
Không chỉ dựng tượng truyền thần, ông Ngọc cũng rất thành công trong lĩnh vực đắp vẽ trang trí như dựng phù điêu, đắp hộ pháp, làm tường hoa...Ông đã góp công sức trong việc phục dựng chùa Ðồng (thôn Bến Hòa, xã Ðông Ðộng), chùa Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ), đền Ðình Bái (xã Ðông Hợp, Ðông Hưng)... Mỗi tác phẩm của Nguyên Ngọc đều được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, nét tinh xảo và sự tinh tế trong cách truyền tải tinh thần thông qua ngôn ngữ đường nét.
Gần 70 tuổi đời, đôi chân của người nghệ nhân giờ đây không còn theo đuổi những chuyến hành trình xa xôi nữa nhưng đôi bàn tay tài hoa dường chưa bao giờ muốn ngơi nghỉ. Với Nguyên Ngọc, nghệ thuật là cái duyên, cái nợ đa mang, là cả tâm hồn ông gửi gắm vào trong đó, để rồi trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi của cuộc đời vẫn còn đó một Nguyên Ngọc - một viên ngọc vẹn nguyên, sáng mãi với bộ môn nghệ thuật “nhập hồn”.
THU HIỀN
Đông Tân, Đông Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Phật tử khắp nơi đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm cung rước Xá lợi Đức Phật 14.05.2025 | 08:28 AM
- Làng quê thu nhỏ qua từng góc tiểu cảnh 25.03.2025 | 15:07 PM
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì? 07.02.2025 | 08:43 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam