Thứ 6, 22/11/2024, 14:42[GMT+7]

Miếu Hai Thôn: Chứng tích tình yêu qua 15 thế kỷ

Thứ 2, 11/04/2016 | 09:48:40
6,281 lượt xem
Có niên đại hơn 300 năm, miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn mang giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Ðây là nơi Lý Bí đã chiêu mộ nghĩa sĩ, dấy binh đánh tan giặc ngoại xâm, lên ngôi hoàng đế, lập ra nước Vạn Xuân, đồng thời cũng là nơi lưu giữ chứng tích tình yêu sâu sắc của vua Lý Nam Ðế và hoàng hậu Ðỗ Thị Khương.

Miếu Hai Thôn có niên đại hơn 300 năm.

 

Truyền thuyết về đất thiêng

 

Miếu Hai Thôn là công trình tín ngưỡng được khởi dựng từ thế kỷ thứ VI để thờ vua Lý Nam Ðế và hoàng hậu Ðỗ Thị Khương. Theo truyền thuyết, Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, sinh năm 503, từ nhỏ đã là cậu bé thông minh. Cha mẹ mất sớm, Lý Bí lớn lên nhờ chú ruột và nhà chùa nuôi dưỡng nhưng vẫn chăm chỉ đèn sách. Nhờ văn võ song toàn, ông được tôn làm thủ lĩnh địa phương, được Tiêu Tư (nhà Lương) mời ra làm quan nhưng căm giận Tiêu Tư tham tàn bạo ngược, thương dân vừa bị vơ vét tận cùng vừa bị quân Lâm Ấp vào cướp phá, Lý Bí đã từ quan về trang An Ðể, hương Thái Bình chiêu mộ nghĩa sĩ, dày công tập luyện chuẩn bị đánh giặc. Cuộc khởi nghĩa diễn ra rộng khắp lãnh thổ vào mùa xuân năm 541. Trong ba năm, Lý Bí tiến binh từ đất Thái Bình về đánh tan quân Lương và Lâm Ấp, giải phóng Long Biên. Tháng Giêng năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Việt Ðế, thành lập nước Vạn Xuân. Theo truyền thuyết, khi vua Lý Nam Ðế lần đầu tiên tới trang An Ðể, thấy thế đất, cồn đống quy về, sông ngòi uốn khúc “long hổ hoàn bão”, qua thị sát thấy nhân dân no đủ, phong tục thuần hậu liền cho lập lũy, đóng quân tập luyện. Một lần, Lý Nam Ðế đi tuần du, mặc cho lính tráng quát tháo, người con gái xinh đẹp vẫn cắt cỏ, tay lại giơ liềm mà hát: “Tay cầm bán nguyệt giật vào/Muôn ngàn hoa thảo biết vào tay ai”. Lý Nam Ðế cảm mến tinh thần ung dung, tự tại của người con gái, hỏi ra mới biết đó là nàng Ðỗ Thị Khương, ngọc nữ của cụ Ðỗ Công Cẩn làm nghề dạy học và bốc thuốc. Lý Nam Ðế xin kết duyên với Ðỗ Thị Khương, sau khi lên ngôi đã tấn phong nàng làm hoàng hậu.

 

 

Sắc phong vua Tự Ðức ban cho nhân dân địa phương được sử dụng các nghi thức quốc lễ trong việc phụng thờ đức vua Tiền Lý.

 

Mũ vua, một trong những di vật cổ của miếu Hai Thôn từng bị lấy cắp và được trả lại.

 

Dã sử truyền thuyết ở Thái Bình và hương Màn Ðể truyền lại rằng, vì yêu chồng, nàng Khương tuy là thân gái nhưng vẫn huy động nghĩa sĩ, nhân dân đắp đồn lũy giúp chồng chống giặc. Lũy Hồ chạy từ miếu Hai Thôn vòng qua chùa Ông Lâu sang đến tận đầu thôn An Ðể, dài gần 1km, hiện vẫn còn triền đất chạy vòng cung, trên là dải đất cao giống như chiến lũy, ngoài có chiến hào, lũy đắp trên nền đất chèn bằng đất sét, vỏ sò. Lũy bao quanh tư thất vua, tức vị trí miếu Hai Thôn ngày nay. Khi vua băng hà, thế kỷ thứ VI, nhân dân sửa sang phủ đệ cũ thành đền miếu, thờ vua và hoàng hậu, tuy nhiên dấu vết ngôi miếu xưa không còn. Miếu Hai Thôn hiện nay được nhân dân xây dựng từ cuối thế kỷ XVII với nhiều nét kiến trúc cổ độc đáo, được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1986.

 

Bảo tồn và tôn tạo di tích

 

 

Bức phù điêu hàng trăm năm tuổi với nhiều nét chạm trổ tinh xảo được lưu giữ tại miếu.

 

Với niên đại hơn 300 năm, miếu Hai Thôn mang đậm dấu ấn thực thể văn hóa làng xã, kiểu dáng kiến trúc với mặt bằng chữ “tam” gồm 3 hạng mục tiền tế, trung tế và hậu cung. Ngoài hệ khung cột, bộ vì, bao che, hệ mái được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, miếu có những mảng chạm mang phong cách nghệ thuật độc đáo như hình rồng, phượng, lân, vân xoắn, lá lật… chạm nổi trên ván gỗ, hình nghê với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Ðặc biệt, trong miếu còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tranh thờ bằng gỗ vẽ phủ sơn ta miêu tả cảnh vua Lý Nam Ðế cùng hoàng hậu ngồi oai nghiêm trên ngôi cao trước sự đón rước của hai hàng quan văn, võ. Ðây được coi là bức tranh cổ đẹp nhất của đất Thái Bình, được xếp trên tranh Thập nhị tiên thánh ở đình Lộng Khê (Quỳnh Phụ), tranh Bùi Thị Giác ở xã An Cầu (Quỳnh Phụ). Ngoài ra còn có hoành phi, câu đối, ngai thờ, hương án, chuông đồng, sắc phong thời Nguyễn… Cùng với hiện vật quý, hàng năm, miếu Hai Thôn duy trì lễ hội Vạn Xuân với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính với những anh hùng có công dựng nước, giữ nước.

 

 

 Nghi lễ rước kiệu của người dân thôn Phương Tảo (xã Xuân Hòa) và thôn An Ðể (xã Hiệp Hòa) tại lễ hội.

 

Ðồng chí Ðỗ Ngọc Trai, Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Hòa cho biết: Là di tích quốc gia có ý nghĩa về cả lịch sử và văn hóa, những năm qua, miếu Hai Thôn đã từng bước được quan tâm đầu tư: năm 1976 được tu bổ hệ mái; năm 1999 - 2000 tu sửa nhỏ; năm 2012, Nhà nước đầu tư 150 triệu đồng nâng cấp sân, vườn, chân cột. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những sửa chữa nhỏ, chưa bảo đảm được yêu cầu dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục công trình xuống cấp, mối mọt gây hại hầu hết phần gỗ. Các sắc phong thời Nguyễn bị mục nát do không được bảo quản đúng cách. Miếu chỉ có thủ từ và bà con nhân dân tự cai quản mà không được đầu tư ngân sách cho người trông coi, bảo vệ chuyên trách nên thường xuyên bị kẻ gian lấy trộm các hiện vật cổ quý hiếm như câu đối, đại tự, ngai cổ, phù điêu, sắc phong… Gần đây nhất, trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016, miếu đã bị trộm cắt khóa lấy một số câu đối, đại tự cổ.

 

Ðể bảo vệ và từng bước nâng cấp Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia miếu Hai Thôn, vừa qua, UBND huyện Vũ Thư đã triển khai nhiều giải pháp trùng tu, tôn tạo ngôi miếu. Theo đồng chí Lưu Huyền Ðức, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, hiện huyện đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết dự án nâng cấp miếu Hai Thôn. Trước mắt, năm 2016 sẽ đầu tư 800 triệu đồng xây dựng nhà khách, trùng tu tôn tạo một số hạng mục như gian tiền tế, trung tế, hậu cung, tiến hành diệt mối… Về lâu dài, huyện cũng đã xây dựng phương án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khuôn viên tường bao cho toàn bộ di tích, bao quanh toàn bộ lũy Hồ xưa rộng gần nửa cánh đồng, đúng như vốn có trước đây.

 

 

Nghi thức cúng tế lợn sống dâng thánh tại lễ hội Vạn Xuân (miếu Hai Thôn).

 

Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ sau, miếu Hai Thôn còn là chứng tích thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân về một tình yêu sâu sắc, chân thành tồn tại qua 15 thế kỷ.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa