Thứ 3, 30/04/2024, 17:59[GMT+7]

Bóng dáng Việt trong truyện tranh Bỉ

Thứ 6, 13/08/2010 | 15:09:21
2,312 lượt xem
Tập truyện tranh đầu tiên Vĩnh Khoa vẽ mang tên Sau lũy tre xanh - câu chuyện chất đầy tâm trạng và ký ức về VN lại gây tiếng vang trên đất Bỉ, miền đất hứa của những tài năng truyện

Bìa truyện tranh Sau lũy tre xanh

Dù Vĩnh Khoa tự nhận khi phác những nét vẽ đầu tiên, ông không nghĩ mình là người VN hay người châu Á, ông vẽ với tất cả rung cảm của một con người. Người ta vẫn nhận ra sau giọng Quảng Nam thật thà, giọt nước mắt sau nhiều năm ly hương là một tâm hồn VN trong trẻo. Tâm hồn ấy suốt gần 30 năm dành trọn cho một niềm đam mê duy nhất: vẽ truyện tranh.

Họa sĩ Vĩnh Khoa

Để tìm thấy định mệnh của mình, Vĩnh Khoa đã phải trải qua những quãng thời gian khốn khó và cơ cực. Ban đầu ông chọn học y khoa, rồi nhanh chóng nhận ra đó không phải sự lựa chọn tốt cho cuộc đời mình. Sau đó, nhờ sự tư vấn của một vài người bạn, Vĩnh Khoa chọn học ngành giáo dục tại Trường đại học Liège (Bỉ).

Trong những ngày làm đủ nghề để kiếm sống trên mảnh đất xa lạ, ông vẽ bất cứ lúc nào có thể. Phải mất bốn năm tự học, đến năm 30 tuổi Vĩnh Khoa mới trình làng bộ truyện tranh đầu tiên về cổ tích VN với tên gọi Sau lũy tre xanh với bút danh Vink. Ngay lập tức, giới phê bình và hội họa Bỉ nhìn thấy một làn gió lạ và mới mẻ đến từ châu Á.

Năm năm sau khi bước chân vào nghề, Vĩnh Khoa khẳng định tên tuổi mình bằng giải thưởng truyện tranh lớn nhất của Bỉ năm 1985 với bộ truyện Le moine fou (Nhà sư điên).

Sau Nhà sư điên là nhiều bộ truyện tranh khác, trong đó nổi bật là bộ Những cuộc phiêu lưu của He Pao. Tên tuổi Vĩnh Khoa không chỉ giới hạn trong biên giới Bỉ, tác phẩm của ông còn được in ở nhiều nước châu Âu khác.

Vĩnh Khoa cũng là cộng sự đắc lực của Nhà xuất bản Dargaud (Pháp). Ông cũng từng được Hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney mời sang Los Angeles hợp tác trong bộ phim Hoa Mộc Lan.

Vĩnh Khoa sinh năm 1950 tại Đà Nẵng và rời VN năm 1969. Như sau này ông hồi tưởng: “Năm đầu tiên trên đất Bỉ là giai đoạn khó khăn nhất đối với sinh viên VN. Hành trang tôi mang theo chỉ có một số bài hát của Trịnh Công Sơn tôi vẫn nghe thời ở VN. Trong vali của tôi lúc đó còn có một cuốn sách của nhà triết học nổi tiếng Ấn Độ. Sau này, một số tác phẩm của tôi cũng chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mà tôi đã đọc”.

Trong chuyến trở về quê hương, Vĩnh Khoa đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi về dấu ấn VN trong các sáng tác của ông. Người đàn ông mang cặp kính dày và mái tóc hoa râm cười hồn nhiên: “Khi sáng tác tôi không quá chú trọng tôi đến từ đâu, tôi không nghĩ mình là người Việt hay người Bỉ, tôi biểu lộ cảm xúc và suy tư của con người trước hết”.

Vĩnh Khoa cũng tự nhận lối vẽ của ông ảnh hưởng châu Âu sâu sắc, nhưng những điều ông diễn tả lại rất VN. Xem truyện tranh của Vĩnh Khoa vẫn thấy phảng phất hình ảnh những ngọn núi, dòng sông, những xóm làng VN. Những ký ức về quê hương hiển hiện một cách vô thức qua nét vẽ của ông mà không hề có sự chuẩn bị hay tính toán trước đó.

Trong những ngày ngắn ngủi lưu lại VN, Vĩnh Khoa sẽ cùng các họa sĩ của Nhà xuất bản Kim Đồng hoàn thành một số bức vẽ cho tập truyện tranh về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo tuoitreonline

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày