Thứ 6, 02/05/2025, 11:33[GMT+7]

Về nơi dấu thiêng Ðông Hải

Thứ 2, 15/08/2016 | 09:15:27
2,554 lượt xem
Trong dân gian vùng Ðông Bắc của Tổ quốc còn lưu truyền câu ca: “Ðời Trần thị mở mang Nam Hải/Ðức đệ tam dòng dõi Kim chi/Mấy phen giáp mã truy chùy/Ðã bình Phạm đảng lại đi phạt Sầm…” để ghi nhớ công lao trời biển của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, vị tướng nhà Trần có chiến tích rạng ngời trong hai trận chiến Bạch Ðằng (1285 - 1288) phá tan quân Nguyên Mông, hai trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của quân dân Ðại Việt trong ba

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các vương triều đều nhìn nhận và đánh giá tầm quan trọng của vùng biên cương trên biển, vì thế luôn cắt cử những vị tướng tài ra trấn giữ. Năm 1285, quân Nguyên Mông xâm lược đất nước ta lần thứ hai (lần thứ nhất 1258). Ðược tin báo, đại quân do Trần Hưng Ðạo chỉ huy đã chuẩn bị lực lượng đối phó với thế mạnh như chẻ tre của giặc, để bảo toàn lực lượng và nhử quân giặc vào trận mai phục, quân Ðại Việt rút về Vạn Kiếp. Lúc này Trần Quốc Tảng (là con trai thứ ba của Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn) đang chỉ huy một cánh quân ở Ðông Bắc nghe tin báo liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh (Ðông triều) cùng các cánh quân Hải Ðông, Vân Trà, Bà Ðiểm hội binh, xin triều đình làm tiên phong đánh giặc. Quân Nguyên Mông bị đánh tơi tả phải tháo chạy, cuộc kháng chiến thắng lợi vang dội, Ðại Việt ca khúc khải hoàn. Trần Quốc Tảng là dũng tướng có công lớn trong cuộc chiến nên được vua Trần khen thưởng và cấp cho thực ấp tại Tĩnh Bang (Quảng Ninh).

 

 Sử cũ ghi, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai (1285), vua Trần Nhân Tông và Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn càng nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt về vị trí chiến lược của vùng biển đảo Ðông Bắc. Lý giải sự có mặt của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng tại vùng biên ải Ðông Bắc được sử sách ghi lại, đại ý là một lần, trong cuộc tranh luận tại triều đình, Trần Quốc Tảng với tính khí cương cường đã buột miệng cãi lại nhà vua một câu và câu “lỡ miệng” đó suýt đưa ông đến cái chết. Ðược Hưng Vũ Vương cầu xin, Trần Quốc Tảng thoát tội nhưng Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn muốn giữ hòa khí trong nội tộc nhà Trần, đồng thời muốn xóa đi nghi ngờ của triều đình với Hưng Ðạo Vương nên quyết định trừng phạt Trần Quốc Tảng, đưa ông ra trấn giữ ở vùng Cửa Suốt (Cửa Ông sau này), nơi biên ải Ðông Bắc tiền tiêu. Ðó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Trần Quốc Tảng, một vị tướng tài, lại là bố vợ vua (vua Trần Anh Tông) được cử ra trấn giữ vùng biên cương này. Sau khi Trần Quốc Tảng ra trấn giữ Cửa Suốt, năm 1288, quân Nguyên Mông lại kéo sang xâm lược. Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng xin triều đình được đem quân đánh giặc, lập công chuộc tội. Triều đình ngay lập tức chuẩn tấu, Hưng Nhượng Vương tiến quân, lập đồn ở Trắc Châu, huyện Thanh Lâm (huyện Thanh Lâm là phần đất phía nam của huyện Nam Sách hiện nay, trong đó có xã Trắc Châu, thuộc tổng Trắc Châu, trấn Hải Dương). Trải qua ba ngày đêm, ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông Bạch Ðằng, quân Nguyên Mông không kịp trở tay, thây chất đầy sông. Chiến thắng vang dội, quân dân Ðại Việt mừng vui khôn xiết. Cuối năm 1288, vua Trần quyết định bình công khen thưởng tướng sĩ ba quân sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba kết thúc thắng lợi, Trần Quốc Tảng được triều đình tấn phong. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư, trang 62 chép rằng: “Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Ðạo Vương làm Ðại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai Quốc Công, Hưng Nhượng Vương là Tiết độ sứ”. Như vậy, tên tuổi và vinh quang của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng gắn liền với chiến công vang dội hai trận thủy chiến trên sông Bạch Ðằng trong khoảng thời gian từ năm 1285 - 1288, gắn tên tuổi của ông với vùng đất Cửa Suốt và được người dân Cửa Suốt cũng như cả vùng Ðông Bắc kính trọng.

 

Theo các nguồn khảo luận thì lần đầu bị tội mà Trần Quốc Tảng bị cha là Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đày ra Cửa Suốt. Lần thứ hai nhờ lập được công lớn phá tan giặc Nguyên Mông, Trần Quốc Tảng lại được vua Trần Anh Tông (con rể) cử ra Cửa Suốt trấn giữ. Hai lần trấn nhậm Cửa Suốt với hai tư thế, hai thể thức khác nhưng thực chất chỉ là một trọng trách giữ gìn một nơi quan ải Ðông Bắc. Từ năm 1288 đến khi qua đời (1313), phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng dành cho việc trấn giữ vùng biên ải Ðông Bắc này của Tổ quốc. Dã sử chép rằng: "Ông ra Cửa Suốt được ba ngày, tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước, Hưng Nhượng Vương hóa thân ở đó, vào ngày 16/8/1313. Một lúc sau mưa tịnh, gió lặng, dân chúng kéo đến xem, thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, mũ đá trôi đi. Ngày 1/9 năm ấy, mũ đá trôi đến địa giới Hàm Giang, rồi đến bờ sông xã Trúc Châu (tên tục là Vườn Nhãn). Già trẻ, lớn bé trong xã đang đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề, đứng ở đình làng bảo rằng: “Ta là gia tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về đóng nơi đồn cũ giữ yên dân nước”. Hôm sau, dân chúng ra đình xem, thấy một tảng đá và một mũ đá bên bờ sông. Ðo phiến đá được 5 thước 4 tấc, ngang 2 thước 3 tấc, có 5 màu huyền ảo như mây. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên vua. Vua thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong cho làm Thượng đẳng Phúc thần, cho 800 quan tiền công hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc nhà nước”.

 

 Ðến thăm đền Cửa Ông và nghe câu chuyện truyền khẩu trong dân gian rằng vì muốn thực hiện di chúc miệng của ông nội (Trần Liễu) mà Trần Quốc Tảng bị cha đày ra Cửa Suốt trấn ải biên thùy. Và lại thấy được đức trọng của người cha - Quốc công Tiết chế Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn quyết giữ trọn bề tôi, phụng sự triều đình, trung tín, thẳng ngay “vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức” để đánh giặc giữ nước. Nhưng, người đời vẫn không hề thấu hết nỗi buồn nhân thế mà Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng mang theo về thế giới bên kia bởi hơn 700 năm sau ngày Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng hóa thân, người đời vẫn cho rằng ông bị cha đày ra biên ải? Có biết đâu rằng, vùng biển trời Ðông Bắc của Tổ quốc là điểm trọng yếu luôn bị quân xâm lược ngoại bang rình rập và là tâm điểm chú ý của các bậc vương triều, bởi đây là biên cương, là vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành trì đất nước. Chỉ đọc hai câu đối ở đền Cửa Ông đủ biết về công lao to lớn đối với non sông, đất nước của Trần Quốc Tảng:

 

“Bạch Ðằng hộ chiến công, lương tướng uy danh Kinh Bắc địa

Hải Ðông lưu linh tích, anh hùng tâm sự đối Nam thiên”.

 

Tạm dịch:

 

“Giúp chiến thắng Bạch Ðằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc

Ðể dấu thiêng Ðông Hải, anh hùng tâm sự dải trời Nam”.

 

 

Nhà sử học Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

 

 Ðền Cửa Ông gắn với huyền thoại về vị tướng tài giỏi nhà Trần thế kỷ XIII Trần Quốc Tảng. Ðứng ở đền Cửa Ông nhìn ra vịnh Bái Tử Long thấy cả một vùng trời biển bao la. Ðây là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng có thời gian dài trấn ải biên cương, dốc lòng dốc sức phụng sự triều Trần, góp chiến công hiển hách cùng vua tôi nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông.

 

Bà Lê Thị Mậu, 80 tuổi, Ðan Phượng (Hà Nội)

 

80 niên ở cõi hồng trần, nay tôi mới được đến Cửa Ông, vào đền thắp hương tưởng nhớ công lao trời biển của Ðức Ông (Trần Quốc Tảng), tôi thấy đền Cửa Ông thật là tối hảo. Nếu trời còn cho tôi sức khỏe, tôi sẽ lại đến đền Cửa Ông.

 

 

Ông Ngô Thùy Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần in Thái Bình

 

Trong chuyến đi đến miền Ðông Bắc, được đến thăm đền Cửa Ông, được nghe câu chuyện về “Thần đền Cửa Ông” tôi mới hiểu về lịch sử oai hùng của dân tộc ta mà hiển linh là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Chuyến đi đã cho tôi những cảm nhận sâu sắc về lịch sử, đặc biệt là nhà Trần, vương triều hưng thịnh nhất trọng lịch sử phong kiến Việt Nam, về miền đất Long Hưng (Thái Bình) - nơi hưng nghiệp và phát tích nhà Trần. Từ Long Hưng đến Ðông Bắc, một dải nối dài chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Bạch Ðằng Giang 1285 - 1288, trong đó có công lao to lớn của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.

 

Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày