Chủ nhật, 28/07/2024, 15:25[GMT+7]

Làng Búng rộn tiếng thùng thình

Chủ nhật, 11/09/2016 | 16:03:55
5,996 lượt xem
Nếu ở phố xá, không khí Tết Trung thu hiện hữu với những sắc màu rực rỡ của đèn lồng, đồ chơi, bánh nướng, bánh dẻo… thì cứ mỗi độ thu sang, từ người già đến con trẻ làng Búng, xã Việt Hùng (Vũ Thư) lại ngày ngày mong chờ tiếng trống thùng thình và những đoàn kỳ lân vui nhộn đi dọc đường làng ngõ xóm.

Buổi tối ở Việt Hùng luôn sôi động tiếng trống kỳ lân, giục giã người xem.

Thú chơi cầu kỳ

Sau sự ra đi của hàng loạt "lão làng", đến nay, ngoài 40 tuổi, anh Nguyễn Văn Hiếu là một trong những người làm và chơi kỳ lân sành sỏi nhất làng Búng. Tay gấp ít đồ nghề và trang phục chuẩn bị cùng mấy anh em trong đội đi Hải Phòng múa kỳ lân theo lời mời tha thiết của một người bà con, anh Hiếu vừa say sưa kể cho chúng tôi nghe về thú chơi kỳ lân của người làng Búng. Anh bảo, không biết kỳ lân ở quê anh có tự khi nào, chỉ biết từ thời ông cha anh đã làm và chơi kỳ lân.

Trước kia, làng Búng có nghề trồng đay, có cả xưởng chế biến sợi đay. Nguyên liệu sợi đay sẵn có, vì thế, những lúc rảnh rỗi, cánh nam giới trong làng thường quây quần cùng nhau làm kỳ lân cho con trẻ vui chơi. Thời ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, các nguyên phụ liệu như sơn màu, vải bọc kỳ lân cũng khan hiếm nên làm được một con kỳ lân thường mất vài tháng trời. Khó làm nhất là phần đầu kỳ lân. Thợ làm phải biết cách lựa tre bánh tẻ, luộc qua nước sôi có một chút muối để tre vừa dẻo vừa mềm mới có thể uốn thành khung đầu kỳ lân theo kiểu "trán nhô, cằm lẹm". Vào khung chính xong, người thợ mới vót nan, lên khung chi tiết và bọc vải lên khung tre. Vải bọc kỳ lân phải là loại vải dai, bền, được cắt theo hình một con kỳ lân có đầu, có thân, có chân, đủ rộng để hai người có thể chui vào múa và được khâu kỹ càng từng lớp để khi kỳ lân múa có chạm "đao" cũng không rách hoặc sổ ra. Bọc vải xong, phần đòi hỏi nhiều công nhất là "phủ lông" cho kỳ lân để kỳ lân có được "nước da" màu nâu đất truyền thống. Trước kia, người làng Búng thường tước nhỏ sợi đay rồi khâu từng lớp, từng lớp cho kỳ lân nhưng hiện nay thợ làm kỳ lân thường rút sợi ở chiếc bao tải đay để làm phần lông kỳ lân có độ bóng và đẹp hơn. Phần vẽ mặt kỳ lân đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ. Với cách phối các màu sắc và nét vẽ sao cho mắt, răng lông mày của kỳ lân phải thể hiện sự dữ tợn, oai phong, cái mũi to hài hước. Anh Hiếu chia sẻ, không có hình thức cố định cho con kỳ lân, tùy người chơi có thể sáng tạo màu sắc, chất liệu khác nhau, tuy nhiên, anh đam mê và muốn duy trì hình thức con kỳ lân cổ truyền của làng. Ðến nay, thế hệ trẻ làng anh cũng có nhiều người yêu thích thú chơi và làm kỳ lân.

Làm được kỳ lân mới chỉ là một nửa thú chơi, bởi nếu không biết múa lân thì kỳ lân dù đẹp cũng trở nên vô nghĩa. Múa kỳ lân có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa hai người múa và người đánh trống, gõ thanh la. Trong quá trình biểu diễn múa lân, tiếng trống giữ vai trò chủ đạo. Tùy nhịp trống mau hay thưa mà lân múa, lân quỳ, lân ngủ hay thức dậy. Người múa lân phải có sức khỏe rất tốt mới có thể nhảy múa thường xuyên cùng lúc với vác đầu kỳ lân nặng từ 15 - 20kg. Người làm chân sau kỳ lân phải hiểu ý với người giữ đầu để múa uyển chuyển đẹp mắt. Ngoài ra, còn có chú tễu, ông địa phe phẩy quạt mo làm trò, tăng độ hấp dẫn của màn múa lân. Theo lệ cũ, kỳ lân ở làng Búng thường được diễn vào dịp Trung thu, lúc bà con xong xuôi mùa màng. Người làng còn quan niệm rước lân vào nhà nhảy múa để "xua tà khí" và đem đến những điều tốt lành.

Ở làng Búng hiện nay, có tới hơn chục đội múa lân. Một số đội lân mạnh như đội của anh Hiếu, anh Thất, anh Tuấn, anh Mạnh… Hầu hết, các đội tự vận động đóng góp kinh phí, công sức làm kỳ lân, mua trang phục, trống phách, thanh la… Hàng ngày, vào lúc chiều mát hoặc buổi tối, các đội kỳ lân trong làng đi "rúc" (đi múa lân) dọc các đường làng ngõ xóm, vào sân các gia đình tạo nên khung cảnh vui tươi, rộn rã.

Rộn tiếng thùng thình

Từ thú chơi ban đầu của người làng Búng (gồm ba thôn Mỹ Lộc 1, 2, 3 hiện nay), đến nay, phong trào múa kỳ lân dịp Trung thu đã phát triển rộng khắp các thôn của Việt Hùng. Cả xã hiện có gần 30 đội kỳ lân với hàng chục con lân lớn nhỏ khác nhau. Các đội kỳ lân thu hút đông đủ các thành phần từ người già, thanh niên, trẻ nhỏ tham gia. Ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn Mỹ Lộc 2 cho biết: Từ dịp tháng 7 âm lịch cho đến rằm tháng 8, buổi tối nào ở Việt Hùng cũng rộn tiếng trống thùng thình. Ðặc biệt, tại các tuyến đường giao thông chính của xã, có hôm 7, 8 con kỳ lân "rúc" cùng một lúc, thu hút nhiều người dân và khách qua đường, ai nấy đều thấy thích thú, phấn khởi. Lớp người già thì mừng vui vì làng quê vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền độc đáo, còn thanh niên và trẻ nhỏ thì ngày ngày háo hức đón chờ kỳ lân "rúc", nhờ đó giảm hẳn tệ nạn xã hội và thời gian trẻ em chơi các trò chơi điện tử.

Ông Phạm Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: Múa kỳ lân là nét đẹp văn hóa cổ truyền của địa phương. Hiện nay, để gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân gian độc đáo này, xã tuyên truyền, nhắc nhở các đội kỳ lân tuyệt đối không lạm dụng múa kỳ lân để xin tiền, do đó không xảy ra tình trạng biến tướng múa kỳ lân xin tiền như một số nơi. Tuy xã không có kinh phí hỗ trợ cho các đội kỳ lân nhưng hàng năm đều tổ chức diễn kỳ lân vào chiều ngày 14/8 âm lịch và trao quà động viên các đội kỳ lân. Xã chỉ đạo Ban Công an xã thường trực, hướng dẫn, giải tỏa giao thông tại các tuyến đường trục chính vào các buổi tối để tránh ùn tắc giao thông do người dân và du khách tập trung đông để xem múa lân. Các đội kỳ lân đều nhận được sự yêu thích, ủng hộ của đông đảo nhân dân, nhiều đội được mời đi biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh như đội của anh Hiếu, anh Tuấn… Múa kỳ lân trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp các thôn, giúp người dân có điều kiện tìm hiểu truyền thống và giao lưu, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Không chỉ dịp Trung thu mà các dịp lễ tết, hội hè, múa kỳ lân là tiết mục không thể thiếu ở làng quê Việt Hùng.

Trên nền trống "thùng thình thùng thình" là những chú lân nhảy múa say sưa, ông địa phe phẩy chiếc quạt mo và những nụ cười rạng rỡ, sảng khoái của người già, trẻ nhỏ. Trung thu ở làng quê xa phố thị chỉ đơn giản như thế nhưng độc đáo và sâu sắc đến nỗi người làng Búng xa xứ hễ nghe trống kỳ lân thùng thình lại tưởng như mình đang được về lại chốn quê…

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa