Thứ 3, 10/09/2024, 15:37[GMT+7]

Chọi gà - “đặc sản” văn hóa dân gian

Thứ 2, 23/01/2017 | 17:00:26
7,258 lượt xem
Thắng cảnh đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) - nơi thờ Đức vua cha Bát Hải Động Đình, nơi tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng nhà Trần, di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng gỗ mỹ thuật, được cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Một năm hai kỳ mở hội, hội xuân mở mỗi dịp tết đến xuân về và hội chính kéo dài từ ngày 20 - 26/8 âm lịch. Ngoài phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao độc đáo, hấp dẫn được

Ảnh: Việt Hùng

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức: hội đền Đồng Bằng xưa, nay đều có trò chơi chọi gà. Cổ truyền chia ra 2 sới, sới nội hạt và sới thập phương. Thi đấu riêng rồi dần chọn ra các "thớt" gà tiêu biểu để đấu chung kết, giải thưởng tuy không lớn nhưng trước bàn dân thiên hạ mà gà nào thắng cuộc là niềm tự hào lớn lao cho chủ của nó. Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Như Bền, xóm 5, thôn Đồng Bằng, người có thâm niên nuôi và chơi gà chọi gần 40 năm, đã giành nhiều giải thưởng qua nhiều mùa lễ hội. Với 3 dãy chuồng được đầu tư hơn 20 triệu đồng, nhà ông luôn có hơn 20 con gà chiến cùng gần 50 gà mái và gà con. Ông Bền chia sẻ: Gia đình có 3 thế hệ chơi gà chọi, gắn bó với những chú "chiến kê" gần nửa đời người, với ông, đó không còn là nuôi dưỡng một loài gia cầm thông thường để phục vụ một thú chơi mà còn là một niềm đam mê, không chỉ gia đình ông mà còn nhiều gia đình khác ở địa phương vẫn lưu giữ và duy trì trò chơi dân gian mang đậm tính nghệ thuật này. Ngoài việc làm tổ trưởng tổ cung văn đền Đồng Bằng, phần lớn thời gian rảnh rỗi hàng ngày ông đều dành để chăm sóc cho những chú gà chọi. Kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc, luyện tập, giành chiến thắng qua từng trận đấu sẽ mang về tên tuổi cùng sự nể phục của người hâm mộ đối với chủ kê. Ngoài việc lựa chọn kỹ gà mẹ, gà bố, khi trứng nở ra gà con lại được ông Bền lựa từ dáng chân, mỏ, mình, đầu... để gây được con gà tốt. Những con gà đạt chuẩn thường phải có các tố chất: khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát với "lưng tròn, mình lẳn, lông nhiều và duỗi, dáng đi vững chắc (di vẩy), đầu dọc trắng to và phải cân xứng với cổ, thân, mắt phải sắc, hoạt khí thần kê, lông đầu úp vỏ chai", dân gian tổng kết:

"Đầu công , mình cốc, cánh vỏ trai
Quản ngắn, đùi dài chẳng sợ ai
Khô chân, gân mặt ấy gà tài".

Sau quá trình nuôi dưỡng công phu, gà được tỉa lông, bôi nghệ và thuốc cho da gà dày dạn, chịu được những đòn tấn công của đối phương vào những phần dễ bị trúng đòn như cổ, đầu, đùi và ngực. Khi được 7 tháng tuổi trở lên, mỗi chú "chiến kê" đều trải qua những công đoạn huấn luyện được gọi là "vần" như: vần hơi, chạy lồng, vào nghệ, dầm cán, quần sương, xổ gà… Nếu kỹ thuật "vần" gà không tốt, gà rất dễ vỡ đòn mà trở nên nhút nhát, khi xung trận chỉ nhìn thấy đối phương đã bỏ chạy. Tùy thuộc vào phương pháp huấn luyện của mỗi chủ kê, những công đoạn này đều giúp gà tăng sức chịu đựng, sức bền, phát huy được những đòn sở trường khi vào sới. Sau quá trình nuôi dưỡng và huấn luyện, được hơn 1 năm tuổi, mỗi chú "chiến kê" đã có một thân hình rắn rỏi cùng nội lực sung mãn để có thể sẵn sàng thi đấu.

Ảnh: Thành Tâm

Ngay sau ngày khai hội, sân đền Đồng Bằng đã hình thành nhiều sới chọi gà, mỗi sới chỉ cần có mặt phẳng 3 - 4m2 được quây tròn, vây quanh tới hàng trăm người hâm mộ. Chủ trò cuộc chơi đội khăn xếp, quần trắng cháo lòng, áo the vén vạt, thắt dây lưng xanh, môi đỏ quết trầu, công bố thứ tự các đôi gà vào chọi. Đám chọi gà mỗi lúc một đông vui thêm. Trước trận đấu, mỗi chú "chiến kê" luôn được chủ nhân của nó chăm sóc, vuốt ve chu đáo vừa để khích động vừa để lưu thông huyết mạch. Mới nhìn thấy địch thủ, các "chiến kê" đã ngậu lên, chúng đạp đất, vỗ cánh, vít cổ như muốn thoát khỏi tay chủ mà lao vào cuộc tỉ thí ngay. Hiệu lệnh trận đấu vang lên, từ hai phía, hai "chiến kê" căng mắt lao vào đối mặt nhau không một chút sợ hãi, tuy nhiên, tùy thuộc vào bản năng và huấn luyện, có những con gà chiến đấu ngay nhưng cũng có những con "thủ thế" nâng cao đầu để quan sát tứ bề nhưng cặp mắt không rời địch thủ, chỉ chờ sơ hở là tấn công, nhiều con khác vẫn tiếp tục cúi đầu tìm mồi ăn dưới đất, nhưng vẫn cảnh giác, cốt chờ đối phương xuất chiêu để xem tài cao thấp. Tận mắt xem một trận chọi gà mới thấy hết ý chí kiên cường, sự dũng mãnh của chúng, dù yếu hơn đối phương nhưng không một chú gà nào bỏ chạy mà vẫn lao vào tấn công cho đến lúc kiệt sức mới thôi. Một hồ chọi gà thường chỉ diễn ra 15 phút, những con gà khỏe có thể thi chọi nhiều hồ. Trong xét giải chọi gà thường xếp theo trọng lượng cơ thể và đấu phân loại trực tiếp. Gà chiến thắng tất cả các trận sẽ đạt giải quán quân. Khi các đôi đã lần lượt thử sức, chủ trò gọi từng đôi thắng cuộc vào tranh giải, cuộc đấu tài đấu trí này càng về cuối người xem càng hồi hộp, chứng kiến những cặp gà quyết đấu thật dữ dội, quyết liệt. Cuối buổi thi, ông chủ trò trao giải cho những ông chủ gà xếp hạng khác nhau, giải thưởng tuy nhỏ nhưng chủ gà thắng bao giờ cũng chia cho chủ gà bại một phần giải thưởng, điều này thể hiện tinh thần thượng võ và sự độc đáo của giải chọi gà hội Đồng Bằng. Trước đây, do quy mô tổ chức nên trò chơi chọi gà trong lễ hội đền Đồng Bằng thường diễn ra ở sới nội hạt với sự tham dự của những chiến kê địa phương và các xã lân cận. Từ năm 2005, xã An Lễ và Ban quản lý di tích đền Đồng Bằng có sự quan tâm đầu tư, trò chơi chọi gà đã thu hút nhiều "chiến kê" từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định... tham gia, tạo thêm không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem, giúp tăng uy tín và tên tuổi của giải đấu. Ông Phạm Trung Phương, Phó ban quản lý di tích đền Đồng Bằng cho biết: Với chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định lễ hội di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đồng Bằng là dịp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh, ngoài phần lễ trang trọng, trong những năm vừa qua, các trò chơi dân gian độc đáo mang nét riêng của làng, của vùng, đặc biệt là trò chơi chọi gà được bảo tồn và phát huy.

Ảnh: Thành Tâm

Chọi gà đã thành thú vui tao nhã được lưu truyền ở An Lễ từ xa xưa, tạo nên nét độc đáo trong lễ hội đền Đồng Bằng. Không chỉ mang tính chất giải trí, khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông, chọi gà còn nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Trịnh Cường

  • Từ khóa