Thứ 7, 24/05/2025, 19:11[GMT+7]

Người tạc tượng

Thứ 4, 26/10/2016 | 09:02:41
926 lượt xem
Nguyễn Văn Thương ở làng Hội, xã Minh Khai (Vũ Thư) là người ham học hỏi, đam mê với nghề tạc tượng nên nửa ngày đi học còn nửa ngày vác dụng cụ theo cha chú đến làm việc tại các đình chùa. Làng Hội nổi tiếng một vùng về nghề chạm khắc gỗ, làm hoành phi, câu đối, cửa võng, tượng Phật.

Những cây cột Nguyễn Văn Thương chuẩn bị để dựng chùa Phúc Minh.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Thương học Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Bình. Năm 2005, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng Thương không xin được việc làm trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Thương không nản chí, không làm công chức nhà nước thì mình làm doanh nghiệp tư nhân. Với khát khao được lao động, được cống hiến, Thương bàn với cha mở xưởng chạm khắc gỗ ngay tại nhà mình nhằm giữ nghề truyền thống của làng và giải quyết việc làm cho thanh niên cùng trang lứa. Mấy gian nhà nhỏ, một mảnh vườn và cái sân không rộng lắm, ngổn ngang toàn gỗ là gỗ. Nơi thì để gỗ nguyên liệu, nơi thì để gỗ đã sơ chế, trong nhà là nơi xếp các thành phẩm: Hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng và rất nhiều tượng Phật. "Vạn sự khởi đầu nan" vốn liếng hạn hẹp nên Thương chưa dám mua máy móc hiện đại, mọi công việc đều làm thủ công, dựa vào đôi tay và sức lực con người. Thấy cánh trẻ làm việc vất vả quá, mồ hôi và mạt cưa bám đầy người, lại làm việc ở môi trường chật chội nên bố anh Thương mạnh dạn vay tiền và thuê đất để con mua máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất. Ban đầu, Thương chấp nhận làm thuê cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Từ đó anh học hỏi thêm để nâng cao tay nghề và sau đó tách ra kinh doanh độc lập. Càng ngày, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Nguyễn Văn Thương đã có đông khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. Thương cùng đội ngũ thợ lành nghề của mình tham gia nhiều công trình đồ sộ như chùa Đậu (Hà Nội), chùa Đọi (Hà Nam), đền Sung (Lạng Sơn), đền Bảo Lộc, đền Trần (Nam Định)... Đặc biệt là mùa xuân năm 2010, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Nguyễn Văn Thương được tuyển chọn làm trang trí nội thất khu tưởng niệm Bác Hồ ở đảo Trường Sa Lớn. Nhiều đoàn khách đến với Trường Sa, ngắm nhìn những bức hoành phi, câu đối, sơn son thiếp vàng ở khu tưởng niệm Bác Hồ, đã viết thư về khen ngợi người thợ tài hoa thôn Hội. Phải đi nhiều nơi, phải giao dịch rộng và đã có đủ vốn liếng để làm ăn lớn, Thương quyết định đầu tư kinh phí, mua một chiếc ô tô du lịch và xin chuyển đổi 8.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả trước cửa đình Hội, lập thêm phân xưởng số 2 chuyên làm nhà gỗ, chùa gỗ.

Mỗi năm cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Thương thu lãi 300 triệu đồng, thu nhập của người lao động từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao đạt 9 - 10 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của Thương đang thực hiện hợp đồng làm ngôi chùa hoàn toàn bằng gỗ cho chùa Phúc Minh. Ngôi chùa gỗ Phúc Minh có tới 100 cây cột cao to, mỗi cây cột là một khối gỗ nguyên bản. Chùa, tượng Phật cùng tất cả các đồ tuế khí đều làm bằng gỗ và do cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Nguyễn Văn Thương làm ra.

Cao Bá Khoát
(Tự Tân, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa