Thứ 7, 23/11/2024, 09:44[GMT+7]

Thổ cẩm - báu vật của người Mông

Thứ 7, 29/09/2018 | 15:05:08
952 lượt xem
Vượt những biến cố, thăng trầm, qua hàng trăm năm, nghề xe lanh, làm thổ cẩm vẫn được người Mông Sa Pa gìn giữ như báu vật thiêng liêng của dân tộc mình.

Từ những vỏ cây lanh thô ráp, qua bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì, tỉ mẩn, phụ nữ Mông Sa Pa đã tạo ra những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, may thành trang phục độc đáo phục vụ đời sống nơi vùng cao, sương giá.

Để tạo nên những tấm thổ cẩm, việc đầu tiên phụ nữ Mông phải làm là thu hoạch cây lanh và phơi khô. Lanh được phơi thành những đụm to ngay sân nhà hay bất cứ khoảng đất rộng nào.

Khi lanh đã đủ khô (tức là đã được hong nắng 3 - 4 ngày và phơi sương 2 đêm) sẽ được mang về nhà, tước vỏ. Tiếp đó là giã lanh và nối sợi - đây là công đoạn được coi là vất vả và tốn nhiều công sức nhất. Phụ nữ Mông phải giã cho lanh mềm suốt 4 - 5 ngày liền, sau đó lại tỉ mẩn nối những sợi lanh lại sao cho đều và đẹp. Nối lanh đều, đẹp là các mối nối không bị lộ, các sợi đều nhau để khi lên vải, các thớ sợi mới đều, vải dệt mới phẳng, mịn.

Một vài lần đến Sa Pa, tôi luôn bắt gặp nhiều phụ nữ Mông với đôi tay thoăn thoắt nối sợi và cuốn sợi lanh thành từng búi nhỏ ở tay. Người ta nói rằng, phụ nữ Mông rất biết cách tranh thủ làm, trên đường lên nương, xuống chợ hay bất cứ đâu, hễ đôi tay rảnh rang là họ lại nối, cuốn sợi lanh.

Sau khi xe và nối sợi bằng tay xong, lanh được đưa lên guồng xe tiếp một lần nữa trước khi thu vào guồng sợi. Để khỏi bị đứt, các cuộn sợi này được nhúng vào nước chừng 15 - 20 phút trước khi xe cho mềm và tăng độ dẻo dai. Qua một vài công đoạn sơ chế nữa như luộc, ủ, giặt, sợi lanh sẽ có màu trắng, mịn và dai. Khi đó, người dân sẽ mang sợi lăn thêm lần nữa cho mỏng, phẳng hơn rồi xếp thành con chỉ để dệt. Người Mông thường dệt khổ vải khoảng 40 - 45 cm.

Sau khi dệt thành tấm, người Mông dùng kỹ thuật vô cùng độc đáo để tạo hoa văn, họa tiết cho vải đó là vẽ sáp ong. Sáp ong được đun trên bếp lửa cho nóng chảy, người thợ dùng bút vẽ có cán bằng gỗ, ngòi bằng đồng nhúng vào sáp nóng và vẽ lên vải. Chất “mực” đặc biệt này vẽ đến đâu khô đến đó, hoa văn ăn vào từng thớ vải. Việc vẽ sáp ong là nhằm ngăn màu chàm nhuốm vào vải, bởi khi nhuộm xong, vải được đem ngâm trong nước nóng, lúc này sáp ong sẽ chảy ra và để lộ những họa tiết hoa văn. Do tính chất cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao nên quy trình này thường là người lớn tuổi, có kinh nghiệm thực hiện.

Vải được ngâm qua nước lã cho ngấm đều sau đó nhúng chàm. Nhúng chàm là công đoạn không thể thiếu trong việc tạo ra các sản phẩm của người Mông. Sau khi nhuộm chàm, những tấm vải sẽ được phơi khô, giặt tẩy sáp và tiếp tục được giặt đi giặt lại nhiều lần rồi mới lăn để tạo độ phẳng và mịn.

Những tấm vải lanh hoàn thành sẽ được mang ra chợ bán hoặc may thành áo, váy. Mỗi tấm vải chứa đựng trong đó bao mồ hôi, công sức của phụ nữ Mông. Thành quả cuối cùng cho chuỗi lao động không mệt mỏi là những chiếc váy, áo không chỉ giúp giữ ấm mà còn mang màu sắc riêng, tôn lên vẻ đẹp của dân tộc Mông.

Nếu du khách đến Sa Pa muốn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này của người Mông có thể ghé qua khu du lịch Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ hoặc xã Tả Phìn.

Theo baolaocai.vn