Chủ nhật, 04/08/2024, 01:19[GMT+7]

Lễ Vu lan nghĩ về đạo hiếu

Thứ 4, 17/08/2016 | 08:18:13
881 lượt xem
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu lan (ngày 15/7 âm lịch hàng năm) từ lâu đã trở thành một ngày lễ quan trọng với quan niệm báo hiếu cha mẹ. Đó là một nét đẹp về văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hành đạo hiếu trong lễ Vu lan đang có sự lệch lạc đáng phải quan tâm. Hiểu về lễ Vu lan, hành lễ báo hiếu như thế nào cho đúng là câu hỏi của rất nhiều người.

Mua sắm hàng mã để đốt dịp lễ Vu lan gây lãng phí tiền bạc là việc làm không nên.

Theo nhà Phật, lễ Vu lan bắt nguồn từ giai thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên (hay còn gọi Mục Liên) là một trong số ít đệ tử xuất chúng của đức Phật nhưng không vì thế mà ngài quên đi bổn phận của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát, Mục Liên thấy mẹ mình đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương nên liền dùng pháp thuật của mình để mang cơm dâng lên mẹ nhưng do nghiệp chướng quá lớn nên bát cơm bà cầm trên tay bỗng hóa thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật mong cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát. Theo lời Phật dạy, ngày rằm tháng bảy, Mục Liên lập bồn Vu lan, thỉnh mời chư tăng đến chú nguyện. Nhờ đó, mẹ Mục Liên mới được siêu thoát. Noi gương hiếu lễ của Mục Liên, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng bảy, các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tổ chức ngày lễ Vu lan với tín tâm cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ.

Đại đức Thích Thanh Vượng, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: Ngày lễ Vu lan có ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Chúng ta cử hành lễ Vu lan nhằm giải tội cho người chết, cầu phúc cho người sống, đó chính là báo hiếu và thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".

Tiếc thay, hiện nay, do thiếu hiểu biết và ảnh hưởng của lối sống chạy theo vật chất, không ít người đã quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc, quên đi nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, có những quan niệm về đạo hiếu thật đơn giản và lệch lạc dẫn tới việc thực hành đạo hiếu cũng chưa đúng. Đó là việc đốt mã với quần, áo, nhà lầu, nào là ngựa phải to, xe hơi, thậm chí cả máy bay… tiêu tốn bạc triệu rất hoang phí, tốn kém tiền của, tổ chức cỗ bàn linh đình để cúng tế. Tất cả những việc này, nhà Phật đều không duy trì và không dạy Phật tử. Số tiền này, nếu chúng ta tiết kiệm và làm những việc có ích như đóng góp xây dựng trường học, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo hay làm từ thiện giúp đỡ những người còn nghèo khổ, khuyết tật thì có ý nghĩa hơn và cũng là thực hiện báo hiếu đối với quốc gia, dân tộc và chúng sinh.

Đại đức Thích Thanh Vượng cho biết thêm: Sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ không chỉ được thể hiện trong sự cung phụng về vật chất. Bên cạnh việc lo chu đáo miếng cơm, manh áo cho cha mẹ, chúng ta cần phải sớm viếng, tối thăm, trò chuyện, vấn an cha mẹ để đấng sinh thành thật sự vui vẻ, an hưởng tuổi già. Nhất là khi cha mẹ đau yếu, phận làm con phải phụng dưỡng, thuốc thang mong cho cha mẹ mau khỏi bệnh. Khi cha mẹ lâm chung, phận làm con phải đứng ra lo liệu mọi việc, quỳ lạy trước vong linh cha mẹ rồi cung kính nghinh tiễn kim quan cha mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng cho trọn đạo, như vậy là thực hành đạo hiếu một cách đầy đủ. Đừng biến đạo hiếu trở thành một thứ hình thức, tầm thường, dẫn đến việc thực hành đạo hiếu chỉ còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà không xuất phát từ đáy lòng, từ trong tâm. Bà Lê Thị Thìn ở thôn 3, xã Vũ Quý (Kiến Xương) quan niệm: Công cha nghĩa mẹ tựa như trời biển, non cao, phận làm con phải biết kính trọng, hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ đã già yếu, ốm đau. Đừng làm cho cha mẹ buồn lòng, cô đơn, khổ hạnh vì con, để rồi lúc cha mẹ mất đi, dẫu có "mâm cao cỗ đầy", vàng mã đốt lắm cũng chỉ là hư vô và chúng ta vẫn mang theo sự ân hận, tiếc nuối suốt cả cuộc đời.

Vu lan là mùa báo hiếu. Nhà Phật dạy rằng: Báo hiếu không riêng gì hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên ơn dưỡng dục sinh thành mà báo hiếu còn ở ơn thầy cô là những người dạy dỗ những kiến thức, những điều hay lẽ phải cho ta làm người có ích; ơn quốc gia, xã hội đã bảo đảm, giữ gìn môi trường sống hòa bình, ổn định cho chúng ta sinh sống và ơn chúng sinh, đồng bào, những người đã sản xuất ra của cải vật chất để cho chúng ta tồn tại, phát triển như hôm nay.

Nhân mùa báo hiếu, chúng ta cùng nhận thức đúng đắn ý nghĩa của ngày lễ Vu lan để có những hành động thiết thực hơn, tích cực hơn cho gia đình và cho xã hội, từ đó góp phần xây dựng một xã hội tốt lành, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa