Thứ 4, 21/05/2025, 14:25[GMT+7]

Vài cảm nghĩ về giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn

Thứ 2, 09/01/2017 | 09:04:52
2,185 lượt xem
 

Tác phẩm “Ngày hội làng biển” của tác giả Nguyễn Phục Anh đạt giải nhất hạng mục nhiếp ảnh - giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn giai đoạn 2002 - 2012.

Cuối tháng 12/2016, UBND tỉnh đã tổ chức lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn (giai đoạn 2002 - 2012). Báo cáo tại buổi lễ đã khẳng định bước tiến vượt bậc của sự nghiệp VHNT tỉnh nhà cả về số lượng tác giả, tác phẩm, đề tài, thể loại...; nhiều tác giả, tác phẩm đã vươn tới tầm văn chương nghệ thuật ưu tú cả nước. Ý kiến của những người trong cuộc, ngoài cuộc đều khẳng định sự trưởng thành đáng trân trọng đó. Đặc biệt, giải thưởng VHNT mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn được trao định kỳ là nguồn động viên, khích lệ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để thu hút đông đảo những người tham gia sáng tạo; các tác phẩm ngày càng nâng cao chất lượng về nội dung và thẩm mỹ. Tôi xin trích một phần bài tham luận (chưa đọc trên diễn đàn) của nhà thơ Kim Chuông để thay cho bài viết này.

"...Giải thưởng lần này đã được trao. Sắc hương của một vùng VHNT qua tháng năm, mùa màng, thời vụ đã được nâng cầm trên tay người có công, góp vào bề dày, bề sâu, làm nên sự phong phú, đa dạng, lịch sử diện mạo văn chương ở miền đất Thái Bình. Hệ trọng hơn, vui hơn khi chúng ta đã vượt lên trước đó, khi có ai đó có cái hiểu, cái nghĩ, cái phán, rằng "giải thưởng VHNT này chỉ trao cho tác phẩm viết về Thái Bình. Cụ thể Thái Bình. Rõ rệt Thái Bình". Nghĩa là, "đề tài" khai thác, mô tả, cái khuôn mẫu sẵn định: "Thái Bình". Thực tình, nếu chỉ vậy, thật hẹp; thật cạn nông và thấp; thật không phải giá trị vời cao của văn chương đích thực.

Ê-luy-a - nhà thơ lớn của nước Pháp đã từng nói rằng: "Văn chương là chân trời một người mở ra chân trời tất cả". Bởi vậy, nhiều quốc gia này vẫn mê say, tìm đọc những áng văn chương là tinh hoa của các quốc gia khác. Bởi văn học nó giống như tấm gương, ai soi vào cũng thấy giống bóng hình mình. Tất cả cái ngoại giới, cái trực giác, cái nhỡn tiền, cái sự kiện, cái tên người, tên đất cụ thể... chỉ trở thành cái cớ, để nhà văn cảm nhận, phát hiện và khơi sâu một tầng chìm, tầng xoáy xiết, tầng vang động của thế giới con người. Đấy là những gì là tình cảm, là tư tưởng, là triết lý nhân sinh, từ thế giới quan, bản thể luận của nhà văn. Bởi văn học được diện kiến và phát sáng từ chủ thể tư duy. Nó có từ chủ quan, từ ý thức, quan niệm, từ thái độ riêng, phong cách, giọng điệu riêng của người cầm bút. Bởi văn học phải đẩy cái cụ thể thành cái khái quát hóa, trừu tượng hóa, điển hình hóa... Và như thế, một Thúy Kiều trong Truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du; một gã AQ của Lỗ Tấn; gã Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật ấy, chả làm gì, chả ai có chức vụ gì. Một Thị Màu chả được biên chế, công tác ở đâu. Rồi một câu ca: "Tưởng rằng đá nát thì thôi/Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng...". Tất cả sự bình dị này chả to tát, vĩ đại gì trong cái gọi là "bề ngoài phản ánh". Vậy mà nó vẫn tồn tại. Vẫn tươi xanh. Vẫn lừng lững đi qua bao thế kỷ, đi qua bao quốc gia. Nhân loại vẫn ngân nga nó, ám ảnh nó trong nỗi niềm "Ái, ố dục; trong nhân tình, thế thái, trong ngẫm suy vũ trụ với thân phận" - Kiếp người.

Tác phẩm "Việc thường ngày ở một ngã tư" của tác giả Lê Quang Viện đạt giải nhì hạng mục nhiếp ảnh.

Thi sĩ Xuân Đam có câu thơ viết về ve sầu, rằng: "Kêu chi kêu đến hao gầy/Mấy lần lột xác không thay được hồn". Rồi câu thơ viết về đôi lứa yêu nhau trong nỗi niềm quặn thắt, rằng: "Muốn sang chẳng bắc được cầu/Trái tim người khác nằm đau ngực mình". Rõ ràng, thơ Xuân Đam - thơ của người Thái Bình viết. Câu thơ Xuân Đam viết ở Thái Bình nhưng bốn "câu thơ quả núi", bốn sắc kim cương kia đã vươn tới tầm xa, không còn chỉ đất này, tỉnh này, quốc gia này mà nhân loại này, ai đi trong cõi vô thường, vô định không chạm vào khoảng trống đang cần được lấp đầy trong cõi hồn mình vậy? Soi vào đấy, giải thưởng VHNT cao quý mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn phải nhằm vào hai điểm tựa: nghệ sĩ sáng tạo là người Thái Bình đang sống, gắn bó với Thái Bình. Và tác phẩm của họ phải đạt tới cái vóc tầm ấy, cái giá trị văn chương đích thực ấy, mới chính là gốc rễ.

Thật mừng vui hơn nữa bởi năm 1971, khi Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu nói rằng "Thái Bình đâu chỉ là đất lúa, Thái Bình còn là đất khoa cử, văn chương với Lê Quý Đôn, với 111 vị tiến sĩ vinh danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám". Với nhà văn Bút Ngữ đương thời, người duy nhất của Thái Bình thuở ấy, đang ngự chiếu nhà văn đất nước mà Chủ tịch Đặng Trịnh đã trân trọng, quý yêu, gọi ông là "nhà con một". Thế rồi, từ đó, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình được ra đời.

Năm 1985, giải thưởng VHNT mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn được tổ chức, trao lần thứ nhất. Buổi ban đầu "mỏng lép", người có tác phẩm dự thi và được trao giải, với thơ, với văn xuôi có khi chỉ là một chùm lẻ, rất hiếm tác giả có tập in riêng. Khái niệm văn học Thái Bình "vượt qua phà Tân Đệ" nghĩa là ai đó có tác phẩm được xuất hiện trên phạm vi cả nước đã thực sự là gương mặt sáng giá của đất này. Như vậy, nếu Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình không ra đời, giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn không được bình xét thì trên đất này người nghệ sĩ sáng tạo vẫn giống như dòng sông lộ trình nhưng chắc chắn sẽ thiếu đi sự khơi nguồn, sức bật và tiếng dội vang nơi bến bờ hướng tới.

Tác phẩm "Thềm quê" của tác giả Duy Đông cùng đạt giải nhì hạng mục nhiếp ảnh.

Bây giờ, tại lễ trao giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn lần này, Thái Bình đã khác xa. VHNT Thái Bình đã neo đậu trước chân trời mới. Nó có sức vóc mới của dòng chảy đa thanh với nhiều mùa màng bội thu, nhiều sắc hương, dáng vẻ. Từ thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh..., chuyên ngành nào cũng giàu có về tác giả và tác phẩm trình làng. Tác phẩm "Phương trời ngôi sao thức" của tôi được Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao giải nhì, năm 2002; khi đưa về hội đồng xét giải lần này được xếp loại B. Như vậy, đủ thấy thắng lợi đáng mừng về một quy mô, khối lượng và chất lượng của VHNT Thái Bình với sự sàng lọc, chọn lựa ở cuộc xét tặng và trao giải.

Giải thưởng VHNT mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn lần này đã được trao. Song cái thật nghiệt ngã của mỗi người cầm bút, đó là khi tác phẩm đã ra đời, khi giải thưởng đã được ghi nhận, mỗi nghệ sĩ sáng tạo lại thực sự trở về vạch xuất phát ban đầu. Chúng ta lại ngồi trước trang giấy trắng với hai bàn tay trắng. Chúng ta lại đối diện với cuộc chiến "đơn thương độc mã" trong công cuộc lao động, sáng tạo mới. Nhưng giải thưởng mà chúng ta đã đạt được nó giống như cây cột mốc bên đường, dẫu chỉ đứng im nhưng lại cho người hành trình biết được mình đã đi đến đâu? Con đường đi ấy là gì? Là thế nào?... trước dặm dài băng vượt.

Trước niềm vui của thành tựu đạt được, mong các nghệ sĩ luôn không ngừng lao động, sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng hơn, hay hơn, góp phần làm rạng danh hơn nữa nền VHNT Thái Bình trước biển lớn: "Nền VHNT đất nước".

Hải Đăng
(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa