Chủ nhật, 30/06/2024, 23:25[GMT+7]

Nhà thơ Ánh Tuyết và một đời “Ru anh”

Thứ 2, 18/07/2016 | 08:29:50
2,560 lượt xem
Thi ca Việt Nam có biết bao tác phẩm về chiến tranh, về những người anh hùng của dân tộc, về những chiến công quả cảm và cả về những mất mát, đau thương... Nhưng những áng thơ ca nói hộ nỗi lòng của những người vợ liệt sĩ với cả cuộc đời thủy chung, son sắt, khắc khoải chờ chồng thì có lẽ chưa nhiều.

Cùng ngâm thơ trong vườn nhà.

 

Một buổi chiều hè, giữa cái nắng vàng ươm và những cơn gió mát lành, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhà thơ Ánh Tuyết tại căn nhà nhỏ nằm bình yên trong một góc phố ồn ã, tấp nập của bà. Có phần giản dị, đơn sơ nhưng ấn tượng đầu tiên mà có lẽ bất cứ ai cũng dễ dàng bắt gặp trong căn nhà ấy là cây xanh, sách và giấy khen. Cả ba điều đó đều khiến nhà thơ Ánh Tuyết tự hào lắm. Bà bảo, cây trong vườn nhà toàn là những giống cây chẳng quý hiếm, chỉ là có hương, có sắc, có hoa và có tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình từ người chủ của chúng mà thôi! Sau một ngày vất vả, mệt mỏi trở về, thấy cây là như thấy những người bạn, tâm hồn bỗng nhiên chẳng vướng bận chút muộn phiền, âu lo. Có lẽ, cũng bởi thế mà những áng thơ lại được cất lên từ một tâm hồn đa sầu, đa cảm.

 

“Tráng khúc tháng 7”

 

Từ hoàn cảnh bản thân là một người con liệt sĩ, bố hy sinh khi còn chưa chào đời, bởi vậy, từ chính gia đình mình, bà thấu hiểu những nỗi đau không thể nguôi ngoai của chiến tranh. Và cũng hiểu rằng, có thật nhiều điều mà những người ở lại luôn muốn nhắn nhủ với những người đi xa. Xuất phát từ suy nghĩ: mình phải làm một tuyển tập thơ, quy tụ những tác phẩm tâm đắc về đề tài chiến tranh để cuốn sách ấy sẽ như bức tượng đài bằng thơ dâng lên những hương hồn liệt sĩ mà trong ấy có cả người bố thân thương. Vậy là, sau bao gian khó, “Tráng khúc tháng 7” đã ra đời, trở thành tác phẩm mà Ánh Tuyết tự hào nhất trong khá nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi, truyện ngắn về đề tài chiến tranh mà bà trực tiếp chắp bút hay chỉ giữ vai trò chủ biên.

 

Mới đó mà đã 11 năm trôi qua kể từ ngày nhà thơ cùng cô học trò nhỏ tận tay mang 5 cuốn “Tráng khúc tháng 7” vượt quãng đường xa xôi từ Thái Bình vào Quảng Trị thành kính dâng lên các hương hồn liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đúng dịp 27/7. Ðêm hôm ấy trời mưa to nhưng như thấu cho nỗi lòng của bà, khi “Tráng khúc tháng 7” được dâng lên bát hương bỗng bùng cháy. Dường như những vần thơ từ mọi miền Tổ quốc được quy tụ trong “Tráng khúc tháng 7” đã đến được với hương hồn của những người anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc, nằm lại với núi rừng Trường Sơn.

 

Năm tháng trôi qua, mỗi độ tháng 7 về, có lẽ chẳng khi nào niềm xúc động ấy có thể nguôi ngoai. Không còn đủ sức khỏe để vượt quãng đường trở lại Trường Sơn, bà lại cùng các cựu chiến binh, những người đã từng một thời trận mạc, đã đi qua khói lửa chiến tranh ôn lại những kỷ niệm qua bao vần thơ mà bà gọi đó chính là “bức tượng đài” thành kính nhất tưởng nhớ những người anh hùng dân tộc.

 

Một đời “Ru anh”

 

Tự nhận mình là người có nhiều duyên nợ với những vần thơ tình nhưng khi thơ tình viết dành tặng mẹ, một người vợ liệt sĩ thì hơn bao giờ hết, những vần thơ ấy cứ khắc khoải, day dứt đến tột cùng.

 

Bài thơ “Ru anh” là dấu ấn đặc biệt như thế trong cuộc đời nhà thơ Ánh Tuyết. Xuất phát từ chính tấm lòng đối với người mẹ của mình khi mẹ mới 30 tuổi, ở cái tuổi sôi nổi, nhiệt huyết của cuộc đời người phụ nữ mà phải nhận tin chồng hy sinh ngoài mặt trận. Nén lại đau thương, một mình mẹ đằng đẵng nuôi ba người con, trong đó đứa bé nhất mới được 8 tháng trong bụng mẹ, hai đứa còn lại đang trong “tuổi ăn tuổi lớn”. Vì chiến tranh, cuộc đời mẹ cứ thế nhiều lo toan, vất vả, chênh vênh…

 

 

Đoàn văn nghệ sĩ Thái Bình trong một chuyến đi sáng tác.

 

Lớn lên trong vòng tay mẹ, chẳng được cất tiếng gọi “Bố ơi” ngày nào, nỗi đau, nỗi khắc khoải từ chính cuộc đời mẹ cứ thế ám ảnh, day dứt nhà thơ Ánh Tuyết, để rồi “Ru anh” ra đời như nói hộ nỗi lòng của những người vợ liệt sĩ. Và cũng như một cơ duyên, những vần thơ da diết ấy đã đến tay nhạc sĩ Trần Hoàn. Trong một đêm trắng tại Thái Bình, ông đã phổ nhạc để “Ru anh” trở thành một bài hát với bao nhớ mong, chờ đợi của những người ở lại. Bởi vậy mà cũng trong đêm nhạc của cố nhạc sĩ tại Thái Bình, đông đảo người yêu nhạc đã được lắng lòng cùng “Ru anh” qua giọng ca tha thiết của những nghệ sĩ đến từ Ðoàn ca múa kịch Thái Bình.

 

Luôn tự nhận những điều mình đã làm còn thật ít ỏi, Ánh Tuyết lại trăn trở tìm hướng đi cho những tác phẩm mới. Ðó không chỉ là những vần thơ tự đáy lòng của những người phụ nữ giữa nhịp sống hối hả thường nhật mà đó còn là những vần thơ nói hộ nỗi lòng của bao người vợ liệt sĩ trên khắp dải đất hình chữ S, với tấm lòng son sắt thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Ra về, lòng tôi cứ vang vọng mãi những lời thơ đầy khắc khoải nhưng cũng thật đẹp đẽ:

 

Năm ru tháng, tháng ru ngày

Tay gầy lại nắm vai gầy… đêm đêm

Dáng em giờ chẳng còn mềm

Tóc em sợi trắng sợi đen nhiều rồi

Anh còn mãi tuổi đôi mươi

Biết làm sao xứng với người ngày xưa…

Dịu đi cái nắng gọi mưa

Ðể em ru những giấc mơ cho chồng.

 

Anh Tú

 

 

Bà Nguyễn Thị Ngọt, tổ 30, phường Ðề Thám, thành phố Thái Bình

 

Là một cựu chiến binh, tôi rất cảm động và cũng cảm ơn nhà thơ Ánh Tuyết bởi bên cạnh những vần thơ tình, cô còn có những bài thơ rất xúc động về các thương binh, liệt sĩ - những người anh hùng của quê hương. Ðặc biệt, có những bài thơ cô đã thấu hiểu để nói thay cho nỗi lòng của rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người vợ, người con liệt sĩ. Cứ mỗi dịp tháng 7 về, bên những tuyển tập thơ ấy, chúng tôi lại cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm chiến trường. Bởi vậy, thơ đã trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

 

Bà Trần Thị Thục, tổ 32, phường Ðề Thám, thành phố Thái Bình

 

Tôi thích nhất bài thơ “Ru anh” của Ánh Tuyết vì bài thơ xúc động, chân thành với những ý thơ giản dị, gần gũi. Người vợ liệt sĩ trong bài thơ ấy cũng như bao người vợ liệt sĩ mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, để ta có thể thấu hiểu và cảm thông hơn. Cũng qua những trang thơ của Ánh Tuyết mà tôi như được sống lại tuổi thanh xuân của người lính đã một thời xông pha khói lửa đạn bom của chiến tranh, để giờ đây trở về với đời thường thêm hăng say lao động sản xuất, vươn lên trước mọi khó khăn của cuộc sống.

 

  • Từ khóa