Thứ 5, 02/05/2024, 09:50[GMT+7]

Mâm cỗ ngày tết

Thứ 5, 19/01/2012 | 08:29:32
3,397 lượt xem
Mỗi chúng ta chắc ai cũng đã có ít nhất một lần ăn cỗ. Bữa cỗ Việt Nam từ xưa đã gắn bó với truyền thống lâu đời của dân tộc, đất nước, làng mạc, quê hương... Đối với trẻ em, ăn cỗ là niềm hân hoan, là kỷ niệm đọng lại trong ký ức tuổi thơ rất khó phai mờ.

Mâm cỗ đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam tự bao đời nay. Dù là cỗ tết hay cỗ vào các dịp khác, mâm cỗ bao giờ cũng đủ 10 món ăn: 5 bát, 5 đĩa. Bát gồm: miến, măng, mọc, nấm, bóng. Đĩa gồm có: thịt gà luộc, giò, chả, xào, nộm và xôi. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, đông hay ít người mà cỗ thêm bớt chút ít. Cỗ to có thêm thịt trâu, thịt bò,  nem rán.

Những bữa cỗ gia đình thường mời họ hàng, bà con xóm mạc thân hữu đến ăn. Những người mẹ, người chị trổ tài khéo léo của mình. Đĩa nộm, bát bóng và các món xào chị em cắt tỉa thành nhiều hình hoa lá. Những quả ớt, cà chua, củ hành, cà rốt... thành những bông hoa nhiều cánh đặt giữa đĩa, giữa bát; trên những lá húng, kinh giới, tía tô... xanh đỏ làm mâm cỗ càng trở nên hấp dẫn. Nhân dân ta có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” bởi lòng nhiệt thành nồng hậu mến khách của chủ nhà. Mâm cỗ bày sạch, đẹp, khách mời đến dự đông đủ sẽ là niềm vui của mọi người.

Thờ cúng tổ tiên, làm cỗ cúng 3 ngày tết đã trở thành phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam. Việc làm này thể hiện lòng thành kính biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Làm cỗ cúng gia tiên còn mang ý nghĩa giáo dục. Cây có gốc, nước có nguồn. Có tổ tiên, ông bà, cha mẹ mới có mình và con cháu hôm nay. Khi người chủ gia dình khấn vái tổ tiên, các thành viên con cháu im lặng trang nghiêm. Sau đó từng người cúng vái cầu xin tổ tiên, ông bà, phù hộ cho con cháu: năm mới may mắn và an khang, thịnh vượng. Khi hương cháy hết hoặc cháy 2/3 nén hương, người chủ gia đình lễ tạ. Mâm cỗ bê xuống đặt giữa giường hay giữa chiếu trải dưới đất. Tất cả con cháu quây quần quanh mâm, tùy theo mâm đặt 4 bát hay 6 bát mà ngồi. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Mâm trên (trên giường) là hàng ông bà, cha mẹ, cô bác, chú dì... những người lớn tuổi. Mâm dưới (trải chiếu dưới đất) là hàng con, cháu và những người trẻ tuổi. Lúc ăn cỗ mọi người đều cười nói vui vẻ. Vừa ăn vừa chúc tụng, thăm hỏi lẫn nhau. Đi ăn cỗ không phải chỉ để ăn mà còn là niềm mong mỏi, sum họp gia đình, họ hàng nội ngoại. Qua bữa cỗ mọi chuyện vui buồn được sẻ chia làm cho nghĩa tình thắm đượm hơn. Tuy ăn cỗ thân mật, vui vẻ, song ăn uống cũng thể hiện nét văn hóa, lịch sự, nhất là khi ngồi cùng mâm với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Khi ăn, không được chống đũa lên mâm mà phải dùng tay sửa đũa ngay ngắn. Khi gắp thức ăn không đảo bới, không dùng đũa xê dịch bát, đĩa trong mâm. Khi dùng thìa cần đặt đũa xuống. Không vừa nhai, vừa nói.

Ngày tết từng gia đình đều có mâm cỗ cúng tổ tiên. Lòng tin sự có mặt của ông bà, cha mẹ đang trên bàn thờ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con cháu. Ai cũng cảm thấy linh thiêng “sợ” không dám làm những điều gian dối, độc ác, e có tội với ông bà cha mẹ, tổ tiên, ai cngx muốn được hưởng, giữ gìn phúc đức của tiên tổ để lại cho con cháu hôm nay.

Mâm cỗ rất quen thuộc với người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thành phố đến nông thôn. Ai đã đi xa quê hương xứ sở nhiều năm vào những ngày tết khi nghĩ về quê hương đều nhớ không khí ấm cúng gia đình sum họp với hương vị ngọt ngào đằm thắm của mâm cỗ Tết.

Thúy Mai

(TP. Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày