Thứ 6, 27/12/2024, 04:45[GMT+7]

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:32:09
3,745 lượt xem
Thực tế cho thấy, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các câu lạc bộ văn nghệ góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các địa phương phát triển rộng khắp, đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu, làm cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thúc đẩy ý thức tham gia tự giác của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu quả phong trào văn hóa văn nghệ

Sau 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy từ một xã ven biển với nền kinh tế chậm phát triển, nay đã mang diện mạo khang trang, đổi mới. Góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành 19/19 tiêu chí là sự đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân, mà trong đó phong trào văn hóa văn nghệ của từng thôn xóm đã được xã chú trọng thực hiện. Cả xã có 7 đội văn nghệ thường xuyên tích cực hoạt động, tạo nên đời sống văn hóa sôi động cho nhân dân địa phương. Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, thành viên trong các đội văn nghệ là những nhân tố tích cực cùng nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp nhiều ngày công lao động để gìn giữ cảnh quan, vệ sinh môi trường trong khuôn viên các khu di tích. Trong các lễ hội hàng năm được tổ chức tại các khu di tích lịch sử, họ cũng tích cực tham gia vào các đội tế và nhiều trò chơi dân gian ý nghĩa góp phần gìn giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống.

Về xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương, chúng tôi có dịp được tham gia vào những buổi tập luyện hăng say của câu lạc bộ hát chèo và hát dân ca. Các thành viên đều ở độ tuổi từ 50 đến ngoài 70 tuổi nhưng luôn tích cực với phong trào văn hóa, văn nghệ, với tiêu chí sống vui - sống khỏe - sống có ích. 

Ông Bùi Công Toàn, chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: Những ngày đầu thành lập có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Ông cùng ban lãnh đạo xã đã đi đến từng nhà vận động và khuyến khích mọi người ủng hộ phong trào chung của địa phương.

Đến nay, thật mừng vì người góp công, người góp của, người cho mượn địa điểm tập luyện mỗi ngày để các thành viên trong câu lạc bộ hát chèo và hát dân ca xã Vũ Hòa có thể cùng nhau mang lời ca tiếng hát đến với đông đảo nhân dân trong và ngoài xã. 

Dù tuổi đã cao nhưng nhờ sự tích cực, hăng say của mình, bà Phạm Thị Ngắn vẫn đảm nhận vai trò chủ chốt trong mỗi tiết mục của câu lạc bộ. Bà Ngắn tâm sự: Để có thể tham gia vào phong trào chung, mỗi thành viên đều nhận được sự ủng hộ của gia đình bởi đều là những người nông dân chân lấm tay bùn nên họ cần nhiều thời gian tập luyện hơn cho mỗi tiết mục biểu diễn. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa xóm làng và cũng qua lời ca tiếng hát, nhiều chủ trương, chính sách đã đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trong đó, không thể thiếu là sự phát triển của mỗi câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của địa phương đánh dấu sự chuyển biến tích cực của người dân trong việc hướng đến nếp sống văn hóa mới, đồng thời bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua đó, họ nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với cộng đồng dân cư, gắn lợi ích của từng gia đình với lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu

Những năm qua, xác định gia đình là hạt nhân quan trọng của xã hội, xã Thái Thượng coi đây là một trong những nòng cốt của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua bình xét, mỗi năm số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, năm 2016, có trên 90% gia đình văn hóa. Mà trong đó, phải kể đến những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương là những nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của mỗi cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, bởi đó chính là những tấm gương chân thực để các gia đình khác noi theo.

Trong khi quy mô gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống yên vui, hạnh phúc dưới một mái nhà đang ngày càng thu hẹp thì về xã Thái Thượng, chúng tôi được nghe cán bộ và nhân dân trong xã chia sẻ câu chuyện hiếm có về gia đình ông Phạm Đức Lân. Gặp gỡ gia đình ông bà mới hiểu được tình yêu thương mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Cả hai ông bà nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, thích lao động và luôn tích cực tham gia vào những công việc chung của làng xã. Ông bà đến với nhau ở những năm tháng mà quan niệm trọng nam khinh nữ còn phổ biến. Vậy nhưng cho đến giờ, khi đã bước sang ngưỡng “bên kia” của cuộc đời, ông vẫn luôn dành cho bà sự trân trọng, yêu thương bởi đã cùng ông nuôi dạy 7 đứa con khôn lớn, trưởng thành và giữ được sự yên vui, hòa thuận trong đại gia đình.

Ông Lân chia sẻ: Đã nhiều năm liền, gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương, bởi dù sống chung cùng gia đình người con trai út nhưng giữa các con, các cháu chưa khi nào xảy ra điều tiếng, hay có chút ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau. Để đạt được điều đó thì người làm cha, làm mẹ luôn gương mẫu, đối xử công bằng giữa các thành viên trong gia đình, là tấm gương để các con, các cháu noi theo. Và cứ chiều chiều, sau quãng thời gian học tập hăng say, vất vả, những đứa cháu nhỏ lại tề tựu về bên ông bà, cùng đọc sách báo cho ông bà nghe và kể cho ông bà những câu chuyện trên trường, trên lớp. Với ông bà thì khi còn trẻ, niềm hạnh phúc là nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành còn giờ đây, niềm vui, niềm hạnh phúc càng đậm đà hơn bởi các con đã có thể giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày.

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 82,3% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đó đều là những đại diện tiêu biểu trong các lĩnh vực: gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nền nếp, gia đình tham gia tích cực trong đóng góp, xây dựng cộng đồng,… 

Là một trong những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Thái Thụy, ông Nguyễn Văn Thoa ở xã Thụy Việt hào hứng chia sẻ: Đằng sau sự thành công của công việc kinh doanh nhiều bận mải cùng với đó là sự tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng đồng, tôi nhận thấy rằng gia đình hạnh phúc chính là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Xác định được điều đó, vợ chồng tôi luôn giữ được sự hòa thuận trong gia đình, tích cực giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới bắt đầu hình thành và ủng hộ các thành viên trong gia đình nỗ lực tham gia vào những phong trào chung của địa phương tạo nên sự gần gũi, gắn bó láng giềng, thiết thực góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.


Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy

Năm 2016, Thái Thượng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Có được kết quả này là sự đồng lòng, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân. Xã có 7 đội văn nghệ, trong đó 3 đội hoạt động tại các khu di tích lịch sử văn hóa, 3 đội của các họ giáo, 1 đội với các thành viên là đoàn viên, thanh niên trong xã. Các đội văn nghệ đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo nên khí thế sôi nổi, hào hứng trong quần chúng nhân dân.


Chị Hoàng Thị Luyến, câu lạc bộ hát chèo và hát dân ca xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương

Tham gia phong trào văn hóa văn nghệ của xã, chúng tôi thêm đoàn kết, gắn bó, nâng cao tinh thần tương thân tương ái giữa bà con trong làng xã. Dù công việc ruộng đồng bận mải nhưng các thành viên trong đội văn nghệ luôn tích cực tập luyện với mong muốn mang đến cho khán giả những tiết mục hát múa hay nhất, kỳ công nhất cùng mong muốn góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương. Những tiết mục được câu lạc bộ lựa chọn biểu diễn thường là những điệu chèo cổ hay ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Thoa, xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy

Hai vợ chồng đều làm nghề nông, cuộc sống nhiều vất vả nhưng đều xác định điều quan trọng là xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà nhưng chưa khi nào xảy ra điều tiếng bởi hưởng ứng các phong trào của địa phương chúng tôi tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững và thực hiện nếp sống văn hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Anh Tú