Thứ 2, 30/12/2024, 03:27[GMT+7]

Chợ quê giữa lòng thành phố

Thứ 6, 01/02/2019 | 16:03:56
3,851 lượt xem
Giữa ồn ào phố thị, một chút đơn xơ, mộc mạc của góc chợ quê tại Bảo tàng tỉnh đã khơi gợi cho người tham quan nhiều cảm xúc khi được tìm về với nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hoa quả được bày bán tại góc chợ quê.

Đơn giản chỉ là dăm ba gian hàng với vài món bánh, mớ rau, củ quả và quán nước chè… được thiết kế theo phong cách cổ truyền nhưng góc chợ quê lại có sức cuốn hút lạ lùng. Từ người già đến các em nhỏ ai cũng háo hức và vô cùng thích thú khi được thưởng thức những bát nước chè xanh, ăn miếng bánh đúc và mua các loại rau củ, quả, đồ khô. 5 gian hàng bày bán các loại mặt hàng cùng gánh hàng hoa của cô thôn nữ, chiếc xe thồ chở đầy đơm đó, nong nia của bác nông dân… khiến không gian chợ mộc mạc mà gần gũi.    

Háo hức, lạ lẫm là cảm xúc đầu tiên của Vũ Thị Thu Phương, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vũ Tiên (Vũ Thư) khi đặt chân tới góc chợ quê và phố ông đồ tại Bảo tàng tỉnh. Bởi với cô học trò nhỏ, từ trước tới nay, chợ quê cổ truyền chỉ xuất hiện qua trí tưởng tượng, sách báo hoặc lời ông bà, cha mẹ kể lại mà em chưa được trải nghiệm thực tế bao giờ. 

Vũ Thị Thu Phương chia sẻ: Hôm nay, các bạn lớp em được nhà trường tổ chức đi tham quan tại Bảo tàng tỉnh. Đây thực sự là chương trình ngoại khóa hữu ích của chúng em. Trải nghiệm không gian chợ quê truyền thống em thấy khác xa với các chợ hiện tại. Ở chợ quê có sự mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất thú vị, hấp dẫn. Những vật dụng ở chợ giản dị cảm giác cho người tham quan về một cuộc sống yên bình chứ không vội vã. Em rất mong có nhiều không gian như thế này để chúng em được khám phá, từ đó hiểu hơn về nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. 

Hầu hết người bán hàng tại chợ quê đều mặc trang phục truyền thống.

Cũng giống như Vũ Thị Thu Phương, bà Phạm Thị Sâm, thành phố Thái Bình rất hào hứng, vui vẻ khi đến với góc chợ quê. Bà Sâm chia sẻ: Khi còn nhỏ, tôi thường được bố mẹ cho đi chợ tết. Đi chợ, tôi được bố mẹ sắm cho quần áo mới. Vì thế, khi đến tết, chúng tôi ai cũng háo hức được đi chợ sắm tết. Giờ đây, cuộc sống đầy đủ, sự háo hức của con trẻ trong ngày tết có phần giảm đi song khi biết Bảo tàng tỉnh tổ chức góc chợ quê và phố ông đồ, tôi đã dẫn cháu nội đến xem để cháu hiểu được nét văn hóa cổ của dân tộc. Đến với chợ quê, tôi như được sống lại với cảm giác gần gũi, thân quen ngày xưa, những ký ức tuổi thơ tôi được ùa về khiến tôi rất xúc động. 

Đối với mỗi người dân Việt, chợ quê gói ghém nhiều hình ảnh thân thương, là chốn mưu sinh của người dân quê bởi hầu hết các sản phẩm bày bán đều từ “cây nhà lá vườn”. Chợ lưu giữ nhiều nét văn hóa, tục lệ của người dân và thường gắn với những gì gần gũi, đi vào tiềm thức của người dân quê. Đây là nơi tụ hợp mọi thành phần từ già trẻ, gái trai, người giàu, người nghèo, nông dân, tri thức… Vì thế, từ bao đời nay nó đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng cao. 

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trước thềm năm mới, 2 năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Văn hóa Việt đều tổ chức hoạt động phố ông đồ, riêng năm nay có thêm góc chợ quê. Người tham quan vừa được xem câu đối, xin chữ, vừa được hòa mình vào không gian chợ quê với nhà tre, gánh hàng hoa, nón lá và được thưởng thức những món ăn dân dã. Ban tổ chức cũng bày trí nhiều trò chơi dân gian để người tham quan được tìm hiểu, vui chơi. Nếu mô hình phố ông đồ và góc chợ quê thành công, đón nhận nhiều sự ủng hộ của người dân thì những năm tiếp theo Bảo tàng tỉnh và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Văn hóa Việt sẽ mở rộng quy mô với nhiều sản phẩm hàng hóa bày bán hơn. 

 Người dân đến tham quan, mua sắm tại chợ quê. 

Dù vẫn rau củ, quả và những món bánh ấy song không gian bài trí của góc chợ quê đã cho người đến tham quan, mua sắm được sống lại những ký ức tuổi thơ. 

Nếu yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, người dân có thể đến Bảo tàng tỉnh để trải nghiệm không gian văn hóa cổ truyền. Chợ quê sẽ diễn ra đến hết ngày 4/2/2019. 

Hoàng Lanh