Thứ 2, 28/04/2025, 13:11[GMT+7]

Gặp gỡ tác giả bài thơ “Tình ông cháu” dung dị

Thứ 2, 21/11/2016 | 08:28:27
5,133 lượt xem
Một ngày chớm đông, chúng tôi có dịp tới thăm Công ty May xuất khẩu Thành Công trên địa bàn thành phố Thái Bình. Và thật bất ngờ khi biết rằng ông Trần Xuân Ứng, Giám đốc Công ty chính là tác giả bài thơ dung dị “Tình ông cháu” rất được yêu thích trong thời gian qua. Với thể thơ lục bát, lời thơ mộc mạc, giản dị, “Tình ông cháu” khắc họa chân thực bao nhung nhớ của người cháu khi ông đi công tác xa nhà và tình cảm thương yêu, những nghĩ suy, mong mỏi mà ông dành cho cháu - thế hệ tương

Cùng đàm đạo chuyện thơ, chuyện đời.

 

Hoàn cảnh ra đời đặc biệt

 

Dù công tác trong lĩnh vực kinh doanh nhiều bận mải nhưng ông Trần Xuân Ứng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để thỏa lòng mình với những vần thơ. Tự nhận mình là người “ngoại đạo”, thơ ông viết dung dị về biết bao điều của cuộc sống đời thường. Ông lưu giữ lại trong tâm trí mình từng khoảnh khắc, để rồi từ đó, biết bao bài thơ dưới góc nhìn của một người từng trải, của một nhà kinh tế đã ra đời. Và “Tình ông cháu” cũng được ông sáng tác trong hoàn cảnh thật đặc biệt.

 

Ðó là một chuyến công tác về đất mỏ Quảng Ninh để gặp gỡ những đối tác Nhật Bản trong quãng thời gian vô cùng gấp gáp, vội vàng. Công việc căng thẳng khiến cho ông và những người đồng nghiệp tạm gác lại biết bao công chuyện gia đình. Vậy nhưng, trước khi lên đường trở về, không ai bảo ai, ông cùng một vài người bạn vẫn tranh thủ thời gian tìm mua quà bánh, đặc sản địa phương dành tặng riêng cho các cháu nhỏ ở nhà. Bất chợt lúc ấy, ông mới nhận ra rằng, cuộc sống hối hả, bận mải, nhiều áp lực đôi khi khiến con người ta quên lãng những tình cảm thật đẹp, thật đáng trân trọng trong gia đình. Công việc dù nhiều lo toan, nhưng chỉ cần những phút giây sum họp gia đình, vui đùa bên các cháu nhỏ, lắng nghe giọng nói, tiếng cười ngây thơ, trong sáng là dường như mọi mỏi mệt đều tan biến. Chính các cháu là nguồn động lực để những người ông, người bà dù tuổi đã cao nhưng luôn cố gắng sống vui, sống khỏe, là chỗ dựa vững chắc của cả gia đình. Và những người ông, người bà cũng là cây cao bóng cả từng ngày chở che cho các cháu nhỏ thân yêu.

 

Cũng từ ấy, bài thơ “Tình ông cháu” mở đầu với niềm vui mừng, phấn khởi biết bao mà rất đỗi chân thành, mộc mạc:

 

Ông đi công tác xa quê

Ở nhà cháu thấy trong lòng nhớ ông

Ngày ngày ra đứng ngóng trông

Hôm nay cháu được gặp ông đã về …

 

Cơ duyên hội ngộ

 

Dù đã biết tới nhạc sĩ Bùi Anh Tú, một người con của quê hương Thái Bình từ khá lâu, qua những ca khúc nổi tiếng mà ông viết về quê lúa, nhưng tác giả Trần Xuân Ứng chưa khi nào nghĩ một ngày nào đó, tác phẩm của mình được đến với người nhạc sĩ tài năng này và được ông phổ thành một bài hát ý nghĩa, vui tươi đến vậy! Qua những người bạn đồng hương, nhạc sĩ Bùi Anh Tú vô tình được lắng nghe những vần thơ dạt dào tình cảm ông cháu. Bài thơ mộc mạc, giản dị ấy thôi thúc ông ngay từ lần đầu tiên rằng: mình phải đặt bút phổ nhạc, để tạo nên một bài hát thật đặc biệt dành tặng riêng tới những người ông, người cháu trong gia đình.

 

 

Ðối với mỗi người ông, tuyệt vời biết bao khi được dành thời gian bên các cháu.

 

Sau bao đêm thức trắng, bao lần chỉnh sửa, nhạc sĩ Bùi Anh Tú lại lặn lội trở về quê nhà tìm gặp tác giả Trần Xuân Ứng để thảo luận, thống nhất từng câu, từng từ, từng nốt nhạc. Cùng là những người ông yêu cháu nhỏ, yêu gia đình tha thiết, giờ đây họ lại có cùng niềm đam mê và tâm huyết tạo nên một nhạc phẩm từ chính tấm lòng của những người ông. Thỏa lòng mong đợi, ca khúc “Tình ông cháu” đã ra đời. Nhưng lúc này, ai sẽ là ca sĩ đầu tiên thể hiện lại là nỗi trăn trở lớn.

 

Như một cơ duyên, thời điểm ấy, bản nhạc “Tình ông cháu” đã đến tay nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ. Xúc động trước lời ca và ý thơ mộc mạc, giản dị, nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ cùng cháu Ngọc Linh, một tài năng âm nhạc nhí của mảnh đất Hà Thành, đã cùng hòa giọng trong tác phẩm đặc biệt này. Dù cách xa về lứa tuổi nhưng có lẽ bởi cùng là người ông, người cháu trong gia đình, hát ca khúc bằng cả trái tim yêu thương nên nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ và tài năng nhí Ngọc Linh đã đưa “Tình ông cháu” đến với công chúng yêu nhạc thật nhẹ nhàng, ấm áp và vui tươi đến thế!

 

Ðích đến của cuộc sống có lẽ chưa khi nào là những giá trị về vật chất. Trong những khoảnh khắc yên bình, ta bất chợt nhận ra rằng dù ta có mải miết chạy theo thành công, phía sau vẫn luôn có những người thân yêu đợi chờ, dang rộng vòng tay đón ta trở về với mái ấm nhỏ thân thương. Và khi ấy, ta cũng bất chợt nhận ra rằng cuộc sống còn gì đáng trân trọng hơn thế, khi mà người với người sống để yêu nhau…

 

 

Nhạc sĩ Bùi Anh Tú

 

Tình cảm ấm áp giữa hai thế hệ trong bài thơ “Tình ông cháu” đã thôi thúc trong tôi cảm xúc dâng trào. Ðiều làm tôi ấn tượng nhất là ngôn ngữ của bài thơ chân thành, giản dị, chứa đựng tình cảm sâu lắng. “Tình ông cháu” mang tính văn học nghệ thuật và cả tính giáo dục rất lớn. Khi phổ nhạc, tôi đã phải lựa chọn rất kỹ lưỡng vì âm vực của hai thế hệ rất khác nhau, nhưng cuối cùng, bài hát này đã làm tôi tâm đắc. Tôi nghĩ bài thơ, bài hát “Tình ông cháu” chạm đến trái tim của nhiều thế hệ, nhiều gia đình.

 

Nhà thơ Ánh Tuyết

 

Ai cũng có gia đình của mình. Và có yêu gia đình, bắt nguồn từ gia đình nhỏ mỗi người mới có thể lớn lên, trưởng thành. Bởi vậy mà câu chuyện giữa ông và cháu trong bài thơ “Tình ông cháu” tưởng chừng rất đời thường, giản dị nhưng đã đi vào lòng người, tạo nên niềm xúc động sâu sắc. Ðấy chính là thành công của bài thơ. Tôi tin rằng bài thơ này là món quà đặc biệt dành tặng tới những người ông, người bà và cả thế hệ trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng.

 

Ông Nguyễn Minh Hoàng, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình

 

Ðọc bài thơ “Tình ông cháu” và nghe ca khúc này, tôi nhớ đến đàn cháu nhỏ của tôi ở nhà đang ngóng trông ông về, nhớ tới từng khoảnh khắc thân yêu hạnh phúc bên các cháu. Tôi chắc chắn rằng nhiều người ông cũng có cảm xúc giống như tôi.


Anh Tú

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày