Thứ 6, 25/07/2025, 10:59[GMT+7]

Sống mòn với đam mê

Thứ 3, 12/07/2016 | 09:18:01
899 lượt xem
Nếu như nhân vật Hộ trong “Ðời thừa” là bi kịch của trí thức nghèo trong xã hội cũ bị giằng co giữa cơm áo gạo tiền, những tủn mủn của cuộc sống cùng quẫn và lương tâm con chữ thì ở đây có một “lão say” Ro cả đời trăn trở với chèo. Cũng như Hộ, ông mong ước sáng tạo ra “những tác phẩm thật sự có giá trị, vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn bằng cách đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” mà trên hết là giữ gìn những giá trị truyền thống.

Tuy đã từng đốt đi những kỷ vật nhưng “lão say” vẫn luôn đau đáu một nỗi lo với chèo.

 

50 năm vò võ một hành trình

 

Ðến làng Khuốc (xã Phong Châu, Ðông Hưng) một chiều tháng sáu, bên gốc cây bồ đề giữa làng một vài người đi làm đồng về dừng chân nghỉ mát. Khi tôi hỏi thăm nghệ nhân Bùi Văn Ro, chủ nhiệm câu lạc bộ chèo Khuốc, một cô má còn hây hẩy vì vừa gặt xong hai sào lúa nhiệt tình đáp lời: “Làng này có ai không biết đến “lão say” Ro, người đàn ông cả đời “lái” chèo trên chiếc xe đạp…”. Nói rồi chị chỉ tay về phía con đường chạy dọc xuống bờ sông sắp phủ đầy bèo tím: Ðấy, đường về nhà ông đó, chắc giờ này ông ấy đang ở ruộng chứ chưa về nhà đâu.

 

Quả thật, phải đến lần thứ ba tôi mới gặp được ông, đó là lúc ông đang chuẩn bị dàn thóc ra phơi. Hai lần trước, nếu không phải ông bận “việc làng, xã” thì cũng bận đi dạy chèo. Chỉ câu trước, câu sau, người đàn ông ngoài lục tuần ấy đã bộc lộ mình đích thị là “dân diễn xướng”. Ðôi cánh tay ông gân guốc săn chắc nhưng đôi bàn tay lại dẻo đến lạ kỳ. Ánh nhìn xa xăm, ẩn giấu nỗi buồn u uẩn, miệng cười mà như thinh không. Thỉnh thoảng, đôi bàn tay lại đưa lên như múa. Tôi cảm nhận được phía sau sự rắn rỏi, sau những vết chai trên đôi bàn tay lam lũ thuần nông là cái chất lãng tử, cái máu văn nghệ đã ngấm sâu trong huyết mạch. Tay gõ mặt bàn, ông Ro cất giọng hào sảng: “…Dáng người hào kiệt… ì ơi… à… tình tình tình… chát… À ơi… à… à ơi… ơi… A à… dường này…”

 

Ông kể cho tôi nghe về thời ông mới 16 tuổi, bén duyên với chèo nhờ sự chỉ dạy của bác ruột là nghệ nhân Bùi Văn Ca. Năm 21 tuổi, Ro chính thức lên sân khấu với vai ông lão say rượu trong trích đoạn chèo cổ “Lão say” và giành huy chương vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thái Bình năm 1972. Danh xưng “lão say” gắn với ông từ đó. Năm 1976, vào vai quan ba Pháp độc ác trong vở “Hương thiên lý”, khi đi diễn ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái), ông nhập vai thành công đến mức có khán giả căm thù không chịu nổi đã chửi tục thẳng mặt “quan Tây” và bắn hòn đá vào mặt “quan” bằng súng cao su. Ban đầu ông cứ tưởng do mình diễn dở nên mới bị bắn, sau hỏi ra mới biết do diễn nhập vai quá, chạm đến cảm xúc khiến người ta phẫn uất.

 

Sau đó, ông vừa tiếp tục đi diễn vừa là thầy dạy chèo cổ. Không ít thần đồng làng Khuốc đã qua tay ông. Ngoài Phong Châu, ông còn được người ta mời sang cả các xã khác để dạy. Ngày xưa ông phải lội ruộng đi bộ. Có hôm trời mưa tầm tã, sang đến xã bạn, học trò không đến được ông lại lóc cóc đạp xe về. Dạy hàng tháng trời công cán cũng chỉ được hơn trăm nghìn. Lại cũng có khi đi vận động văn hóa phải vòng vèo hàng cây số nhưng không vận động được, ông đành quay xe về nhà, hôm sau đến tiếp…

 

Cứ vậy, 50 năm đằng đẵng, đến bây giờ, người dân làng Khuốc đã quen với hình ảnh “lão say” đạp xe đi truyền chèo. Cũng có lúc ông đã thoát ly đi theo đoàn này đoàn nọ nhưng được dăm bữa nửa tháng, ruột nóng như lửa đốt ông lại lò dò về làng. Về rồi, ở lỳ với làng, vừa lo chuyện cấy hái vừa lo chuyện chèo. Nhấp một ngụm chè, ông thở sầu: Có lẽ “các cụ” đã giao cho mình giữ nghiệp chèo thì phải, muốn dứt cũng không dứt được…

 

Nói về vị trí “đạo diễn sân khấu” mà người ta dành cho đã mấy chục năm, ông bảo: Hiện nay, chèo ở đâu cũng có nhưng chèo Khuốc bao giờ cũng để lại ấn tượng riêng. Là đạo diễn, anh phải tìm cho mỗi đoàn một kiểu diễn giúp họ để lại sự khác biệt cho người xem. Ví như vở “Quan âm Thị Kính”, thầy Lý máu dê thì dựng cho lão máu dê; cụ đồ điếc thì dựng cho ông ấy động tác nghễnh ngãng, nhưng cái động tác nghễnh ngãng của người già nó phải khác với cái nghễnh ngãng của con trẻ. Hồi ông thầy bói hay nói leo như thế nào, cái ú ớ, ngọng nghịu của Hương câm ra sao hay ranh giới giữa “Súy Vân điên” và “Súy Vân giả dại”… Chẳng vậy mà “Việc làng” của Khuốc đến nay vẫn không đoàn nào vượt qua nổi bởi diễn viên lột tả được đặc trưng từ vai mẹ đốp cho đến vai thầy Lý, Thị Kính, Thị Màu… Ðể diễn thành công một vở chèo, có khi thầy trò phải tập luyện hàng tháng trời, có buổi đến tận khuya. Những miếng nghề hay nhất được thầy khéo léo truyền đạt cho trò, từ cách lấy giọng, cách ngân đến lồng hơi thở đương đại vào vở chèo để sao cho vừa mới mà vẫn giữ được nét cổ.

 

Kể đến đây, giọng ông Ro trầm hẳn xuống. Nhọc nhằn với nghiệp diễn là thế nhưng nhận lại chỉ là cái danh phận phù du. Người ta vẫn nhớ tới tấm huân chương vì sự nghiệp văn hóa mà ông được nhận năm 2002 nhưng quên không đóng dấu đỏ như một sự cảm thông cho con người ngày đêm cần mẫn với nghiệp tổ. Chế độ đãi ngộ cho chèo không có, những người làm văn hóa như ông nghiễm nhiên trở thành người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Những nghệ nhân già ngày càng vắng bóng, lớp trẻ không mấy người mặn mà. Câu lạc bộ do ông làm chủ nhiệm cũng thưa thớt dần. Nay người này đi phụ hồ xa, mai người kia đi kiếm phế liệu. Kinh phí eo hẹp, chủ nhiệm như ông còn không có một đồng phụ cấp, nói gì đến chuyện được cân chè, bao thuốc mỗi lần tụ họp. Ðào kép làng Khuốc, người đi hợp đồng biểu diễn cho đoàn chèo các tỉnh, người bỏ nghề đi hát đám cưới thuê. Ðể có một canh diễn ra trò phải tập cả tháng, diễn xong nhận thù lao một vài triệu đồng, chia ra thì mỗi người được vài chục, không đủ tiền son phấn, trang phục, thuê đồ diễn…

 

Chưa kể đến yếu tố thời buổi hiện đại, làn sóng hiện đại hóa cuốn theo cơ chế thị trường làm xuất hiện tình trạng nhái nhạc, nhép lời. Ranh giới giữa chèo cổ và chèo kim chỉ trong gang tấc. Những người già am tường về vốn cổ mất dần, người trẻ nhất cũng đã đến tuổi lục tuần, hay “thất thập cổ lai hy”. Việc bảo tồn chèo cổ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một mình ông Ro không thể gánh cả năm sáu vai… Có lúc nghĩ nghề mà tủi, ông đem hết tài liệu, bài dạy tích cóp mấy chục năm trời, đem cả những bài báo viết về mình, về chèo đi đốt, giống như sự tự giải thoát cho những bất lực tự đáy lòng. Mặc kệ chèo đến đâu thì đến.

 

“Tình chèo” bạc giữa “tình đời”

 

Hành trình truyền dạy đã nhọc nhằn nhưng những chuyện “dở khóc dở cười” nơi sân khấu còn cực lòng hơn. Có lẽ, đối với ông Ro, tình nghề cực thân bao nhiêu thì tình đời “lão say” lại cực tâm bấy nhiêu. “Cái án phong lưu” hình như đã được sắp đặt sẵn cho kiếp đào kép.

 

Cái tréo ngoe của diễn viên chèo là ở chỗ, có những hoạt cảnh hai người diễn khác giới phải tình tứ với nhau giống như ngoài đời thật. Có đoạn, “anh chồng” phải bế bổng “chị vợ”, phải “mắt liếc đưa tình”, tay nắm bàn tay. Ban đầu chỉ là diễn nhưng dần dà, những đụng chạm thân xác trong lúc tập luyện và biểu diễn trên sân khấu đã làm nảy sinh tình cảm thật ngoài đời. Không ít gia đình đã vấp cảnh to tiếng vì chèo. Lão Ro cũng không phải ngoại lệ.

 

Ít ai biết rằng đời ông từng có tới bốn “nàng thơ”. Buồn thay, vì chèo mà “các nàng” đều dứt áo ra đi. Có người vì ghen tuông, có người vì không chịu nổi cảnh chồng yêu chèo đến nỗi không nhớ tới gia đình. Người ta nói vui rằng ông mê chèo hơn mê vợ nhưng tôi lại nghĩ khác. Có lẽ, do ông đã dành quá nhiều tâm huyết cho chèo, nhiều đến nỗi trọn cả đời mình, một chút cũng không giữ lại. Say nghề, cống hiến cho nghề, mải miết với nghề đến độ không còn thời gian cho vợ nên các bà tủi mà bỏ đi.

 

May mắn cho ông, ở cái ngưỡng gần cuối cuộc đời vẫn còn một người chịu hy sinh mà ở lại. Tôi vẫn nhớ người đàn bà tuổi ngoại lục tuần tỷ mẩn nhặt từng lá rau bí trong lần đầu tiên đến nhà. Ở bà có dáng dấp chịu thương chịu khó của những người phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Dù có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, mặt nặng mày nhẹ vì chèo nhưng cả hai ông bà đều đã gạt cái tôi để tiếp tục cùng nhau, đặng vui vầy con cháu. Vượt lên trên nhọc nhằn cuộc sống, đó là sự cảm thông, thấu hiểu, san sẻ của vợ chồng.

 

Tôi mỉm cười nhớ lại điệu Ðường trường “Duyên phận phải chiều” mà “lão say” mới hát: “Duyên phận i i ta phải chiều i, này ai ơi i đôi thời đôi lứa ta... thời này duyên i, ới phận đôi ta thời duyên i phận ta phải i i chiều i ì i… i í i i...”…

 

Nếu như nhân vật Hộ trong “Ðời thừa” là bi kịch của trí thức nghèo trong xã hội cũ bị giằng co giữa cơm áo gạo tiền, những tủn mủn của cuộc sống cùng quẫn và lương tâm con chữ thì ở đây có một “lão say” Ro cả đời trăn trở với chèo. Cũng như Hộ, ông mong ước sáng tạo ra “những tác phẩm thật sự có giá trị, vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn bằng cách đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” mà trên hết là giữ gìn những giá trị truyền thống. Nhưng ông khác Hộ ở chỗ, ông không vì những tủn mủn của cuộc sống hèn mọn mà mất đi lương tâm nghề nghiệp.

 

Tôi hiểu, khi ông đốt đi những kỷ niệm, những bài báo, thậm chí cả bằng khen liên quan đến “sự nghiệp” chèo - những thứ một đời ông gắn bó; hẳn người nghệ nhân ấy đã bị chạm đến những u uẩn cuối cùng. Ông không có lỗi mà có chăng, đó là bi kịch của người nghệ sĩ có tài, có tâm nhưng “lạc thời” mà thôi.

 

Nhã Nam

  • Từ khóa