Chủ nhật, 30/06/2024, 23:24[GMT+7]

Văn hóa hội nghị

Thứ 2, 24/10/2016 | 10:01:05
213 lượt xem
Đang chăm chú theo dõi một hội nghị cấp huyện, cô X. nhăn nhó chìa trước mặt tôi một xấp báo cáo kèm lời ca thán: “Đấy, cháu tính, hội của cô ít người, lại toàn người cao tuổi nên tối hôm qua một mình cô phải lọ mọ chỉnh sửa, in, dán bìa báo cáo để nay phát cho đại biểu. Thế mà nhận xong, chưa đọc họ đã vo tròn vứt ở góc hành lang”. Cô X. là cán bộ của đơn vị chủ trì hội nghị hôm nay. Tôi giật mình, lặng lẽ quan sát hội nghị.

Ảnh: Hương Giang

Trên bục hội nghị, chủ tọa, người tham luận lần lượt trình bày những nội dung đã được chuẩn bị sẵn. Phía dưới hội trường, chỉ có mấy vị lãnh đạo ngồi tại hàng ghế trên cùng, toàn bộ gần chục hàng ghế tiếp theo bị bỏ trống trong khi các hàng ghế phía dưới, các đại biểu ngồi chen chúc, mọi người đùn đẩy nhau không ai chịu ngồi ghế phía trên. Trước khi vào họp, các đại biểu được phát tài liệu để tham khảo nhưng xem ra không mấy ai mở báo cáo ra, hoặc có đọc cũng lướt qua rất nhanh theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tiếng cười nói, xì xào rộn rã khiến chốc chốc chủ tọa hội nghị lại phải nhắc “đề nghị các đại biểu trật tự”. Nhiều người ngồi nghiêm túc, chăm chú, thoạt nhìn tưởng họ đang nghiên cứu nội dung hội nghị nhưng thực tế họ đang lướt web, chơi điện tử, nhắn tin trên điện thoại đi động. Ðang dở chuyện với đại biểu ngồi kế bên thì có cuộc gọi đến, một vị lãnh đạo cấp xã nhấc điện thoại trả lời, giọng nghiêm túc: “Tôi đang dự cuộc họp quan trọng trên huyện rồi, không thể về được, bà cần gấp cũng phải đợi mai”.

Hội nghị diễn ra được khoảng 2/3 thời gian thì hội trường cũng “ngót” đi đáng kể số lượng đại biểu. Ở dãy ghế gần cuối hội trường, đang sôi nổi bàn về một mẫu áo thì bỗng thấy mọi người vỗ tay rồi đồng loạt đứng dậy ra về, nhóm đại biểu nữ ngơ ngác: “Ơ, xong rồi à...” rồi vui vẻ hòa vào đoàn người ra khỏi hội trường. Hội nghị kết thúc trong sự thống nhất cao, không đại biểu nào có ý kiến bổ sung hay ý kiến khác.

Ðã đến lúc cần phải bàn về văn hóa hội nghị. Các hội nghị, cho dù tính chất, nội dung, đối tượng khác nhau nhưng cùng một mục đích là triển khai, giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Mỗi hội nghị được tổ chức đều sử dụng kinh phí của nhà nước, thời gian của nhiều người. Vì vậy, thiết nghĩ, nếu mỗi đại biểu dự hội nghị đều có trách nhiệm cao, đầu tư trí tuệ thì sẽ thêm nhiều sáng kiến, giải pháp hay để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, xây dựng hình ảnh các hội nghị chuyên nghiệp, hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền.

Hà Phương

  • Từ khóa