Thứ 2, 07/07/2025, 11:16[GMT+7]

Hiệu quả mô hình thư viện ở thôn Cao Mại Đoài

Thứ 4, 02/11/2016 | 08:02:39
2,185 lượt xem
Thông qua thư viện, người dân mọi lứa tuổi ở thôn Cao Mại Ðoài có điều kiện tiếp cận kiến thức từ thực tế cuộc sống, những cách làm hay trong phát triển kinh tế trang trại, những mẩu chuyện vui giải trí...

Thư viện tại nhà văn hóa thôn Cao Mại Đoài là điểm đến của đông đảo người dân.

Sau hai năm đi vào hoạt động, mô hình thư viện tại nhà văn hóa thôn Cao Mại Ðoài, xã Quang Trung (Kiến Xương) đã tạo nên một kênh thông tin hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức, là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Theo lời giới thiệu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, chúng tôi tìm về thôn Cao Mại Ðoài thăm mô hình thư viện tại nhà văn hóa thôn. Với gần 500 đầu sách các loại, thư viện luôn thu hút đông đảo người dân. Là 1 trong 5 người đầu tiên đứng ra thành lập thư viện, ông Ðào Thế Hệ, cán bộ hưu trí tại thôn Cao Mại Ðoài cho biết: Ðầu năm 2015,  nhận thấy nhu cầu đọc sách của người dân trong thôn tăng cao, trong đó đa phần là các cháu thiếu nhi và hội viên các đoàn thể nhưng từ xã lên tới thư viện huyện mất gần 5km nên rất ít người tiếp cận được văn hóa đọc. Trước thực tế đó, tôi và các đồng chí lãnh đạo thôn đã bàn và quyết định thành lập thư viện để phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Ðể có đủ đầu sách, lãnh đạo thôn đã vận động con em xa quê thành đạt trên mọi miền Tổ quốc ủng hộ sách và kinh phí để đặt mua sách và các đầu báo hàng tháng. Từ vài chục đầu sách ban đầu, đến nay thư viện đã có gần 500 đầu sách các loại, thuộc mọi lĩnh vực khác nhau như khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lịch sử, các loại sách giáo khoa..., thu hút đông đảo người dân đến đọc: hội viên nông dân đọc sách để tìm hiểu kiến thức về pháp luật, kiến thức nông nghiệp; các cháu thiếu nhi, học sinh tìm đọc truyện cổ tích, truyện dân gian... Thông qua thư viện, người dân mọi lứa tuổi ở thôn Cao Mại Ðoài có điều kiện tiếp cận kiến thức từ thực tế cuộc sống, những cách làm hay trong phát triển kinh tế trang trại, những mẩu chuyện vui giải trí...

Là người thường xuyên đến thư viện để cập nhật kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, chị Ðào Thị Mai, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Cao Mại Ðoài cho biết: Nhà tôi cấy 5 sào ruộng, những khi rảnh rỗi tôi thường đến thư viện để đọc sách hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các loại rau màu để đạt năng suất cao, cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm… Tôi thấy thư viện rất có ý nghĩa đối với chúng tôi trong phát triển kinh tế gia đình.

Thông qua việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả các đầu sách tại thư viện, trình độ dân trí của người dân thôn Cao Mại Ðoài ngày một nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với trước, thôn không có người vi phạm pháp luật.

Thời gian tới, để đáp ứng ngày càng tốt hơn văn hóa đọc của người dân, lãnh đạo thôn Cao Mại Ðoài sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí để mua sắm thêm những đầu sách mới và đặt thêm các đầu báo để làm phong phú về chủng loại sách báo cho thư viện. Trưởng thôn Bùi Thị Phi cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tuyên truyền về thời gian mở cửa thư viện để người dân nắm rõ, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh để các cháu biết và tham gia đọc sách, hạn chế việc chơi điện tử, giảm thiểu tác động tiêu cực từ mạng internet sau mỗi giờ học.

“Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”. Việc duy trì và phát huy tối đa tác dụng của thư viện tại nhà văn hóa thôn thôn Cao Mại Ðoài đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu đọc và cũng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tinh thần tin cậy của người dân trong thôn. Qua đây cũng góp phần củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Vũ Ðông

(Ðài TTTH Kiến Xương)

 

  • Từ khóa